Sau khi đã nhận diện, đo lường, đánh giá, phân tích rủi ro thì bước tiếp theo mà nhà quản lý phải thực hiện đó là kiểm soát quản trị rủi ro để quy trình này luôn diễn ra liên tục.
Các biện pháp kiểm soát rủi ro bao gồm các nhóm sau: Né tránh rủi ro:
Né tránh rủi ro là loại bỏ khả năng bị thiệt hại, là việc không chấp nhận dự án có độ rủi ro quá lớn. Biện pháp này được áp dụng trong trường hợp khả năng bị thiệt hại cao và mức độ thiệt hại lớn. Né tránh rủi ro có thể được thực hiện ngay từ giai đoạn đầu của chu kỳ dự án. Nếu rủi ro dự án cao thì loại bỏ ngay từ đầu.
Một số loại rủi ro xuất hiện sớm khi bắt đầu dự án có thể được đối phó bằng cách xác định các yêu cầu, thu thập thông tin, cải thiện quá trình trao đổi tin tức, hoặc chuyên môn hóa. Giảm phạm vi để tránh các hoạt động có rủi ro cao, thêm nguồn lực hoặc thời gian, chấp nhận phương pháp cũ thay cho một phương pháp đổi mới, hoặc né tránh các hợp đồng phụ không quen thuộc có thể là các ví dụ của việc né tránh.
Chấp nhận rủi ro:
Chấp nhận rủi ro là chủ đầu tư phải quyết định, không thay đổi kế hoạch để đối phó với một rủi ro nào đó hoặc không có khả năng xây dựng bất cứ chiến lược đối phó nào. Chấp nhận tích cực là việc phát triển một kế hoạch để đối phó với các bất ngờ. Chấp nhận tiêu cực là chủ đầu tư dự án không tác động gì đến rủi ro khi nó xuất hiện.
Theo quan điểm của nhà quản lý bảo hiểm thì bảo hiểm là sự chuyển dịch rủi ro theo hợp đồng. Từ trên quan điểm xã hội bảo hiểm không chỉ đơn thuần là việc chuyển dịch rủi ro mà còn làm giảm rủi ro vì nhóm người có rủi ro tương tự nhau tự nguyện tham gia bảo hiểm đã cho phép dự đoán mức độ thiệt hại trước khi nó xuất hiện. Bảo hiểm là công cụ quản trị rủi ro phù hợp khi khả năng thiệt hại thấp nhưng mức độ thiệt hại có thể rất nghiêm trọng.
Tự bảo hiểm: là phương pháp quản trị rủi ro trong đó có đơn vị chấp nhận
rủi ro và tự nguyện kết hợp thành một nhóm với nhiều đơn vị có rủi ro tương tự khác đủ để dự đoán chính xác mức độ thiệt hại và chuẩn bị trước nguồn quỹ để bù đắp nếu nó xảy ra. Tự bảo hiểm là một trong những hình thức chấp nhận rủi ro.
Tự bảo hiểm có lợi thế là nâng cao khả năng ngăn ngừa thiệt hại, thủ tục chi trả bảo hiểm nhanh gọn, đồng thời nâng cao khả năng sinh lợi tạo điều kiện quay vòng vốn. Tuy nhiên biện pháp tự bảo hiểm cũng có nhược điểm là đơn vị phải chi phí để vận hành chương trình tự bảo hiểm; đơn vị phải mua và cung cấp những dịch vụ có giá trị những thiết bị ngăn ngừa thiệt hại; khi khả năng bị thiệt hại xuất hiện đơn vị phải thuê người điều hành theo dõi chương trình tự bảo hiểm… Phương pháp tự bảo hiểm cũng chứa đựng yếu tố rủi ro cờ bạc vì ở đây đơn vị thực tế chấp nhận rủi ro với hy vọng thiệt hại có thể không xảy ra trong một số năm.
