Trong hai thập kỷ vừa qua, có nhiều thuyết đảm bảo chất lượng bắt đầu xuất hiện ở châu Âu và một vài thuyết trong số đó đã trở thành nổi tiếng trên thế giới. Trước đây, mô hình kiểm soát chất lượng thường được sử dụng để kiểm tra chất lượng và mô hình này có nguồn gốc từ sản xuất hàng hóa. Hiện nay, các lý thuyết có liên quan đến đảm bảo chất lượng như Tiêu chuẩn hoá quốc tế dành cho các cơ quan, tổ chức (ISO) và Quản lý chất lượng toàn diện xuất phát từ kinh doanh và công nghiệp đã được đưa vào giáo dục. Một vài phiên bản của các mô hình đảm bảo chất lượng đã xuất hiện như: giải thưởng chất lượng quốc gia Baldrige ở Hoa kỳ, các giải thưởng chất lượng ở Châu Âu hoặc một số nước khác, đặc biệt có một số đã được áp dụng vào giáo dục. Ở giáo dục Việt Nam, có một số người còn nhầm lẫn giữa kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng. Vì vậy, việc phân biệt sự khác nhau giữa các khái niệm và hệ thống đảm bảo là cần thiết cho chúng ta và cũng là nội dung chính của phần này.
1.2.4.1. Các quan niệm về chất lượng, chất lượng giáo dục
Chất lượng luôn là vấn đề quan trong nhất của tất cả các trường học,và việc phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo bao giờ cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất của bất kỳ cơ sở giáo dục nào. Mặc dù có tầm quan trọng như vậy nhưng chất lượng vẫn là một khái niệm khó định nghĩa, khó xác định, khó đo lường và cách hiểu của người này cũng khác với cách hiểu của người kia. Chất lượng có một loạt định nghĩa trái ngược nhau và rất nhiều cuộc tranh luận xung quanh vấn đề này đã diễn ra tại các diễn đàn khác nhau mà nguyên nhân của nó là thiếu một cách hiểu thống nhất về bản chất của vấn đề. Dưới đây là 6 quan điểm về chất lượng trong giáo dục.
- Thứ nhất: Chất lượng được đánh giá bằng “Đầu vào”
Một số nước phương Tây có quan điểm cho rằng “Chất lượng một trường học phụ thuộc vào chất lượng hay số lượng đầu vào của trường đó”. Quan điểm này được gọi là “quan điểm nguồn lực” có nghĩa là:
Nguồn lực = Chất lượng
Theo quan điểm này, một trường học tuyển được học sinh giỏi, có đội ngũ cán bộ giảng dạy uy tín, có nguồn tài chính cần thiết để trang bị các phòng thí nghiệm, phòng thực hành, các thiết bị tốt nhất được xem là trường có chất lượng cao.
Quan điểm này đã bỏ qua sự tác động của quá trình đào tạo diễn ra rất đa dạng và liên tục trong một thời gian d à i trong trường T H C S . Thực tế, theo cách đánh giá này, quá trình đào tạo được xem là một “hộp đen”, chỉ dựa vào sự đánh giá “đầu vào” và phỏng đoán chất lượng “đầu ra”. Sẽ khó giải thích trường hợp một trường học có nguồn lực “đầu vào” dồi dào nhưng chỉ có những hoạt động giáo dục hạn chế; hoặc ngược lại, một trường có những nguồn lực khiêm tốn, nhưng đã cung cấp cho học sinh một chương trình giáo dục hiệu quả.
Thứ hai: Chất lượng được đánh giá bằng “Đầu ra”
Một quan điểm khác về chất lượng giáo dục (CLGD) cho rằng “đầu ra” của giáo dục có tầm quan trọng hơn nhiều so với “đầu vào” của quá trình đào tạo. “Đầu ra” chính là sản phẩm của giáo dục được thể hiện bằng mức độ hoàn thành chương trình giáo dục THCS.
