Thay đổi về nguồn vốn vật chất

Một phần của tài liệu Phân tích sự thay đổi sinh kế của các hộ dân xã Hải Yến sau khi bàn giao đất xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Trang 84)

Kiên cố hóa nhà cửa và những tiện nghi, đồ dùng gia đình là một trong những chỉ tiêu để đo lường mức sống của người dân, mặc dù tiêu chí này không phải lúc nào cũng phản ánh đúng thực trạng về mức sống. Sau thu hồi đất các hộ dân phải tiến hành tái định cư lên nơi ở mới, nên 100% số hộ đều phải xây dựng nhà ở mới. Điều này còn được thể hiện rõ rệt trong cơ cấu sử dụng tiền đền bù hỗ trợ thu hồi đất của người dân.

Hình 4.6 Cơ cấu sử dụng tiền đền bù, hỗ trợ thu hồi đất của các hộ dân

Kết quả điều tra hộ cho thấy, người dân dùng một phần lớn trong số tiền được đền bù hỗ trợ thu hồi đất cho mục đích xây sửa nhà và mua sắm, trang bị đồ dùng. Bởi lẽ có cơ cấu như vậy là do các hộ đều phải di dời tái định cư nên họ buộc phải xây dựng mới nhà cửa khi đến nơi ở mới, chính điều này đã khiến các hộ dùng tới 62,52% số tiền trong cơ cấu trên, cộng với 8,41% số tiền để mua sắm, trang bị đồ dùng thì họ chỉ còn 3,83% số tiền để đáp ứng nhu cầu khác.

Thực tế, các khoản đầu tư xây dựng nhà cửa và mua sắm đồ dùng sinh hoạt không cải thiện nhiều thu nhập và sinh kế của các hộ trong tương lai. Tuy nhiên một sự thất đáng nói là hầu hết các hộ đều dành một lượng tiền lớn

cho khoản mục này. Qua tìm hiểu của chúng tôi được biết, tâm lý ganh đua giữa những hộ dân khiến điều này xảy ra, họ cảm thấy không thật sự thoải mái khi ngôi nhà của chính mình không khang trang, bề thế và kém tiện nghi so với những ngôi nhà khác trong khi mình có trong tay khoản tiền không hề thua kém họ. Trước mặt, cuộc sống của họ có vẻ nâng cao khi sống trong một ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, cộng với đó là một khoản tiền còn lại để duy trì cuộc sống. Đồng thời nó cũng khiến bộ mặt địa phương khởi sắc hơn nhưng rõ ràng quá trình này cũng khiến cuộc sống của các hộ dân có một vỏ bọc hào nhoáng, che đậy kín hơn những khó khăn, bế tắc bên trong nhất là câu chuyện sinh kế.

Hình 4.7 Sự thay đổi đồ dùng tiện nghi trước và sau thu hồi đất

Các đồ dùng sinh hoạt tiện nghi và phương tiện đi lại cũng là những khoản đứng đầu danh mục chi tiêu mua sắm của các hộ. Sau khi thu hồi đất người dân đầu tư mua sắm những đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, hiện đại như: xe máy, tivi, bếp gas, điện thoại (chủ yếu là điện thoại di động), tủ lạnh, điều hòa, máy giặt...tăng cao. Số hộ có xe máy từ 35 hộ (năm 2009) lên 50 hộ (năm 2015). Sau khi thu hồi đất, 100% số hộ được trang bị bếp gas, tivi, xe

máy, tủ lạnh, điện thoại. Đặc biệt là các đồ dùng tiện nghi như: máy giặt, điều hòa... được người dân đầu tư trang bị cho gia đình mình với mức tăng lên so với trước khi thu hồi đất. Năm 2009, chỉ có 9 trong số 50 hộ điều tra có máy giặt thì đến năm 2015 con số này đã là 31 hộ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do khi còn làm nông nghiệp, thu nhập của người dân tương đối thấp và họ không có một khoản tiền đủ lớn để mua sắm những vật dụng này chứ chưa nói đến việc duy trì hoạt động của chúng. Tuy nhiên sau khi có một khoản tiền lớn trong tay, họ nghĩ ngay đến việc nâng cấp mức sống của mình bằng việc trang bị, các thiết bị tiện nghi. Và đúng là những đồ dùng này đã mang đến cho họ một chất lượng cuộc sống cao hơn nhưng điều này chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn. Việc trang bị những đồ dùng này đồng nghĩa với việc hàng tháng hóa đơn tiền điện sẽ tăng lên tỷ lệ thuận với sự tiện nghi mà họ nhận được. Trong bối cảnh thu nhập hàng tháng còn bấp bênh chưa ổn định thì rõ ràng đây sẽ là một gánh nặng. Đó là chưa kể việc đầu tư mua sắm những đồ dùng này đồng nghĩa với việc họ đã làm giảm đi sự dồi dào của nguồn vốn tài chính, và đánh mất cơ hội đầu tư vào những khoản mục có thể tạo ra sự bền vững về sinh kế trong tương lai.

