Sự thay đổi nguồn vốn con người

Một phần của tài liệu Phân tích sự thay đổi sinh kế của các hộ dân xã Hải Yến sau khi bàn giao đất xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Trang 75)

Con người là loại vốn quan trọng nhất trong các nguồn lực sinh kế của một hộ gia đình, cộng đồng. Việc xác định được tình hình lao động, quy mô nhân khẩu và trình độ lao động của các hộ điều tra sẽ nói lên nguồn nhân lực của hộ.

Bảng 4.4 Sự thay đổi về quy mô nhân khẩu của hộ năm 2009 – 2015

Chỉ tiêu ĐVT Năm Năm So sánh 2015/2009

(+/-) (%)

Nhân khẩu/hộ Khẩu/hộ 4,31 4,2 -0,11 -2,55

Lao động/hộ LĐ/hộ 3,09 2,6 -0,49 -15,86

Nguồn: Số liệu điều tra hộ năm 2015

Một sự thay đổi đáng chú ý về nguồn vốn con người của các hộ dân được điều tra trước và sau khi bàn giao đất sản xuất nông nghiệp đó là việc quy mô nhân khẩu và lao động trên mỗi hộ giảm xuống hay nói cách khác quy mô nông hộ bị thu nhỏ sau khi bàn giao đất. Số liệu điều tra cho thấy, trước khi thu hồi đất mỗi hộ dân xã Hải Yến có 4,31 nhân khẩu với 3,09 lao động, tuy nhiên sau khi bàn giao đất mỗi hộ chỉ còn 4,2 nhân khẩu với 2,6 lao động. Sự suy giảm được giải thích là do sau khi thu hồi đất và nhận được tiền đền bù hỗ trợ, đã tạo điều kiện để các chủ hộ tách nhỏ quy mô nhân khẩu và lao động của hộ mình bằng cách cho con cái đến tuổi trưởng thành ra ở riêng. Trước đây, khi còn làm nông nghiệp, việc quy mô nhân khẩu lớn sẽ giúp cho hộ gia đình chủ động được nguồn lao động của mình đặc biệt là thời gian mùa vụ. Chính vì vậy thời điểm đó ở Hải Yến, việc hộ gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống và làm việc là điều thường thấy. Tuy nhiên, sau khi bàn giao đất nông nghiệp và cả đất ở, nhu cầu công việc đồng áng không còn, cộng với việc có khoản tiền đền bù đất lớn trong tay, các chủ hộ bắt đầu tính chuyện cho con cái ra ở riêng. Điều này đã khiến cho quy mô nông hộ bị tách nhỏ, đồng thời cũng khiến tỷ lệ lao động/nông hộ giảm xuống. Sự thay đổi này là tất yếu và phù hợp với quá trình thay đổi sinh kế bởi lẽ: trong hoàn cảnh sinh kế chưa ổn định và khá bấp bênh như thời điểm bị thu hồi đất thì việc giảm quy mô nông hộ sẽ giúp cho các hộ dễ dàng hơn trên con đường tìm kiếm và khôi phục sinh kế. Tuy nhiên, do tốc độ giảm nhân khẩu/hộ chậm hơn so với tốc độ giảm lao động/hộ đã khiến cho chỉ số nhân khẩu/lao động tăng lên sau khi người dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Trước khi thu hồi đât, mỗi lao động phải gánh trên mình trách nhiệm nuôi sống 1,39 nhân khẩu, thế nhưng sau khi thu hồi đất mỗi lao động phải đảm bảo sinh kế cho 1,62 nhân khẩu. Mức tăng này sẽ phần nào làm tăng sức ép lên người lao động trong hoàn cảnh sinh kế tương lai còn khá bấp bênh và thiếu bền vững.

Bảng 4.5 Trình độ lao động của các hộ năm 2015

Chỉ tiêu ĐVT Năm 2009 Năm

2015 So sánh 2015/2009 (+/-) (%) Đại học LĐ/hộ 0,08 0,14 +0,06 75,00 Cao đẳng LĐ/hộ 0,10 0,18 +0,08 80,00 Trung cấp LĐ/hộ 0,14 0,24 +0,10 71,43 Cấp 3 LĐ/hộ 0,40 0,60 +0,20 50,00 Cấp 2 LĐ/hộ 1,20 1,20 0 0 Cấp 1 LĐ/hộ 0,28 0,24 -0,04 14,28

