14 Ma với tư cách là nhân vật văn học, Ngô Tự Lập.
3.4.3. Ngôn ngữ nhân vật được cá tính hóa triệt để:
Để tạo ra những nhân vật cá tính độc đáo mang dấu ấn sáng tạo của riêng mình, nhà văn nào cũng phải vận dụng tổng hợp những cách thức phù hợp trong xây dựng nhân vật. Trong đó, ngôn ngữ là một trong những yếu tố cơ bản và không thể thiếu để tạo nên sự sinh động, cá biệt cho diện mạo của nhân vật.
Ngôn ngữ nhân vật là lời nói, phát ngôn của nhân vật trong tác phẩm, bao gồm các dạng thức cơ bản là : ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc thoại. Trong đó, ngôn ngữ độc thoại bao gồm : độc thoại và độc thoại nội tâm. Ngôn ngữ nhân vật được xem là “ phương tiện nghệ chủ yếu để tái tạo các hành vi
của con người và các giao tiếp về tinh thần giữa họ, được kết hợp với các quá trình tư duy vốn nhuốm màu ý chí – cảm xúc của họ ”. (132, 150 TNVH)? Cả
hai dạng thức cơ bản của ngôn ngữ nhân vật đều “ mang màu sắc chủ quan và
bộc lộ đặc tính của chủ thể phát ngôn chúng ” (129, 150 TNVH)?. Điều này lý giải tại sao khi xây dựng hình tượng nhân vật, nhà văn không thể bỏ qua phương diện ngôn ngữ. Nếu thiếu ngôn ngữ thì hình tượng nhân vật tựa như bức tranh ghép bị khuyết mất một mảnh ghép vô cùng quan trọng và đương nhiên bức tranh ấy không thể hoàn thiện.
Vì mang màu sắc chủ quan nên ngôn ngữ nhân vật tạo ra sự khác biệt độc đáo cho chủ thể của nó. Nhà văn nào dụng ý tạo ra những kiểu nhân vật cá thể độc đáo thì chắc chắn sẽ chú ý trau chuốt, gọt rũa, tạo hình để ngôn ngữ nhân vật trở thành yếu tố cơ bản nhất làm nên nét riêng của nhân vật. Sáng tác của Thái Bá Tân và Nguyễn Ngọc Ngạn thuộc hiện tượng này. Có thể nói, cả hai nhà văn đều rất có ý thức trong việc sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện giúp thể hiện cá tính của nhân vật một cách triệt để. Sự cá tính hóa triệt để của ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn Thái Bá Tân và Nguyễn Ngọc Ngạn thể hiện ở cả hai dạng thức : ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại.
3.4.3.1 Cá tính hóa trong ngôn ngữ đối thoại:
“Đối thoại là sự giao tiếp bằng lời nói giữa hai người (hoặc nhiều hơn)
với nhau ”. (128, 150 TNVH) Đặc trưng cho ngôn từ đối thoại là sự luân
phiên của các phát ngôn ngắn, của những người phát ngôn khác nhau… Trong tác phẩm, nhà văn có thể cá thể hóa ngôn ngữ đối thoại của nhân vật bằng nhiều cách. Sự cá thể hóa này biểu hiện ở lối xưng hô, cách đặt câu, ghép từ, sự lặp lại những từ và câu mà nhân vật thích nói (kể cả từ ngoại quốc và từ địa phương)…
Nhìn chung, các nhân vật trong truyện ngắn của Thái Bá Tân và Nguyễn Ngọc Ngạn đều có xu hướng ít đối thoại mà thiên về độc thoại nhiều hơn. Khảo sát các tác phẩm cho thấy : tỉ lệ chênh lệch giữa đối thoại và độc thoại là rất cao. Đối thoại của nhân vật Thái Bá Tân và Nguyễn Ngọc Ngạn thường
là những phát ngôn rất ngắn, đa số khuyết chủ ngữ và rất ít từ cảm thán. Sự cá tính hóa triệt để ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong truyện ngắn Thái Bá Tân và Nguyễn Ngọc Ngạn biểu hiện cụ thể như sau:
Trong Bài ca buồn (Thái Bá Tân) màn đối thoại tập trung vào những đoạn gay cấn nhất. Đầu tiên con bé Nụ và người đàn ông qua màn tìm hiểu:
- “Cháu bao nhiêu tuổi?” - “Dạ em... em hai mươi ạ”...
- “Dạ, cháu mười sáu ạ”... [3; 660-661]
- “Thế bố mẹ, gia đình cháu ở đâu?”...
- “Tội nghiệp cháu. Bác cũng khổ, nhưng khổ theo cách khác. Vả lại, bác người lớn, lại là đàn ông” [3; 661]
Con bé Nụ tò mò về người đàn ông cứu giúp nó và hỏi:
- “Bác sống một mình à?” - “Vâng”, ông già đáp.
