Tăng trưởng kinh tế tác động đến ansinh xã hội

Một phần của tài liệu Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội ở tỉnh Ninh Bình (Trang 37)

Thứ nhất, trên khía cạnh việc làm, tăng trưởng kinh tế cao và ổn định góp phần làm tăng ngân sách, nguồn vốn đầu tư tăng lên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút và sử dụng lực lượng lao động lớn, đồng thời tăng trưởng kinh tế làm biến đổi cơ cấu ngành kinh tế, hình thành nhiều ngành mới, tạo ra nhiều việc làm. Vì vậy, tăng trưởng kinh tế nhanh thì thất nghiệp có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế cao cũng có tác động tiêu cực đến khía cạnh việc làm. Cụ thể như sau: Khi tăng trưởng kinh tế cao sẽ tạo điều kiện vật chất để ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng nhu cầu về nhân lực chất lượng cao, nếu giáo dục đào tạo không đáp ứng kịp sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa nhiều lao động giản đơn, tăng thất nghiệp nhưng lại thiếu lao động lành nghề. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế dẫn đến tự do sản xuất kinh doanh và thực hiện mở cửa nền kinh tế trong điều kiện tự do hoá kinh tế toàn cầu làm gia tăng áp lực cạnh tranh. Điều này sẽ tạo ra nguy cơ phá sản, thu hẹp sản xuất. Đồng thời, hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới thì những tác động từ bên ngoài vào nước ta cũng mạnh mẽ hơn. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm thu hẹp thị trường xuất khẩu, giảm đầu tư, trì trệ sản xuất trong nước. Số người mất việc làm, thất nghiệp sẽ gia tăng. Cho nên, cần lựa chọn những giải pháp để tăng trưởng kinh tế gắn liền với giải quyết việc làm cho người lao động, tạo thu nhập, ổn định đời sống cho dân cư.

28

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế tác động đến an sinh xã hội trên khía cạnh thu

nhập, phân hóa giàu nghèo và giảm nghèo. Nếu tăng trưởng kinh tế cao và ổn định tạo việc làm cho người lao động, sẽ làm cho thu nhập của dân cư tăng lên, người dân có điều kiện vật chất để nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong sản xuất hàng hóa luôn luôn tồn tại cạnh tranh, khi sản xuất hàng hóa vận động theo cơ chế thị trường thì cạnh tranh càng trở nên gay gắt. Trong cuộc cạnh tranh tất yếu sẽ có người bị thua cuộc, phá sản, trở nên nghèo đói và những người tồn tại được trong cạnh tranh trở nên giàu có. Khi tăng trưởng kinh tế cao sẽ tạo điều kiện vật chất cho các nhà sản xuất cạnh tranh, từ đó nảy sinh sự phân hóa giàu nghèo và khoảng chênh lệch lớn về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, đòi hỏi nhà nước phải có sự điều tiết thu nhập để giảm bớt bất bình đẳng xã hội. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện trước tiên để cải thiện chính sách an sinh xã hội, khắc phục tình trạng đói nghèo của một quốc gia. Bởi vì, tăng trưởng kinh tế tạo việc làm cho người dân, tăng thu nhập, từ đó người dân tự nuôi sống bản thân mình, thoát nghèo. Như vậy, nhà nước không phải nuôi họ nữa, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nhà nước tập trung ngân sách để đầu tư cho phát triển kinh tế, từ đó khắc phục được tình trạng nghèo đói của quốc gia. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế cũng dẫn đến sự phát triển chênh lệch giữa các vùng miền, làm tăng khoảng cách giàu nghèo. Bởi vì, để có tăng trưởng kinh tế thì nguồn vốn đầu tư và hướng đầu tư thường tập trung vào những vùng có lợi thế so sánh. Do đó, những vùng có lợi thế so sánh, có điều kiện thuận lợi thì phát triển hơn những vùng khó khăn, không có tiềm năng thế mạnh và thu nhập của người dân ở những vùng này cũng chênh lệch nhau.

Thứ ba, tăng trưởng kinh tế tác động đến an sinh xã hội trên khía cạnh công

bằng xã hội. Khi tăng trưởng kinh tế cao thì thu nhập chủ yếu thuộc về người chủ sở hữu tư liệu sản xuất, còn người bán sức lao động lại có thu nhập tăng chậm hơn. Từ đó, dẫn đến một số người giàu lên nhanh chóng và một số người có thu nhập chậm hơn, dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế tạo ra của cải cho xã hội đây chính là điều kiện để thực hiện

29

công bằng xã hội. Tăng trưởng càng cao, kinh tế càng phát triển, càng có điều kiện để thực thi các chính sách công bằng xã hội, càng có điều kiện để cho tất cả mọi người đều được hưởng các chính sách ASXH như nhau.