Ngăn ngừa thiệt hại:
Ngăn ngừa thiệt hại là sử dụng các biện pháp để làm giảm tính thường xuyên xuất hiện các rủi ro hoặc mức độ thiệt hại do rủi ro mang lại
Để ngăn ngừa thiệt hại cần xác định nguồn gốc thiệt hại. Có hai nhóm nhân tố chính đó là nhóm yếu tố tác động bên ngoài và nhân tố thuộc về bên trong dự án.
Biện pháp ngăn ngừa thiệt hại bao gồm:
+ Các biện pháp tác động vào chính mối nguy hiểm để ngăn ngừa thiệt hại. + Các biện pháp tập trung vào môi trường rủi ro.
+ Các biện pháp tập trung vào sự tương tác giữa các mối nguy cơ và môi trường rủi ro.
Giảm nhẹ rủi ro là tìm cách giảm bớt tần suất hoặc mức độ tác động của các rủi ro bất lợi tới một ngưỡng chấp nhận nào đó. Các hành động để giảm tần suất xuất hiện rủi ro hoặc tác động của nó tới dự án thì có hiệu quả hơn việc cố gắng sửa chữa các hậu quả sau khi nó xuất hiện và hậu quả tác động.
Giảm nhẹ thiệt hại bao gồm những biện pháp nhằm làm giảm thiểu những biện pháp mất mát do rủi ro mang lại bao gồm:
Cứu vớt những tài sản còn sử dụng được
Chuyển nợ
Xây dựng và thực hiện các kế hoạch phòng ngừa rủi ro
Dự phòng
Phân tán rủi ro
Chuyển dịch rủi ro:
Chuyển dịch rủi ro là tìm kiếm cơ hội để chuyển hậu quả của rủi ro cho phía thứ ba gánh chịu. Chuyển dịch rủi ro đơn giản là chuyển rủi ro cho một đối tượng khác chứ không phải tìm cách giảm thiểu hoặc loại trừ nó.
Chuyển dịch trách nhiệm pháp lý về rủi ro là biện pháp có hiệu quả nhất đối với các rủi ro tài chính. Chuyển dịch rủi ro liên quan đến khoản chi trả để bù đắp cho rủi ro mà phía thứ ba gánh chịu bao gồm: bảo hiểm, bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh thực hiện, giấy bảo đảm, bảo hành. Hợp đồng có thể sử dụng để chuyển dịch một số rủi ro nhất định cho bên thứ ba.
Tài trợ rủi ro
Rủi ro có thể đến vớibất cứ ai, mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh những giải pháp đưa ra nhằm kiểm soát rủi ro nhưng cũng không thể né tránh được hết những hậu quả xấu. Vì vậy, khi rủi ro xảy ra cần giải quyết như thế nào? Trước hết chúng ta cần theo dõi, giám định thiệt hại, xác định những thiệt hại về tài sản, nguồn lực, giá trị pháp lý… Sau đó cần có những biện pháp tài trợ rủi ro thích hợp. Tài trợ rủi ro gồm 2 nhóm:
Tự khắc phục rủi ro: là phương pháp mà chủ đầu tư tự mình thanh toán thiệt hại khi gặp rủi ro. Nguồn bù đắp rủi ro là nguồn tự có của chủ đầu tư cộng với các nguồn mà chủ đầu tư đi vay và có trách nhiệm hoàn trả.
Chuyển giao rủi ro: đối với những tài sản đã mua bảo hiểm thì khi tổn thất xảy ra, việc đầu tiên chủ đầu tư phải làm là khiếu nại đòi bồi thường.
Trong một số trường hợp khi gặp rủi ro chủ đầu tư có thể nhận được sự tài trợ từ phía chính phủ, cấp trên, các tổ chức liên đới…
Công tác quản trị rủi ro cần được xem xét, đánh giá lại thường xuyên vì các yếu tố tác động đến dự án thay đổi theo từng giai đoạn của dự án. Mỗi sự thay đổi suốt quá trình của dự án đều có thể nảy sinh thiệt hại mới. Cần xác định lại thiệt hại, số lượng, nguyên nhân… và cần phải có giải pháp thích hợp nhằm hạn chế thiệt hại do rủi ro gây ra.