II. Một số kinh tế mũi nhọn định hướng ưu tiên phát triển cho các ngành
2. Định hướng phát triển ngành công nghiệp
Tiếp tục chủ trương phát triển công nghiệp có chọn lọc mà Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XIII đã đề ra. Tập trung phát triển nhanh hơn một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường như: công nghệ tin học (cả phần mềm và phần cứng), công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo khuôn mẫu; các ngành và sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao: công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, dụng cụ y tế, công nghiệp dược, hoá mỹ phẩm... Các ngành công nghiệp khác, Thành phố không khuyến khích phát triển (nhưng không hạn chế), mà để cơ chế thị trường tự điều tiết trên cơ sở tuân thủ các điều kiện về môi trường, xã hội. Phấn đấu tăng GDP công nghiệp bình quân khoảng 10,3-10,8%/ năm; đến năm 2015 công nghiệp chiếm khoảng 41,5-42,0% trong cơ cấu GDP toàn Thành phố.
Quan tâm tăng cường quan hệ hợp tác, liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn, giữa công nghiệp TW và công nghiệp địa phương và với các địa phương khác để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, nâng cao chất
lượng, khả năng cạnh tranh của công nghiệp Thủ đô. Hình thành sự phân công sản xuất, tham gia chế tạo trong từng công đoạn sản phẩm.
Định hướng phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực
- Nhóm ngành điện tử - tin học: Tiếp tục phát triển phương thức lắp ráp các thiết bị điện tử, tin học để đào tạo công nhân, tiếp nhận công nghệ và đáp ứng nhu cầu sản phẩm điện tử trong nước và tham gia xuất khẩu; đồng thời tăng cường liên kết với các tập đoàn điện tử, tin học lớn trên thế giới để tiếp nhận công nghệ hiện đại và tăng năng lực sản xuất linh kiện trong nước, kể cả những linh kiện điện tử chính như các chíp điện tử, bo mạch, màn hình…; khẩn trương nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm điện tử - tin học. Tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng thị phần các thiết bị điện, điện tử, dây dẫn và vật liệu cho ngành điện do Hà Nội sản xuất. Khuyến khích sản xuất các sản phẩm điện tử - tin học mang thương hiệu Hà Nội.
- Nhóm ngành cơ - kim khí và chế tạo khuôn mẫu: Với vị thế và điều kiện Hà Nội, không nên phát triển các ngành công nghiệp cơ - kim khí sử dụng nhiều nguyên liệu, năng lượng như luyện kim, sản xuất động cơ lớn, mà cần ưu tiên phát triển sản xuất các loại động cơ nhỏ, các sản phẩm điện cơ, cơ khí chính xác, dụng cụ học tập, dụng cụ thí nghiệm, các chi tiết máy hiện đại, các sản phẩm tiêu dùng cao cấp, máy móc, thiết bị văn phòng… Tích cực hơn trong chuyển nhanh các đơn vị, xí nghiệp cơ – kim khí sản xuất động cơ lớn ra khỏi nội thành. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo khuôn mẫu cung cấp cho nhu cầu sản xuất của Thủ đô, các địa phương trong nước và xuất khẩu. Trong giai đoạn 2006-2010, phấn đấu tăng GTSX công nghiệp nhóm ngành cơ - kim khí khoảng 16-17%/ năm.
- Nhóm ngành công nghiệp vật liệu mới: Có cơ chế khuyến khích các ngành, các doanh nghiệp tích cực nghiên cứu tìm ra và sử dụng các loại vật liệu mới thay thế các vật liệu truyền thống. Tập trung ứng dụng các công nghệ vật liệu mới trong ngành điện tử - tin học, cơ khí chế tạo và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, các loại vật liệu ứng dụng công nghệ nanô.
- Nhóm ngành hóa dược và mỹ phẩm: Công nghiệp hóa dược cần tập trung phát triển theo hướng đi ngay vào công nghệ hiện đại. Phối hợp, lồng ghép các nguồn lực TW, địa phương, doanh nghiệp, nhân dân... xây dựng một số phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ nghiên cứu cơ bản cho công nghiệp hóa dược. Kết hợp tốt
- Nhóm ngành công nghiệp chế biến lương thực – thực phẩm: Cần gắn các cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu. Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm của Hà Nội không thể dừng lại ở chế biến, bảo quản mà phải định hướng phát triển các sản phẩm chế biến tinh, sử dụng công nghệ tiên tiến, nhất là các công nghệ sinh – hóa; quan tâm chất lượng an toàn thực phẩm và độ dinh dưỡng cao trong các sản phẩm công nghiệp chế biến. Giai đoạn 2011-2015, phấn đấu tăng GTSX nhóm ngành công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm khoảng 13-14%/ năm.
- Một số ngành công nghiệp có tiềm năng cần quan tâm tạo điều kiện hình thành, phát triển: ngành công nghiệp sản xuất các thiết bị bảo vệ môi trường (thiết bị xử lý nước thải, thiết bị lọc nước...), sản xuất trang thiết bị phục vụ giao thông vận tải (xe có động cơ chở khách và vận tải hàng hóa, đầu máy, toa xe đường sắt...). Do yêu cầu nâng cao chất lượng môi trường, nếu trong thời gian tới không sản xuất được trong nước thì khối lượng nhập khẩu các thiết bị bảo vệ môi trường sẽ tăng rất cao. Dự kiến GTSX hàng năm của nhóm ngành công nghiệp này tăng khoảng 15- 16%/ năm.
- Công nghiệp truyền thống: Trong nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống của Hà Nội, cần lựa chọn những nghề, làng nghề để khôi phục, phát triển; quan tâm kết hợp tốt công nghệ hiện đại với kỹ nghệ truyền thống. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa một số khâu, một số công đoạn đối với các ngành nghề truyền thống nhằm nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng, quy mô, hiệu quả và sự đồng đều của các sản phẩm truyền thống.
Đẩy nhanh việc lấp đầy các khu công nghiệp tập trung, tiếp tục xây dựng các khu công nghiệp quy mô lớn ở ngoại thành để thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước. Cần đặc biệt quan tâm lựa chọn thu hút những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ tiên tiến phù hợp tiềm năng thế mạnh ở Thủ đô. Xem xét, cải tạo một số khu công nghiệp cũ, kiên quyết đưa nhanh các doanh nghiệp ô nhiễm ra khỏi nội thành và các khu dân cư. Không tiếp tục xây dựng mới các cơ sở dệt may, da giầy trong nội thành, đồng thời khuyến khích chuyển dần lĩnh vực sản xuất này về các địa phương.