Có 2 vấn đề cơ bản có liên quan đến cách tiếp cận chất lượng giáo dục này. Một là, mối liên hệ giữa “đầu vào” và “đầu ra” không được xem xét đúng mức. Trong thực tế mối liên hệ này là có thực, cho dù đó không phải là quan hệ nhân quả. Một trường có khả năng tiếp nhận các học sinh xuất sắc, không có nghĩa là học sinh của họ sẽ tốt nghiệp loại xuất sắc. Hai là, cách đánh giá “đầu ra” của các trường rất khác nhau.
Thứ ba: Chất lượng được đánh giá bằng “Giá trị gia tăng”
Quan điểm thứ ba về CLGD cho rằng một trường học có tác động tích cực tới học sinh khi nó tạo ra được sự khác biệt trong sự phát triển về trí tuệ và cá nhân của học sinh. “Giá trị gia tăng” được xác định bằng giá trị của “đầu ra” trừ đi giá trị của “đầu vào”, kết quả thu được là “giá trị gia tăng” mà trường học đã đem lại cho học sinh và được đánh giá là CLGD.
Nếu theo quan điểm này về CLGD, một loạt vấn đề phương pháp luận nan giải sẽ nảy sinh: khó có thể thiết kế một thước đo thống nhất để đánh giá chất lượng “đầu vào” và “đầu ra” để tìm ra được hiệu số của chúng và đánh giá chất lượng của trường đó. Hơn nữa các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân lại rất đa dạng, không thể dùng một bộ công cụ đo duy nhất cho tất cả các trường học. Vả lại, cho dù có thể thiết kế được bộ công cụ như vậy, giá trị gia tăng được xác định sẽ không cung cấp thông tin gì cho chúng ta về sự cải tiến quá trình đào tạo trong từng trường học.
Thứ tư: Chất lượng được đánh giá bằng “Giá trị học thuật”
Đây là quan điểm truyền thống của nhiều trường học phương Tây, chủ yếu dựa vào sự đánh giá của các chuyên gia về năng lực học thuật của đội ngũ cán bộ giảng dạy trong từng trường trong quá trình thẩm định công nhận CLGD. Điều này có nghĩa là trường học nào có đội ngũ giáo viên có uy tín cao thì được xem là trường có chất lượng cao.
Điểm yếu của cách tiếp cận này là ở chỗ, cho dù năng lực học thuật có thể được đánh giá một cách khách quan, thì cũng khó có thể đánh giá những cuộc cạnh tranh của các trường học. Ngoài ra, liệu có thể đánh giá được năng lực chất xám của đội ngũ cán bộ giảng dạy khi xu hướng chuyên ngành hoá ngày càng sâu, phương pháp luận ngày càng đa dạng.
Thứ năm: Chất lượng được đánh giá bằng “Văn hoá tổ chức riêng”
Quan điểm này dựa trên nguyên tắc các trường học phải tạo ra được “Văn hoá tổ chức riêng” hỗ trợ cho quá trình liên tục cải tiến chất lượng. Vì
vậy, một trường được đánh giá là có chất lượng khi nó có được “Văn hoá tổ chức riêng” với nét đặc trưng quan trọng là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Quan điểm này bao hàm cả các giả thiết về bản chất của chất lượng và bản chất của tổ chức. Quan điểm này được mượn từ lĩnh vực công nghiệp và thương mại nên khó có thể áp dụng trong lĩnh vực giáo dục.
Thứ sáu: Chất lượng được đánh giá bằng “Kiểm định”
Quan điểm này về CLGD xem trọng quá trình bên trong trường học và nguồn thông tin cung cấp cho việc ra quyết định. Nếu kiểm toán tài chính xem xét các tổ chức có duy trì chế độ sổ sách tài chính hợp lý không, thì kiểm định chất lượng quan tâm xem các trường học có thu thập đủ thông tin phù hợp và những người ra quyết định có đủ thông tin cần thiết hay không, quá trình thực hiện các quyết định về chất lượng có hợp lý và hiệu quả không. Quan điểm này cho rằng nếu một cá nhân có đủ thông tin cần thiết thì có thể có được các quyết định chính xác và CLGD được đánh giá qua quá trình thực hiện, còn “Đầu vào” và “Đầu ra” chỉ là các yếu tố phụ.
Điểm yếu của cách đánh giá này là sẽ khó lý giải những trường hợp khi một cơ sở giáo dục có đầy đủ phương tiện thu thập thông tin, song vẫn có thể có những quyết định chưa phải là tối ưu.
