Giải pháp thị trường (các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các

Một phần của tài liệu Giải pháp thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của thành phố Hà Nội thời kì 2011-2015 theo hướng CNH-HĐH (Trang 98)

III. Giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

2.Giải pháp thị trường (các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các

sản phẩm của các ngành kinh tế)

Phát triển đồng bộ các loại thị trường, mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước

Để đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nhất là các dịch vụ trình độ cao (như tài chính - ngân hàng, khoa học & công nghệ, giáo dục, y tế...) thì một trong những yêu cầu quan trọng là cần phát triển đồng bộ các loại thị trường; không chỉ thị trường hàng hóa, vật tư sản xuất mà phải phát triển nhanh thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường KH-CN, thị trường lao động... và đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ. Giải pháp để phát triển đồng bộ các loại thị trường là Nhà nước cần ban hành các cơ chế, chính sách cho phép và hướng dẫn hoạt động của tất cả các loại thị trường; có cơ chế hỗ trợ đối với những thị trường mới vận hành.

Cùng với phát triển đồng bộ các loại thị trường, cần quan tâm mở rộng thị trường thương mại & dịch vụ cả trong và ngoài nước. Đối với thị trường hàng hóa cần tập trung xây dựng hệ thống kênh phân phối hàng hoá hợp lý, hiệu quả, đa dạng, ổn định, vững chắc. Hà Nội cần tập trung phát huy tốt thế mạnh là đầu mối giao lưu hàng hoá, dịch vụ và đầu mối phát luồng hàng hoá (bán buôn và bán lẻ) lớn nhất khu vực phía Bắc. Xây dựng và phát triển hành lang Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để hình thành trục kinh tế - thương mại có vai trò động lực và dẫn dắt thị trường đối với khu vực phía Bắc và cả nước phát triển.

Để thực hiện nội dung trên, cần chú ý các biện pháp:

Chủ động phối hợp với TW và các địa phương hình thành 2 hành lang, 1 vành đai kinh tế với Trung Quốc (hành lang Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam và Hải Phòng - Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh; vành đai Hải Nam - Quảng Tây - Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội...) nhằm đẩy mạnh quan hệ thương mại hai chiều, hợp tác phát triển du lịch và các lĩnh vực khác giữa 2 quốc gia Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời làm tốt vai trò cầu nối quan trọng giữa ASEAN - Trung Quốc. Thông qua các tuyến hành lang kinh tế này, hàng hoá & dịch vụ của ASEAN có điều kiện thâm nhập thị trường Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc và ngược lại hàng hoá Trung Quốc cũng được xuất khẩu sang thị trường ASEAN (với chi phí hạ, thời gian nhanh hơn).

Tăng cường liên doanh, liên kết để tổ chức các kênh lưu thông, phân phối, mở rộng thị trường cung cấp hàng hoá từ Hà Nội đến các địa phương và ngược lại. Nâng cao vai trò của các doanh nghiệp Thủ đô trong liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hoá; tổ chức tìm nguồn hàng, tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu; hình thành và phát triển mô hình liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp Hà Nội và

doanh nghiệp các địa phương khác. Cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực thương mại, kinh doanh siêu thị, chợ...

Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hà Nội và trong nước xây dựng các siêu thị hiện đại, phát triển đại lý. Xây dựng cơ chế hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, chậm trả tiền thuê đất, lựa chọn doanh nghiệp trong nước xây dựng các điểm dịch vụ thương mại trong các khu đô thị mới… (theo nguyên tắc không mâu thuẫn với nội dung các hiệp định, quy định Việt Nam đã ký kết); hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch xây dựng các khách sạn cao cấp để sớm giải quyết tình trạng thiếu khách sạn chất lượng cao ở Hà Nội. Nếu cơ chế ưu đãi của Thành phố vượt khung quy định, đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế đặc thù.

Tập trung làm tốt công tác nghiên cứu thị trường. Thường xuyên cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp. Phối hợp với TW hàng năm tổ chức đánh giá, dự báo động thái thị trường thế giới, khu vực và thị trường trong nước để hỗ trợ hiệu quả cho việc xác định phương hướng sản xuất, kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp.

Xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp giữa Hà Nội (thông qua một cơ quan đầu mối) với các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài, trong đó quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên. Định kỳ hàng quý, Hà Nội cung cấp cho các tham tán thương mại thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và những cơ chế, chính sách mới ban hành. Các tham tán thương mại cung cấp cho Hà Nội thông tin về thị trường, cơ hội kêu gọi đầu tư tại các nước...

Kết hợp và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường; quan tâm phát triển các thị trường và sản phẩm xuất khẩu không bị hạn chế bởi quota. Công khai các cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế của Hà Nội khi tham gia hội chợ quốc tế hoặc được mời đi cùng đoàn của Thành phố làm công tác xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch ở nước ngoài. Chủ động xây dựng Kế hoạch tham gia lộ trình CEPT, AFTA và gia nhập WTO, Chương trình xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Một phần của tài liệu Giải pháp thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của thành phố Hà Nội thời kì 2011-2015 theo hướng CNH-HĐH (Trang 98)