Như vậy, thực trạng cho thấy, nguồn vốn tài sản cá nhân có sự tăng lên đáng kể sau khi thu hồi đất. Tuy nhiên, cũng không thể khẳng định mức sống người dân được cải thiện tích cực do tác động của việc thu hồi đất, nhưng người dân có có khoản tiền lớn từ bồi thường, hỗ trợ để đầu tư mua sắm là điều không thể phủ nhận. Như vậy, có sự luân chuyển từ vốn tài chính sang nguồn vốn vật chất, tuy nhiên nguồn vốn vật chất này đa số là phương tiện sinh hoạt mà không phải là phương tiện sản xuất. Điều này phản ánh thực trạng mặc dù vốn vật chất được tăng lên nhưng việc tăng này chỉ có tính thời điểm, thiếu bền vững và ít có tác động tạo ra sinh kế và thu nhập của các hộ trong tương lai.

Về nguồn vốn vật chất dùng chung cho cả cộng đồng như hệ thống đường giao thông, cấp nước, cấp điện, hệ thống trường học và cơ sở khám bệnh có sự chuyển biến tích cực sau khi thu hồi đất, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuận lợi và hiệu quả hơn trong các hoạt động sản xuất, trao đổi hàng hóa, cải thiện điều kiện giao lưu môi trường bên ngoài. Quá trình thu hồi đất và di dời tái định cư đã tạo điều kiện thuận lợi để Hải Yến phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng.

Sau khi bàn giao đất, toàn bộ các công trình công cộng được xây dựng mới hoàn toàn, khá đồng bộ và khang trang tại khu tái định cư. Số liệu điều tra cho thấy người dân ở Hải Yến có mức hài lòng cao đối với các công trình phúc lợi công cộng nguyên nhân của điều này là việc quy hoạch các khu tái định cư tương đối hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Họ cảm thấy chất lượng và sự thuận tiện của các công trình này là hơn hẳn so với trước khi bàn giao đất. 100% số hộ thuộc diện điều tra đều đánh giá rằng hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống trường học, chợ nông thôn và hệ thống nước sạch đều tốt hơn nơi ở cũ.

Nhìn chung, người dân hài lòng với các công trình đầu tư xây dựng mới của địa phương sau khi thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ khu kinh tế. Những hạng mục cơ bản như chợ, trường học, thông tin liên lạc đều rất tốt. Điều này sẽ tạo nên những điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi, ổn định và phát triển sinh kế của các hộ dân. Bởi đây là những nền tảng quan trọng để người dân ổn định cuộc sống cũng như có những toan tính hợp lý cho sinh kế của mình. Về điều kiện giao thông và hệ thống điện, 100% các hộ đều thống nhất ý kiến cho rằng đây là hai hạng mục tốt hơn hẳn trước đây. Sở dĩ có kết quả trên là do địa phương đã được đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng theo quy hoạch của khu kinh tế Nghi Sơn.

Hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe cộng đồng được phần lớn người dân ở đây đánh giá tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Điều này giúp chất lượng cuộc sống hiện tại của người dân được cải thiện, đồng thời có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai khi con em họ được giáo dục và có sức khỏe tốt. Một sự thay đổi hết sức tích cực trong nguồn vốn vật chất mà người dân Hải Yến có được sau khi bàn giao đất là khả năng tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn thông tin đại chúng. Theo số liệu điều tra, 100% các hộ dân được hỏi đều cho biết họ dễ dàng tiếp cận với nguồn thông tin từ hệ thống phát thanh của xã, huyện.

Bên cạnh nhiều sự thay đổi tích cực của nhiều hạng mục trong hệ thống cơ sở hạ tầng địa phương thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng một số hạng mục khác chưa phát huy được hiệu quả, gây lãng phí. Có thể kể đến hệ thống chiếu sáng giao thông công cộng tại khu tái định cư, qua gần 4 năm được đầu tư trang bị, đến nay theo người dân cho biết hệ thống chiếu sáng này rất ít khi được sử dụng, hệ thống đèn chỉ được bật trong khoảng 15 ngày vào dịp Tết Nguyên đán. Trên thực tế, theo lãnh đạo địa phương cho hay, hệ thống điện chiếu sáng ở các khu đô thị này được đầu tư theo tiêu chuẩn của các khu đô thị mới. Tuy nhiên việc vận hành gặp nhiều khó khăn liên quan đến kinh phí, người dân không sẵn lòng chi trả cho một nhu cầu mà họ thấy rằng không thực sự cần thiết với cuộc sống của mình. Tất nhiên, dưới góc độ đầu tư công, điều này đã gây ra sự lãng phí kém hiệu quả.

Như vậy, nhìn chung về cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương sau khi được quy hoạch, đầu tư đã có những sự thay đổi tích cực, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho người dân bị thu hồi đất phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội. Các nguồn vốn vật chất của cá nhân hộ cũng được cải thiện hết sức đáng kể. Tuy nhiên hầu hết những sự cải thiện này chỉ xuất hiện ở nhóm tài sản sinh hoạt mà ít thấy ở nhóm tài sản phục vụ sản xuất.

Một phần của tài liệu Phân tích sự thay đổi sinh kế của các hộ dân xã Hải Yến sau khi bàn giao đất xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Trang 84)