- Định nghĩa của Tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục quốc tế
Ngoài 6 định nghĩa trên, Tổ chức Đảm bảo chất lượng giáo dục quốc tế đã đưa ra 2 định nghĩa về CLGD là tuân theo các chuẩn quy định và đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo định nghĩa thứ nhất, cần có Bộ tiêu chí chuẩn cho giáo dục về tất cả các lĩnh vực và việc kiểm định chất lượng một trường học sẽ dựa vào Bộ tiêu chí chuẩn đó. Khi không có Bộ tiêu chí chuẩn việc thẩm định CLGD sẽ dựa trên mục tiêu của từng lĩnh vực để đánh giá. Những mục tiêu này sẽ được xác lập trên cơ sở trình độ phát triển KT - XH của địa phương và những điều kiện đặc thù của trường đó.
Như vậy, để đánh giá chất lượng giáo dục của một trường cần dùng Bộ tiêu chí có sẵn; hoặc dùng các chuẩn đã quy định; hoặc đánh giá mức độ thực hiện các mục tiêu đã định sẵn từ đầu của trường. Trên cơ sở kết quả đánh giá, các trường học sẽ được xếp loại theo 3 cấp độ: chất lượng tốt; chất lượng đạt yêu cầu; chất lượng không đạt yêu cầu. Cần chú ý là các tiêu chí hay các chuẩn phải được lựa chọn phù hợp với mục tiêu kiểm định.
Chất lượng là một khái niệm động nhiều chiều và nhiều học giả cho rằng không cần thiết phải tìm cho nó một định nghĩa chính xác. Tuy vậy, việc xác định một số cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề này là điều nên làm và có thể làm được.
1.2.4.2. Những cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề chất lượng, chất lượng giáo dục
- Khái niệm truyền thống về chất lượng
Theo khái niệm truyền thống về chất lượng, một sản phẩm có chất lượng là sản phẩm được làm ra một cách hoàn thiện, bằng các vật liệu quý hiếm và đắt tiền. Nó nổi tiếng và tôn vinh thêm cho người sử hữu nó. Tuy nhiên, khái niệm về chất lượng như vậy khó có thể dùng để đánh giá chất lượng trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân. Cách tiếp cận truyền thống đã tuyệt đối hoá khái niệm chất lượng.
- Chất lượng là sự phù hợp với các tiêu chuẩn (thông số kỹ thuật)
Cách tiếp cận chất lượng từ góc độ tiêu chuẩn hay các thông số kỹ thuật có nguồn gốc từ ý niệm kiểm soát chất lượng trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Trong bối cảnh này tiêu chuẩn được xem là công cụ đo lường, hoặc bộ thước đo - một phương tiện trung gian để miêu tả những đặc tính cần có của một sản phẩm hay dịch vụ. Chất lượng của sản phẩm hay dịch vụ được đo bằng sự phù hợp của nó với các thông số hay tiêu chuẩn được quy định trước đó.
Trong giáo dục, cách tiếp cận này tạo cơ hội cho các trường học muốn nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo có thể đề ra các tiêu chuẩn
nhất định về các lĩnh vực trong quá trình giáo dục và đào tạo của nhà trường và phấn đấu theo các chuẩn đó.
Nhược điểm của cách tiếp cận này là nó không nêu rõ các tiêu chuẩn này được xây dựng nên trên cơ sở nào. Hơn nữa thuật ngữ tiêu chuẩn cho ta ý niệm về một hình mẫu tĩnh tại, nghĩa là một khi các thông số kỹ thuật đã được xác định thì không phải xem xét lại chúng nữa. Trong khi khoa học, kỹ thuật và công nghệ đang có những bước tiến mới, tri thức loài người ngày càng phong phú thì “tiêu chuẩn” của giáo dục không thể là một khái niệm tĩnh.