- “Bác là người đầu tiên và duy nhất trên đời này thương yêu cháu thực sự”.
- “Ừ, bác biết. Tội nghiệp cháu”... “Nhưng bác không là người”... -“Trời ơi, bác là ma!”...
- “Vâng. Cháu bảo cuối cùng đã gặp được người thương yêu cháu. Hóa không phải là người, mà là ma. Bác nói “tội nghiệp cháu” là vì vậy... Bây giờ chắc cháu sợ bác lắm nhỉ?”... “Đừng lo, bác không làm gì hại cháu đâu, - ông già nói tiếp. - Tiếc rằng bác chẳng giúp được gì nhiều cho cháu”. [3; 662-663]
Man đối thoại gần như khép lại thiên truyện cho đến khi con bé Nụ chết: - “Bác cho cháu xuống đây với bác được không?”
- “Không. Là ma, nhưng bác tốt bụng. Bác là người... là con ma đầu tiên thực sự thương yêu cháu. Bên bác, cháu cảm thấy no hơn, ấm hơn và đỡ sợ hơn...”
- “Nhưng ở dưới này cũng không tốt hơn như cháu tưởng đâu”.
- “Không sao. Cứ cho cháu ở với bác. Cháu muốn có ai đó bên cạnh để khi cần có thể giúp cháu, người hay ma cũng được” [3; 664]
Trong truyện Đừng đùa với ma (Thái Bá Tân) là những đối thoại ngắn với những câu chỉ có động từ hoặc khuyết một thành phần câu:
- “Bố thằng Tí ơi, dậy. Dậy đi nào. Có việc.”... - “Gì thế?”...
- “Có việc”... - “Kệ.”... [3; 674]
Gặp người đàn ông thuê chở xác chết cùng màn đối thoại ngắn gọn, gấp gáp:
- “Ông nói tiền công một trăm nghìn?” - “Ừ. Một trăm.”
- “Ông cùng đi?” - “Cùng đi.”
- “Ngay bây giờ?” - “Bây giờ.”
- “Được.”... [3; 675]
Sự ngắn gọn, khó hiểu của những câu trả lời đứt quãng đã dẫn bố thằng Tí đến nơi nguy hiểm. Câu trả lời không nhắm vào câu hỏi:
- “Ông cụ mắc bệnh gì mà chết?”... - “Đi đi!”... [3; 677]
Kết thúc Hắn có thể giao tiếp với ma:
- “Anh vẫn phải làm cái nghề khốn khổ ấy à?”...
- “Ừ, để kiếm sống ai cũng phải làm một nghề nào đó. Nghề của anh còn lương thiện chán. Không như thằng thuê anh chở tôi về Pa Cao ngày nào...”
- “Có phải bác giết nó khi nó định đập búa vào đầu cháu không?... Không có bác, chắc cháu đã chết. Cháu xin cảm ơn.”
- “Ơn với huệ gì. Anh cũng không vứt tôi xuống vực. Coi như huề.”...
[3; 683-684]
Truyện Đổi đời (Thái Bá Tân) có duy nhất một đoạn đối thoại bộc lộ rõ bản chất của cái Tý (bà Diễm Hạnh).
- “Hôm nay tôi đến đòi lại số tiền thuốc ông ấy còn nợ. Có giấy ghi chép đầy đủ cả đây...”
- “Nhưng ông ấy đã chết, và hiện chẳng còn gì.”
- “Còn đấy, thưa bà, ngôi nhà này chẳng hạn, và nhiều thứ khác.” - “Ngôi nhà này đứng tên tôi, và là của tôi!”...
- “Bà nghĩ thế à?”
