Khái quát về khu kinh tế Nghi Sơn

Một phần của tài liệu Phân tích sự thay đổi sinh kế của các hộ dân xã Hải Yến sau khi bàn giao đất xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Trang 53)

Khu kinh tế Nghi Sơn nằm phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trên trục giao lưu Bắc – Nam của đất nước, cách thủ đô Hà Nội 200km về phía Nam, là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ, Tây Bắc và Nam Bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, Nghi Sơn có cảng biển nước sâu, đã được quy hoạch xây dựng cụm cảng cho tàu 50.000 DWT cập bến. Cảng Nghi Sơn có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất cả nước với năng lực xếp dỡ lên đến hàng trăm triệu tấn/ năm.

Từ những tiềm năng và lợi thế trên, ngày 15 tháng 05 năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 102/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Nghi Sơn; đây thực sự là thời cơ và vận hội rất thuận lợi, tạo đà giúp Thanh Hóa có bước phát triển mới, nhanh, mạnh, vững chắc trên con đường Công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo quyết định của Thủ tướng, KKT Nghi Sơn có tổng diện tích 18.611,8 ha trên phạm vi 12 xã thuộc huyện Tĩnh Gia.

Nghi Sơn được xây dựng với mục tiêu phát triển thành KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, công nghiệp sửa chữa và đóng mới tàu biển, công nghiệp nhiệt điện, công nghiệp vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu... gắn với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn, hình thành các sản phẩm mũi nhọn, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, các loại hình dịch vụ cao cấp đẩy mạnh xuất khẩu; mở rộng ra thị trường khu vực và thế giới. Với tiềm năng lợi thế và vị trí thuận lợi KKT Nghi Sơn sẽ trở thành một khu vực phát triển năng động, một trọng điểm phát triển ở phía Nam của vùng

kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo động lực mạnh để thúc đẩy, lôi kéo kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và với cả nước.

Để thực hiện mục tiêu phát triển KKT Nghi Sơn, chính phủ đã ban hành và cho áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất của nhà nước Việt Nam dành cho các nhà đầu tư có dự án đầu tư vào KKT Nghi Sơn. Phát triển KKT Nghi Sơn là một nhiệm vụ, mục tiêu trọng yếu của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2006 – 2015. Được sự quan tâm của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên giành nguồn lực tài chính cao nhất cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật KKT, các công trình biển (bến cảng, đê chắn sóng...), công trình xây dựng đường giao thông, xây dựng hệ thống cấp nước, cấp điện tái định cư... đồng loạt được triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Sau hơn 8 năm thành lập và đi vào hoạt động, KKT Nghi Sơn đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội và thực hiện các dự án đầu tư. Đến nay, đã thu hút được 65 dự án đầu tư, tổng mức vốn đăng ký đầu tư khoảng 16,8 tỷ USD, trong đó có 15 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 10 tỷ USD. Ngoài lọc hóa dầu Nghi Sơn, có thể kể hàng loạt dự án đầu tư quy mô lớn đã và đang được triển khai ở KKT Nghi Sơn như: Nhiệt điện Nghi Sơn 1 công suất 600 MW, vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng; Nhiệt điện Nghi Sơn 2 công suất 2.400 MW, vốn 2,3 tỷ USD, do Liên doanh Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc) triển khai theo hình thức BOT; Nhiệt điện Công Thanh công suất 600 MW, vốn đầu tư 900 triệu USD; hay Nhà máy Xi măng Nghi Sơn công suất 4,3 triệu tấn, tổng vốn đầu tư 700 triệu USD; Xi măng Công Thanh công suất 5 triệu

tấn/năm, vốn đầu tư 700 triệu USD…(Đức Chính – Hiền Anh – Petrotimes,

Đánh giá về tiềm năng của Nghi Sơn, đoàn chuyên gia thuộc Viện phát triển kinh tế Nhật Bản khảo sát năm 1996 đã nhận định: “Nằm ở cuối phía Nam bờ biển Thanh Hóa, Nghi Sơn có tiềm năng về xây dựng một cảng biển nước sâu có độ sâu từ 15-18m. Sau khi xây dựng một nhà máy xi măng lớn, một cảng chuyên dùng và tuyến kỹ thuật hạ tầng vào KCN, đồng thời với sự đầu tư tổng hợp sẽ cho phép vùng Nghi Sơn trở thành một trong các trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, sẽ là cửa ngõ chính của tam giác kinh tế phía Bắc...”

Toàn bộ khu kinh tế Nghi Sơn có diện tích là 18.611,8 ha, bao trùm 12 xã của huyện Tĩnh Gia là Xuân Lâm, Tĩnh Hải, Hải Yến, Mai Lâm, Hải Thượng, Hải Hà, Nghi Sơn, Trúc Lâm, Trường Lâm, Tùng Lâm, Tân Trường và Hải Bình. Trong đó, Hải Yến là xã chịu ảnh hưởng lớn nhất của việc xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn. Từ năm 2010, thời điểm bắt đầu thu hồi đất đến năm 2014, xã Hải Yến đã bàn giao 261,5 ha đất nông nghiệp; 149,97 ha đất lâm nghiệp và 17,75 ha đất ở nông thôn. Đây cũng là một trong 3 xã phải tiến hành hoạt động tái định cư để nhường đất cho khu kinh tế. Toàn bộ xã Hải Yến đã phải tiến hành di dời cho hơn 1.600 hộ dân lên khu tái định cư và bắt đầu một cuộc sống mới.

Một phần của tài liệu Phân tích sự thay đổi sinh kế của các hộ dân xã Hải Yến sau khi bàn giao đất xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Trang 53)