Tầm quan trọng của việc BD HSG được thể hiện qua báo cáo chính trị của BCH TW Đảng khóa VI: “Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu. Nhiều tài năng có thể bị mai một đi nếu không được phát hiện và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ…".
Mục đích của việc BD HSG được quy định rõ ràng trong Quy chế thi HSG quốc gia: “Động viên, khích lệ những học sinh học giỏi và các giáo viên dạy giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng của công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; đồng thời nhằm phát hiện học sinh có năng khiếu về môn học để tiếp tục bồi dưỡng ở cấp học cao hơn, nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước” [6].
Bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường học góp phần hoàn thành mục tiêu giáo dục nói chung và giáo dục mũi nhọn nói riêng.
- Nhằm góp phần đào tạo nguồn lực có chất lượng cao, đào tạo nhân tài cho đất nước.
- Xây dựng cho các em ý thức tự phấn đấu vươn lên tự chiếm lĩnh tri thức khoa học, là nền tảng giúp các em vươn tới đỉnh cao của trí tuệ.
- Bồi dưỡng học sinh giỏi còn có ý nghĩa là "nâng niu" những nhân tài bé nhỏ, tạo cơ hội cho các em dễ dàng vươn lên trong con đường học vấn.
- Bồi dưỡng học sinh giỏi còn góp phần khuyến khích giáo viên, học sinh thực hiện tốt phong trào thi đua "Dạy tốt - học tốt".
1.3.3.1. Yêu cầu về trình độ chuyên môn
- Có trình độ chuyên môn được đào tạo theo đúng chuẩn trình độ của giáo viên giảng dạy ở cấp học.
- Nắm vững mục tiêu, nội dung cơ bản của chương trình, sách giáo khoa của các môn học được phân công giảng dạy; có kiến thức chuyên sâu, đồng thời có khả năng hệ thống hóa kiến thức trong cả cấp học để nâng cao hiệu quả giảng dạy đối với các môn học được phân công giảng dạy.
- Kiến thức cơ bản trong các tiết dạy đảm bảo đủ, chính xác, có hệ thống.
- Có khả năng hướng dẫn đồng nghiệp một số kiến thức chuyên sâu về một môn học hoặc có khả năng bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu, kém hay học sinh còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết.
- Có kiến thức cơ bản về tâm lý học sư phạm và tâm lý học lứa tuổi, giáo dục học của cấp học và vận dụng được vào việc lựa chọn phương pháp giảng dạy, cách ứng xử trong giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh.
- Có kiến thức về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh và vận dụng phù hợp với cấp học, đánh giá học sinh chính xác, khách quan theo đúng quy định hiện hành.
- Có kiến thức phổ thông về chính trị, xã hội và nhân văn, kiến thức liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, tiếng dân tộc để đáp ứng yêu cầu dạy học.
- Có hiểu biết cơ bản về nhiệm vụ chính trị, kinh tế - văn hóa, xã hội của tỉnh, của huyện, xã phường nơi công tác.
1.3.3.2. Yêu cầu về nghiệp vụ sư phạm
- Lập kế hoạch dạy học trong năm học và từng học kỳ nhằm cụ thể hóa chương trình giáo dục cấp học theo qui định của Bộ GD&ĐT phù hợp với đặc điểm của trường và lớp được phân công giảng dạy. Biết cách soạn giáo án theo hướng đổi mới, thể hiện các hoạt động dạy học tích cực của thầy và trò.
- Xây dựng môi trường học tập thân thiện, hợp tác, lựa chọn và kết hợp tốt các phương pháp thực hiện các hoạt động dạy học trên lớp, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động học tập của học sinh.
- Biết cách hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu.
- Sử dụng hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp đối tượng học sinh, sử dụng kết quả kiểm tra chính việc học tập của học sinh một cách tích cực.
1.3.3.3. Yêu cầu về phẩm chất đạo đức
Điều lệ trường trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định:
“Hành vi, ngôn ngữ ứng xử của giáo viên phải đúng mực, có tác dụng giáo dục đối với học sinh;
Trang phục của giáo viên phải chỉnh tề, phù hợp với hoạt động sư phạm, theo quy định của Chính phủ về trang phục của viên chức Nhà nước”.
Trong quá trình công tác giáo viên phải "Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo, gương mẫu trước học sinh; thương yêu, tôn trọng học sinh, đối xử công bằng với học sinh, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; tạo dựng môi trường học tập và làm việc dân chủ, thân thiện, hợp tác, an toàn và lành mạnh" [9].
Các nước đều cho rằng, năng khiếu thường nảy nở từ rất sớm nên phát triển hệ thống nhận dạng, phát hiện năng khiếu từ tiểu học là một nhiệm vụ trọng đại quốc gia. Ở đó, luôn có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia
đình, nhà trường, xã hội, luôn kết hợp cả đánh giá định tính và đánh giá định lượng, với các bộ công cụ chuẩn hóa nhằm đo lường các năng lực trí tuệ hiện đại.
Còn Nhà nước ta thì chú trọng lựa chọn học sinh năng khiếu qua phương thức thi tuyển là chủ yếu. Nhu cầu của cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) là cần đổi mới quy trình tuyển chọn, trong đó chú trọng đến đo lường trí thông minh, trí sáng tạo và phỏng vấn về thái độ, động cơ học tập của HS.