- “Tất nhiên. Và đừng hòng ai cướp nổi nó! Ðây, ông xem đi, rồi mời ông ra khỏi đây ngay!”... [3; 395]
Tóm lại, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật là một trong những phương diện góp phần thể hiện sinh động cá tính cả nhân vật. Mỗi một biểu hiện cá biệt hóa của ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn của Thái Bá Tân và Nguyễn Ngọc Ngạn đều đem lại một hiệu quả nghệ thuật nhất định. Tính chất bí hiểm, bỏ lửng trong lối xưng hô, dùng từ hay lối nói đã góp phần “ thiêng hóa” các nhân vật gần như vĩnh viễn xếp họ vào một thế giới khác, cất lên tiếng nói từ một thế giới khác. Bên cạnh đó, những cử chỉ, ngữ điệu, đi kèm đối thoại góp phần ngoại hiện tâm lý và tính cách của nhân vật hay sự lặp lại của những câu từ mà nhân vật thích nói đều có tác dụng tạo ra sự cá biệt hóa cao độ cho lời ăn tiếng nói của nhân vật
3.4.3.2. Cá tính hóa trong ngôn ngữ độc thoại nội tâm:
“Độc thoại nội tâm là lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình,
thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó ”. (108, TĐTNVH) Khi
độc thoại nội tâm, các nhân vật thực hiện sự “tự giao tiếp” với chính mình hay một sự giao tiếp tưởng tượng với một đối tượng khác. Một xu hướng dễ thấy là : nếu hình tượng nhân vật có đời sống tâm lý đơn giản, ít mâu thuẫn giằng xé thì ít khi độc thoại nội tâm và ngược lại. Những kiểu nhân vật có cá tính độc đáo và cá biệt thường có một đời sống tinh thần đầy phức tạp, đầy ẩn ức. Và những ẩn ức đó thường bộc lộ ra ngoài qua hình thức độc thoại nội tâm. Cũng giống như đối thoại, độc thoại nội tâm mang màu sắc chủ quan vì nó là sản phẩm của tư duy cá nhân. Thông qua độc thoại nội tâm, nhân vật bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng và tính cách của mình. Và tất cả những yếu tố này góp phần tạo nên diện mạo tinh thần của nhân vật. Sáng tác của Thái Bá Tân và Nguyễn Ngọc Ngạn không bỏ qua việc sử dụng độc thoại nội tâm như một thủ pháp nghệ thuật có hiệu quả trong xây dựng nhân vật. Khảo sát các tác phẩm cho thấy: các nhân vật của Thái Bá Tân và Nguyễn Ngọc Ngạn thường thiên về độc thoại nội tâm. Qua độc thoại nội tâm, tính cách và tâm lý của nhân vật được bộc lộ một cách triệt để. Chẳng hạn, đọc đoạn văn sau đây:
“Nằm bên Giang, Quán lắm khi nghĩ đến việc bỏ Hà. Nhưng bỏ vì lí do gì? Hà là người vợ đảm, có nhan sắc, chỉ lớn tuổi hơn Giang mà thôi. Quán phân vân mãi, không nỡ bỏ. Thôi thì đành cứ giữ nguyên tình trạng tay ba này, được ngày nào hay ngày đấy.” [audio 2; 21]
“Mỗi lần có người ngấm nghé thăm hỏi trực tiếp Giang như thế, Quán lại càng lo hơn. Một ngày gần đây, Giang sẽ nằm trong tay kẻ khác. Ấy thế mà không ngờ Quán lại chiến thắng một cách quá dễ dàng. Tấm thân mịn màng
kia đang thuộc về Quán, cho Quán những giây phút ngây ngất vượt mọi sự mong đợi của Quán.” [audio 2; 23]...v.v...
Hoặc một đoạn khác trong Đổi đời của Thái Bá Tân:
“Về nhiều phương diện, có thể nói đây là con mồi ngon nhất của nàng từ trước đến nay. Li dị vợ, nhiều tiền, dễ bảo, mỗi tuần chỉ về nhà một hoặc hai lần. Hơn thế lão lại rất yêu, có thể nói si mê nàng một cách chân thành. Ðiều này lúc đầu có làm nàng chút ít bối rối vì nó nằm ngoài kế hoạch, nhưng sau nghĩ kỹ thấy cũng chẳng sao. Cùng lắm có thể dừng lại ở bến này và lấy lão làm chồng, nếu lão thực sự giàu. Còn trong khi chưa chắc điều ấy thì nàng phải tranh thủ moi càng nhiều càng tốt. Khoản này thì nàng đã thành nghề điêu luyện.” [3; 391-392]
Qua hai đoạn trích có thể thấy mọi tính toán, suy nghĩ của nhân vật được giấu kín. Nhân vật suy tính thầm trong lòng mình không để các nhân vật khác được biết. Trong nhiều trường hợp những ý nghĩ được giấu kín đó thường chỉ lộ ra khi nhân vật ngồi một mình trong không gian riêng. Cũng có lúc những ý nghĩ thầm kín đó nhân vật không chỉ che giấu các nhân vật khác mà còn che giấu cả với chính nó. Sở dĩ các độc thoại nội tâm của nhân vật lộ ra là bởi sự tinh quái của nhà văn.
Như vậy, nếu ngôn ngữ đối thoại giúp phản ánh phần nào đó cá tính và tâm lý nhân vật thì ở ngôn ngữ độc thoại nội tâm sự phản ánh này đạt đến chiều sâu hơn. Bởi nó đi vào những tâm tình, những trăn trở sâu kín nhất – là nơi bộc lộ đến cùng biểu hiện cá tính của nhân vật. Có thể nói cả Thái Bá Tân và Nguyễn Ngọc Ngạn đều khá thành công trong việc sử dụng độc thoại nội tâm để làm nổi bật cá tính của nhân vật.