- Chất lượng là sự phù hợp với mục đích
Cách tiếp cận khái niệm chất lượng được đa số các nhà hoạch định chính sách và quản lý giáo dục, kể cả tổ chức Đảm bảo chất lượng giáo dục quốc tế sử dụng là tính phù hợp với mục đích - hay đạt được các mục đích đề ra trước đó. Những người ủng hộ cách tiếp cận này cho rằng chất lượng không có ý nghĩa gì nếu không gắn với mục đích của sản phẩm hay dịch vụ đó. Chất lượng được đánh giá bởi mức độ mà sản phẩm hay dịch vụ đáp ứng được mục đích đã tuyên bố.
Cách tiếp cận này cho phép cung cấp một hình mẫu để xác định các tiêu chí mà một sản phẩm hay dịch vụ cần có. Nó là một khái niệm động, phát triển theo thời gian, tùy thuộc vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và tùy thuộc vào đặc thù của từng loại trường và có thể sử dụng để phân tích chất lượng giáo dục ở các cấp độ khác nhau.
Còn nếu để xét chất lượng về một khoá học nào đó thì chất lượng sẽ được xem xét trên góc độ là khối lượng, kiến thức, kỹ năng, mà khoá học đã cung cấp, mức độ nắm, sử dụng các kiến thức và kỹ năng của học sinh sau khoá học, ... Nhược điểm của cách tiếp cận này là rất khó xác định mục tiêu của giáo dục trong từng thời kỳ và cụ thể hoá nó cho từng khối trường, từng trường cụ thể, thậm chí cho từng lớp, hay khoá đào tạo. Hơn nữa giáo dục có thể có nhiều mục đích, một số mục đích cụ thể có thể xung đột với
nhau (như giữa yêu cầu tăng quy mô và nâng cao chất lượng) và trong trường hợp đó cũng khó có thể đánh giá chất lượng của một trường học.
- Chất lượng với tư cách là hiệu quả của việc đạt mục đích của trường học
Đây là một phiên bản của cách tiếp cận trên. Theo cách hiểu này, một trường học có chất lượng cao là trường tuyên bố rõ ràng sứ mạng (mục đích) của mình và đạt được mục đích đó một cách hiệu quả và hiệu suất nhất. Cách tiếp cận này cho phép các trường tự quyết định các tiêu chuẩn chất lượng và mục tiêu đào tạo của trường mình. Thông qua kiểm tra, thanh tra chất lượng các tổ chức hữu quan sẽ xem xét, đánh giá hệ thống đảm bảo chất lượng của trường đó có khả năng giúp nhà trường hoàn thành sứ mạng một cách hiệu quả và hiệu suất cao nhất không? Mô hình này đặc biệt quan trọng đối với các trường có nguồn lực hạn chế, giúp các nhà quản lý có được cơ chế sử dụng hợp lý, an toàn những nguồn lực của mình để đạt tới mục tiêu đã định từ trước một cách hiệu quả nhất.
- Quan niệm về chất lượng trong giáo dục
Mặc dù khó có thể đưa ra được một định nghĩa về chất lượng trong giáo dục mà mọi người đều thừa nhận, song các nhà nghiên cứu cũng cố gắng tìm ra những cách tiếp cận phổ biến nhất. Cơ sở của các cách tiếp cận này xem chất lượng là một khái niệm mang tính tương đối, động, đa chiều và với những người ở các cương vị khác nhau có thể có những ưu tiên khác nhau khi xem xét nó. Ví dụ, đối với cán bộ giảng dạy và học sinh thì ưu tiên của khái niệm chất lượng phải là ở quá trình g iá o d ụ c , là cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho quá trình giảng dạy và học tập. Do vậy, không thể nói tới chất lượng như một khái niệm nhất thể, chất lượng cần được xác định kèm theo với mục tiêu hay ý nghĩa của nó và ở khía cạnh này, một trường học có thể có chất lượng cao ở một lĩnh vực này nhưng ở một lĩnh vực khác lại có thể có chất lượng thấp.
Điều này đặt ra một yêu cầu phải xây dựng một hệ thống rõ ràng, mạch lạc các tiêu chí với những chỉ số được lượng hoá, nêu rõ các phương thức đảm bảo chất lượng và quản lý chất lượng sẽ được sử dụng trong và ngoài giáo dục với xu hướng tiếp cận dần với chuẩn của khu vực và thế giới nhằm đưa giáo dục Việt Nam hoà nhập với giáo dục thế giới.