Việc nhận dạng, phát hiện HSG không chỉ thực hiện ở lớp đầu cấp mà nên bổ sung, sàng lọc hàng năm và ở tất cả các trường phổ thông; phương thức nhận dạng, phát hiện năng khiếu gồm xét tuyển và thi tuyển; quy trình tuyển chọn học sinh (HS) năng khiếu theo 5 bước:
- Thăm dò ý kiến của cha mẹ/người giám hộ và GV; - Sơ tuyển qua hồ sơ;
- Thi truyền thống về lĩnh vực năng khiếu;
- Kiểm tra trí thông minh, trí sáng tạo và cảm xúc;
- Phỏng vấn HS đã trúng tuyển để tư vấn về lĩnh vực năng khiếu sẽ theo học.
1.3.4.1. Một số biểu hiện của học sinh giỏi cần chú ý trong việc tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi
HSG thường tỏ ra thông minh, trí tuệ phát triển, có năng lực tư duy tốt, tiếp thu nhanh, nhớ lâu, có khả năng suy diễn, khái quát hóa, hiểu sâu, rộng, có khả năng giải quyết vấn đề nhanh, hiệu quả cao.
HSG có óc tư duy độc lập, luôn tìm cái mới, hiểu khá sâu về bản chất và hiện tượng, có cách giải hay, ngắn gọn và sáng tạo.
HSG rất say mê tò mò, ham hiểu biết, biết vượt khó, lao vào cái mới, có ý chí phấn đấu vươn lên.
1.3.4.2. Các giai đoạn phát triển của một tài năng
Giai đoạn 1. Giai đoạn sinh học (từ lúc người mẹ mang thai đến lúc đứa trẻ ra đời). Đây là giai đoạn hình thành các tổ chức cấu trúc tế bào, gắn bó chặt chẽ với việc hình thành và phát triển của thai nhi cũng như việc nảy sinh (hoặc thui chột) mầm mống ban đầu tài năng của mỗi con người.
Giai đoạn 2. Giai đoạn sinh - xã hội (bắt đầu từ lúc đứa trẻ ra đời cho tới lúc đứa trẻ trưởng thành). Đây là giai đoạn nảy sinh, bộc lộ, phát triển và xác lập năng lực.
Giai đoạn 3. Giai đoạn xã hội là giai đoạn tài năng được thể hiện, được sử dụng trong thực tiễn, mang lại các kết quả, các cống hiến cụ thể.
Bồi dưỡng HSG được hiểu là quá trình phát triển ở HS năng khiếu hứng thú và khát vọng thực hiện các hoạt động trí tuệ (trí thông minh, khả năng sáng tạo và các năng lực chuyên biệt) với mức độ cao nhất. Phương thức BD HSG được xem xét một cách toàn diện gồm:
- Mục tiêu giáo dục hướng tới hình thành, phát triển trí thông minh, trí sáng tạo, các năng lực chuyên biệt và động cơ hoạt động.
- Nội dung BD HSG được xây dựng xoay quanh ba trục là: trí thông minh, tính sáng tạo và năng lực chuyên biệt, được "nhúng" trong môi trường thực tiễn, xã hội. Từ đó, có những nội dung mang tính khoa học hàn lâm và mang tính thực tiễn, xã hội. Nội dung được xây dựng theo hướng, tăng tốc và rộng - sâu.
- Phương pháp giáo dục phù hợp với HSG là dạy học giải quyết vấn đề, phát triển phong cách làm việc nhóm, hợp tác, cộng tác, …
- Có ba xu thế tổ chức BD HSG là: học trong trường/lớp bình thường, với cùng chương trình, tài liệu và phương pháp dạy học; học trong trường/lớp riêng, với chương trình, tài liệu và phương pháp dạy học riêng; dung hòa giữa hai xu thế trên. Trong đó xu thế thứ ba đang là phổ biến.
Việt Nam và tất cả các quốc gia khác đều phát triển chương trình giáo dục năng khiếu từ chương trình giáo dục phổ thông. Các quốc gia rất chú trọng đến việc phát triển các thành tố của tài năng (trí thông minh, tính sáng tạo, các năng lực chuyên biệt và động cơ hoạt động) ở tất cả các khâu, từ mục tiêu, đến nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục và đánh giá kết quả học tập. Họ đã xác định ba thành tố cốt lõi của giáo dục năng khiếu là kỹ năng tư duy cao, tính sáng tạo và các năng lực cá nhân - xã hội. Từ đó, phát triển các nội dung giáo dục gồm nhiều cấp độ và tổ chức nhiều hình thức giáo dục phù hợp với các cấp độ nội dung đó.
Còn ở nước ta, nội dung chuyên sâu được xây dựng theo cách tiếp cận “rộng - sâu”, hướng tới lý thuyết khoa học hàn lâm hơn là hướng vào thực tiễn xã hội; định hướng giảng dạy phổ biến là bồi dưỡng trí thông minh, chứ chưa thực sự chú trọng đến phát triển tính sáng tạo, trí tuệ xã hội, trí tuệ cảm xúc, … Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị:
- Cần qui định rõ ràng mục tiêu giáo dục năng khiếu, bổ sung thêm các lĩnh vực năng khiếu khác như khả năng lãnh đạo, sáng tạo, nghệ thuật, … và tiếp cận xây dựng theo hướng tăng tốc;
- Bổ sung thêm một số hình thức tổ chức giáo dục khác như, tăng tốc, tách rời, tổ chức các khoá học nâng cao vào kỳ nghỉ hè, thử trí tuệ sau giờ học chính khóa ở trường, …;
- Xây dựng phương thức đánh giá kết quả học tập phù hợp hơn với HS năng khiếu, trong đó chú trọng đánh giá các thành tố trí thông minh, tính sáng tạo, năng lực chuyên biệt và động cơ học tập.