Trong cuộc sống, để thoả mãn những nhu cầu tối thiểu, con người phải lao động sản xuất để có thu nhập. Tuy vậy, không phải lúc nào người lao động cũng đảm bảo chắc chắn duy trì được việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định. Đó là những lúc gặp rủi ro, như ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động dẫn đến bị mất hoặc giảm việc làm… Hơn nữa, hoạt động lao động sản xuất của con người không phải lúc nào cũng thuận lợi vì còn bị phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, môi trường, xã hội... Vì thế, sự cần thiết phải có các biện pháp phòng tránh và khắc phục rủi ro đã trở thành một nhu cầu của con người. Đặc biệt trong nền sản xuất công nghiệp, khi mà số lượng người lao động có thu nhập chính từ tiền lương tăng lên thì sự hẫng hụt về thu nhập trong các trường hợp gặp rủi ro hoặc khi không còn khả năng lao động ... càng trở thành mối đe doạ đối với cuộc sống của họ.
Tính tất yếu phải đối mặt với những hẫng hụt về thu nhập trong những trường hợp bất khả kháng đã buộc người lao động tìm cách khắc phục bằng nhiều biện pháp khác nhau. Nhưng, xã hội càng phát triển, những biện pháp có tính truyền thống đã tỏ ra không đủ độ an toàn để giúp cho mỗi người có thể khắc phục hoặc vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Bổ sung vào đó là các biện pháp chỉ có trong xã hội hiện đại, như BHXH, BHYT, BHTN, cứu trợ xã hội, trợ giúp xã hội ... Đây là những trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội nhằm bảo vệ con người trước những rủi ro về kinh tế - xã hội.
19
Do sự đa dạng về nội dung, phương thức và góc độ tiếp cận nên trong giới nghiên cứu lý luận, cũng như những nhà chỉ đạo thực tiễn hiện có nhiều cách hiểu về an sinh xã hội. Tổng hợp các ý kiến, có thể khái quát, phạm trù ASXH thường được đề cập đến ở hai nghĩa rộng và hẹp. Theo nghĩa rộng: an sinh xã hội là sự đảm bảo thực hiện các quyền để con người được an bình, đảm bảo an ninh, an toàn trong xã hội [6, tr21]. Theo nghĩa hẹp: an sinh xã hội là sự đảm bảo thu nhập và một số điều kiện thiết yếu khác cho cá nhân, gia đình và cộng đồng khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do họ bị giảm hoặc mất khả năng lao động hoặc mất việc làm; cho những người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, những người yếu thế, người bị thiên tai địch họa [6, tr22]. Theo ILO: an sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời đảm bảo các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con…
An sinh xã hội thể hiện quyền cơ bản của con người và là công cụ để xây dựng một xã hội hài hòa, văn minh, hạn chế bất bình đẳng cũng như phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội; tạo nên sự đồng thuận giữa các giai tầng, các nhóm xã hội trong quá trình phát triển. ASXH còn là thước đo biểu thị mức độ phát triển của một quốc gia bởi lẽ ASXH luôn hướng đến đảm bảo mức sống tối thiểu và bảo vệ những giá trị cơ bản cho mọi người đồng thời ASXH còn là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng thông qua việc điều hòa các mâu thuẫn xã hội.
Hệ thống ASXH được xây dựng với sự khác biệt rõ nét giữa các quốc gia song về cơ bản vẫn tuân thủ theo một cấu trúc chung, bao gồm: BHXH, trợ giúp xã hội, trợ cấp gia đình, các quỹ tiết kiệm xã hội, các dịch vụ xã hội khác được tài trợ bằng nguồn vốn công cộng…
Ở Việt Nam, bảo đảm ASXH luôn là mục tiêu quan trọng hàng đầu được thể
hiện nhất quán trong mọi văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Các chủ trương, chính sách được ban hành ở nước ta suy cho cùng đều vì mục đích an sinh xã hội. Bởi vậy, bảo đảm an sinh xã hội đã được Đại hội XI của Đảng xác định là
20
một trong những nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn 2011-2015. "Chiến lược an sinh
xã hội giai đoạn 2011 - 2020” ghi nhận: “An sinh xã hội là sự bảo đảm mà xã hội
cung cấp cho mọi thành viên trong xã hội thông qua việc thực thi hệ thống các cơ chế, chính sách và biện pháp can thiệp trước các nguy cơ, rủi ro có thể dẫn đến suy giảm hoặc mất đi nguồn sinh kế” [29]. Trong bài viết "Đảm bảo ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một nội dung chủ yếu của Chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội 2011 - 2020” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh "An sinh xã
hội và phúc lợi xã hội là hệ thống các chính sách và giải pháp nhằm vừa bảo vệ mức sống tối thiểu của người dân trước những rủi ro và tác động bất thường về kinh tế, xã hội và môi trường; vừa góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân" [12, tr3].
Như vậy, ASXH được xác định là hệ thống các chính sách và chương trình
do Nhà nước cùng các đối tác xã hội thực hiện nhằm đảm bảo mức tối thiểu về thu
nhập, sức khỏe, các phúc lợi xã hội, nâng cao năng lực của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong quản lý, kiểm soát các rủi ro do mất việc làm, già yếu, ốm đau, thiên tai, chuyển đổi cơ cấu, khủng hoảng kinh tế… dẫn đến giảm hoặc mất thu nhập, giảm khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản….
Chính sách bảo đảm an sinh xã hội là hệ thống các chính sách can thiệp của Nhà nước (BHXH, trợ giúp xã hội) và sự hỗ trợ của tổ chức hay tư nhân (các chế độ không theo luật định) nhằm giảm mức độ nghèo đói và tổn thương, nâng cao năng lực tự bảo vệ của người dân và xã hội trước những rủi ro hay nguy cơ giảm hoặc mất thu nhập, bảo đảm ổn định, phát triển và công bằng xã hội.