Thứ tư, tăng trưởng kinh tế tác động đến an sinh xã hội trên khía cạnh BHXH. Tăng trưởng kinh tế tác động tích cực trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Bởi vì, tăng trưởng kinh tế làm gia tăng cơ hội có việc làm đồng thời gia tăng cơ hội mở rộng đối tượng tham gia BHXH, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách BHXH. Đối với người lao động, để vừa đảm bảo được những chi tiêu thường xuyên và ngày càng tăng lên của gia đình và vừa thực hiện được nghĩa vụ đóng BHXH, họ phải tìm cách để tăng thu nhập, nghĩa là phải làm việc nhiều hơn hoặc làm việc có năng suất, có hiệu quả hơn để được trả lương cao hơn. Khi người lao động làm việc có năng suất, có chất lượng, doanh nghiệp cũng có lợi ích, doanh thu và thu nhập của doanh nghiệp tăng cao hơn và cũng có điều kiện hơn để thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với người lao động. Khi người lao động và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, Nhà nước sẽ có nguồn thu nhiều hơn (thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp,…) có điều kiện tài chính tốt hơn để đóng góp cho quỹ BHXH.

Có thể nói, hiệu ứng tích cực từ tăng trưởng kinh tế là tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống tốt hơn, tạo ra nhiều việc làm mới, thu hút nhiều lao động tham gia vào các hoạt động kinh tế. Người lao động có thu nhập càng cao và ổn định, họ sẽ càng có điều kiện tốt hơn, để tham gia BHXH. Đồng thời, khi kinh tế phát triển, Nhà nước và các doanh nghiệp có điều kiện để đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Nhờ vậy, những rủi ro trong lao động như tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ giảm đi và do đó quỹ BHXH sẽ giảm chi do đối tượng hưởng giảm. Đây là ảnh hưởng, tác động tiếp của tăng tưởng kinh tế đối với BHXH. Mặt khác, khi kinh tế tăng trưởng, Nhà nước có khả năng hơn để cải thiện điều kiện sống cho người lao động, như đầu tư vào kết cấu hạ tầng công cộng, đầu tư cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho người dân nói chung và người lao động nói riêng. Nhờ vậy, người lao động ít bị những “rủi ro

30

xã hội” hơn, như giảm tai nạn, ốm đau, bệnh tật, giảm được những rủi ro khi sinh đẻ (đối với lao động nữ). Đây cũng là ảnh hưởng tác động gián tiếp của tăng trưởng kinh tế đối với chính sách BHXH. Tăng trưởng kinh tế làm tăng phần sản phẩm xã hội phân bổ cho việc trợ cấp, cải thiện lương hưu cho người về hưu. Tăng trưởng nhanh chóng cũng có thể làm giảm bớt việc tăng mức đóng cho người lao động và người sử dụng lao động mà vẫn đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH.

Tóm lại, tăng trưởng kinh tế là động lực cơ bản thúc đẩy phát triển, là nhân tố quan trọng hàng đầu và điều kiện vật chất để giải quyết các vấn đề ASXH. Tăng trưởng kinh tế tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội, là cơ sở để nâng cao mức sống người dân, ổn định chính sách hiện tại, đảm bảo cuộc sống tương lai. Nhờ tăng trưởng kinh tế, Nhà nước mới có điều kiện xây dựng những cơ sở phúc lợi như nhà dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, cơ sở phúc lợi dành cho người tàn tật, các khu vui chơi giải trí, các bệnh viện mới và hiện đại, mở mang hệ thống giáo dục, y tế .... Nhờ có tăng trưởng kinh tế, dân trí của người dân được nâng cao, trình độ nhận thức cao hơn nhất là nhận thức được vai trò của hệ thống ASXH, từ đó họ tham gia tích cực vào hệ thống ASXH. Nhờ có tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, do đó họ có thu nhập để đóng góp tham gia vào nhiều hình thức BHXH, góp phần phát triển ASXH.

Một phần của tài liệu Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội ở tỉnh Ninh Bình (Trang 37)