Các yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi sinh kế của hộ

Một phần của tài liệu Phân tích sự thay đổi sinh kế của các hộ dân xã Hải Yến sau khi bàn giao đất xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Trang 106)

4.5.3.1 Nhóm yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp

Đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu đặc biệt, là tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái tạo nhưng mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, đây là nguồn lực vô cùng quan trọng đối với các hộ sản xuất nông nghiệp. Việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp đã làm mất đi tài sản sinh kế đặc biệt quan trọng của hộ nông dân như đất đai, kỹ năng nông nghiệp, nguồn thực phẩm. Để thích ứng với sự thay đổi này, hộ nông dân đã tận dựng các nguồn lực khác để kiếm sống, xây dựng sinh kế mới nhưng gặp rất nhiều khó khăn.

Trước đây khi còn đất nông nghiệp, các hộ có thể tự chủ về nguồn lương thực thực phẩm hoặc chỉ phải mua thêm với một số lượng rất ít. Nhưng sau khi thu hồi đất, 100% các hộ phải mua lương thực, thực phẩm phục vụ cuộc sống. Đây sẽ là một yếu tố làm tăng tính kém bền vững cho sinh kế của hộ. Một ảnh hưởng của thu hồi đất nông nghiệp đó là khi bị mất đất nông nghiệp, tính tương trợ, tình cảm nông thôn bị hạn chế. Trong cộng đồng người nông dân, người dân thường tương trợ nhau dưới hình thức đổi công trong mùa sản xuất. Khi không còn đất nông nghiệp các hộ nông dân ít có cơ hội tiếp xúc, tương trợ lẫn nhau, do vậy nhiều hộ băn khoăn là mất đất dẫn đến “tình làng nghĩa xóm” sẽ dần mất đi.

4.5.3.2 Nhóm yếu tố ảnh hưởng đến thương mại – dịch vụ

Sau khi thu hồi đất, nguồn thu từ hoạt động thương mại dịch vụ chiếm 22,38% trong tổng thu nhập của hộ. Đây là con số khá cao, nó phản ánh phần nào sự thích nghi của người dân với cuộc sống mới. Việc thu hồi đất nông nghiệp dẫn đến việc nhiều lao động phải tìm kiếm các nguồn sinh kế thay thế và trong thực tế nhiều lao động nữ trung niên đã gia nhập đội ngũ buôn bán nhỏ lẻ và chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, lương thực thực phẩm và các dịch vụ cho công nhân, người ở trọ làm việc trong KKT.

Việc nguồn lực đất đai chuyển thành nguồn lực tài chính sau thu hồi đất đã giúp người dân có điều kiện đầu tư, mở rộng quy mô kinh doanh buôn bán. Nếu biết nắm bắt nhu cầu thị trường và tận dụng những lợi thế sẵn có thì đây sẽ là hướng đi ổn định lâu dài cho các hộ, nhất là sau khu KKT đi vào hoạt động.

4.5.3.3 Nhóm yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng

Tài sản vật chất của người dân sau khi thu hồi đất nông nghiệp được cải thiện rõ rệt. Hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng ở địa phương ngày càng khang trang sạch đẹp, nhất là hệ thống công trình phúc lợi và hệ thống đường giao thông. Kết quả đến đầu năm 2015, ở khu tái định cư hệ thống giao thông được thiết kế theo hướng đô thị với tổng chiều dài là 31,5km. Đường giao thông được xây dựng với thiết kế chung là mặt đường kết cấu rải thảm rộng 11m đối với đường liên xã, và rộng 7m đối với hệ thống đường liên thôn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao lưu buôn bán, kinh doanh dịch vụ. Tài sản vật chất của hộ cũng được cải thiện do nhận tiền đền bù đã mua sắm phục vụ nhu cầu cuộc sống ngày một tốt hơn. Tuy nhiên vẫn có những hạng mục bị lãng phí như hệ thống đèn đường khi được thiết kế đồng bộ nhưng hằng năm chỉ dùng vào dịp tết.

4.5.3.4 Yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội, môi trường

Tình trạng thiếu việc làm sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp đang là một vấn đề xã hội. Người nông dân bị mất đi quyền sử dụng đất nên không thể làm nông nghiệp và phải chuyển sang các việc phi nông nghiệp, vốn không phải là lĩnh vực chuyên môn của họ. Trên thực tế bên cạnh một số gia đình đã tìm được công việc phi nông nghiệp bền vững hơn cho lao động trong gia đình, còn có những lao động không thể tìm được công việc ổn định và có thu nhập như mong đợi. Thực tế này xuất phát từ những hạn chế về vốn xã hội và vốn con người của chính bản thân nhiều người lao động nên họ khó tìm được

những công việc trả lương cao, đòi hỏi nhiều kỹ năng nghề nghiệp. Các yếu tố đó lý giải tại sao người người dân lại chọn những công việc đơn giản, không đòi hỏi nhiều về trình độ đào tạo cao hay nhiều kỹ năng nghề nghiệp và quan hệ con người, nhưng đem lại cho họ một việc làm và thu nhập dù ở mức khiêm tốn.

Chủ hộ là người có vai trò lớn trong việc ra quyết định trong các vấn đề kinh tế cũng như trong đời sống của hộ. Nghiên cứu điều tra chủ hộ cho thấy đa số chủ hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi đều khá lớn tuổi (tuổi trung bình của các chủ hộ là 47,26 tuổi), trình độ văn hóa thấp (có 52% số chủ hộ chỉ học cấp 2), điều này ảnh hưởng đến khả năng đưa ra các quyết định sinh kế của hộ.

Một thực trạng xảy ra làm không ít hộ nông dân lo lắng là khi thiếu đất sản xuất dẫn đến thời gian rảnh rỗi nhiều, có nhiều tiền bồi thường sẽ là tiền đề cho các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, lô đề, bia rượu gia tăng. Bên cạnh đó, khu tái định cư được xây dựng ở gần đường quốc lộ 1A nên việc khí bụi, ô nhiễm tiếng ồn cũng ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân nơi đây.

Một phần của tài liệu Phân tích sự thay đổi sinh kế của các hộ dân xã Hải Yến sau khi bàn giao đất xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Trang 106)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(127 trang)
w