Nguồn: Tổng hợp số liệu điều tra hộ năm 2015

Trình độ học vấn của lao động sau khi thu hồi đất đã có những sự cải thiện nhất định. Cụ thể số lao động đại học/hộ tăng 75%; số lao động Cao đẳng/hộ tăng 80%; và số lao động Trung cấp/hộ tăng 71,43%. Thu hồi đất để thực hiện chuyển đổi đất đai người dân được nhận một khoản tiền bồi thường, được hỗ trợ chuyển đổi nghề, đây là cơ hội cho người dân phát triển nguồn vốn con người. Hệ thống trường học các cấp được xây dựng khang trang hơn, người dân còn nguồn tiền từ bồi thường thiệt hại, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp và đầu tư cho học tập. Theo kết quả điều tra có 60% số hộ dùng tiền bồi thường, hỗ trợ vào việc học nghề cho con em học hành. Nhưng số tiền đầu tư chưa nhiều, chỉ chiếm 3,76% trong tổng số tiền hỗ trợ được nhận. Khi phỏng vấn thì biết rằng, nhóm tuổi được học nghề là khá trẻ từ 18-22 và những người này thường là những đối tượng đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Phần lớn những người từ độ tuổi 30-45 không chủ động học nghề, và nguyên nhân họ đưa ra là do tuổi khá cao, ít thông tin hướng nghiệp. Họ hiểu rằng trong tình hình công nghiệp ngày càng phát triển như hiện nay, muốn có việc làm thì phải có trình độ, tay nghề và bằng cấp, tuy nhiên hạn chế lớn nhất mà họ phải đối mặt là do tuổi cao, khó khăn trong việc theo học. Bản thân người lao động lớn tuổi (40-45), khi mất đất nông nghiệp cách đơn giản nhất mà họ lựa chọn là trở thành các lao động làm thuê tự do.

Bảng 4.6 Thực trạng chuyển dịch lao động của hộ

Chỉ tiêu Năm 2009 Năm 2015 So sánh

2015/2009 SL (người) CC (%) SL (người) CC (%) (+/-) (%) Tổng số LĐ của hộ 110 100,0 0 129 100,00 +19 17,23 - LĐ nông nghiệp 91 82,73 33 25,58 -58 63,74 - LĐ tự do 2 1,82 37 28,68 +35 1750 - Công nhân 1 0,91 25 19,38 +24 2400 - KD – DV 3 2,73 19 14,73 +16 533,33 - Phi NN khác 13 11,81 15 11,63 +2 15,38

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra hộ năm 2015

Từ kết quả điều tra ta thấy, thời điểm trước khi thu hồi đất, lao động ở các hộ vẫn chủ yếu làm nông nghiệp khi chiếm tới 82,73% trong tổng số lao động. Trong khi đó, lao động tự do và công nhân chiếm tỷ trọng rất nhỏ lần lượt là 1,82% và 0,91%. Tuy nhiên, sau khi thu hồi đất cơ cấu lao động của các hộ đã có những sự thay đổi nhất định khi số lao động nông nghiệp giảm 63,74% điều này được giải thích là do các hộ đã bị thu hồi 100% diện tích đất nông nghiệp, họ không còn tư liệu để có thể tiến hành hoạt động sản xuất. Nhưng số lao động nông nghiệp vẫn chiếm tới 25,58% trong tổng số lao động, nguyên nhân là do mặc dù không còn đất sản xuất nông nghiệp nhưng có những lao động vẫn chưa tìm được nghề nghiệp phù hợp với điều kiện của bản thân để có thể chuyển đổi. Đây cũng sẽ là một thách thức trong việc tạo thu nhập và ổn định sinh kế của người dân. Bên cạnh đó,có những tín hiệu đáng mừng trong chuyển đổi lao động cụ thể là: nhiều lao động đã kịp thích nghi với hoàn cảnh, tạo cho mình những hướng đi mới nhằm tăng thu nhập, bằng chứng là có tới 28,68% số lao động tự do, và 19,38% công nhân có việc làm ở các dự án trong khu kinh tế.

Hình 4.3 Sự thay đổi cơ cấu lao động của Hải Yến sau khi bàn giao đất

Như vậy, thu hồi hoàn toàn diện tích đất nông nghiệp đã đẩy phần lớn số lao động nông nghiệp trở thành các lao động tự do hoặc công nhân trong các dự án của khu kinh tế. Bên cạnh đó, vẫn có một lượng lao động chưa tìm được cho mình một hướng chuyển đổi nghề nghiệp rõ ràng.

Một phần của tài liệu Phân tích sự thay đổi sinh kế của các hộ dân xã Hải Yến sau khi bàn giao đất xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Trang 75)