11 Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn về những tác phẩm văn học của ông trên: Radio Free Asia (2007) 12 Chat247.vn, Kwon Sang sưu tầm (Nguồn Tổng hợp)
2.2.4. Những con người mang khát vọng siêu việt.
Ngay từ những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích đến những truyện truyền kỳ trong văn học Việt Nam đã tồn tại hàng loạt những típ người mang phẩm chất siêu nhiên. Không khó để nhận thấy đằng sau các hình tượng ấy là ước mơ và khát vọng có được sức mạnh lớn lao để chinh phục tự nhiên của con người thời thượng cổ.
Đọc truyện kinh dị của Thái Bá Tân và Nguyễn Ngọc Ngạn ta như gặp lại những con người đó trong trang phục hiện đại. Trong sáng tác của hai nhà văn có cả một thế giới những con người tạm gọi là những con người mang khát vọng và sức mạnh siêu việt. Phẩm chất này được bộc lộ qua: một là: khả năng trở lại trần gian sau khi chết, hai là: sức mạnh để trừng trị cái Ác, và ba là: sự hóa thân.
Với phẩm chất thứ nhất, ta thấy, hầu như tất cả các nhân vật trong truyện kinh dị của Thái Bá Tân và Nguyễn Ngọc Ngạn đều có khả năng trở lại trần gian sau khi chết. Lý do mà các nhân vật trở lại thường đơn giản: họ bị đối xử bất công, bị chà đạp, hành hạ, bị giết chết một cách bí ẩn và bí mật. Người đời có thể không hiểu hết về cái chết tức tưởi, đau đớn của họ. Họ cũng không đợi đến lúc tội nhân xuống hỏa ngục để Diêm Vương trừng trị. Chính họ quay lại trần gian để tự mình đòi nợ.
Trở lại trần gian không chỉ để thanh toán nợ nần của kiếp sống, các nhân vật trong truyện kinh dị của Thái Bá Tân và Nguyễn Ngọc Ngạn còn ước mơ có được sức mạnh siêu việt để nhanh chóng loại bỏ cái ác, bênh vực cái thiện.
Với Thái Bá Tân, hàng loạt những con người mang khát vọng siêu việt, họ muốn phá bỏ rào cản ngang trái, oái oăm bấy lâu tồn tại như một tấm lưới sắt khổng lồ, khiến con người nhìn thấy trái ngang, oan ức mà không thể giải quyết. Chính những con người mang sức mạnh siêu nhiên đó đã giải quyết tận gốc, trả lại sự bình yên cho những nạn nhân bất hạnh. Với Bài ca buồn là sức mạnh đi xuyên qua hiện thực, từ cõi âm trở về cứu giúp người gặp nạn của người đàn ông đã chết vì bị chém đầu. Hiện tại là một con ma cụt đầu nhưng ông đã giúp đỡ Nụ trải qua cơn đói, rét, khủng hoảng nhất. Hay trong Đừng
đùa với ma, người đàn ông A Lẩu đã vùng dậy để đỡ đòn cho bố thằng Tí thoát chết. Ở Đổi đời là bài thuốc tiên dược của ông thầy lang giúp cho người
uống trẻ lại, người chết được sống tiếp cuộc sống ảo. Trong Tiểu Ái nhân vật người con gái cứ sống mãi trong cánh tay bị chặt, “đầu thai” trở về tiếp tục sống và yêu đương. Ở Người đàn bà trùm khăn đen đi lại trong cõi dương gian xin cá nuôi con sống qua ngày. Trong Hảo Nhạn, Bướm Trắng là những cô gái chết oan ức do chiến tranh vẫn trở về “đầu thai” sống tiếp kiếp người còn dang dở...
Những ước mơ, khát vọng sống tiếp, sống có ích và giải quyết công bằng những trái ngang trong cuộc đời còn được thể hiện rất sâu sắc trong truyện Nguyễn Ngọc Ngạn. Hàng loạt những con người nơi cõi âm đã bằng nhiều cách để bước qua chiếc lưới sắt khổng lồ luôn kìm hãm con người làm sáng tỏ công lý và sự thật trái ngang ở đời.
Ở Tiếng quạ réo vong hồn với cái chết đầy bí ẩn của Trinh, không ai có thể kịp thời bằng chính Trinh tự báo mộng cho người thân của mình. Khi xác cô bị nhét vào bồn cầu là lúc cô phải thông báo cho gia đình ngay, bởi ngay ngày hôm sau chồng Trinh đã mang xi măng về với ý định xây bịt nắp bồn cầu, ngăn không cho ai có thể phát hiện được tội ác của hắn. Việc làm của Trinh rất phù hợp và kịp thời trong hoàn cảnh đó. Hay trong truyện Bóng ma bên cửa từ việc bà Cảnh lần lượt khiến các con bà phải khiếp sợ, rồi đến cái chết của Huân, tiếp theo dự báo cái chết của Tạo là một màn xử án đầy công phu, rùng rợn, kỳ bí. Nhân vật bà Cảnh là một điển hình cho những màn xử án nơi cõi âm. Người cõi âm thực sự công bằng khi đối xử, luôn kịp thời và công minh chính trực. Hay trong truyện Cõi âm đã xảy ra cái chết oan ức của Hà. Sau khi chết cô đã làm sáng tỏ sự thật về hình ảnh của Giang – người tình mới của chồng mình, thực chất chỉ là một con ma cụt đầu. Hàng loạt những hành động dọa nạt Quán, đồng thời đưa Quán khám phá ra sự thật đủ để Quán rùng rợn mà khiếp vía. Ở Đêm không trăng, Đắc và Xuân đã sử dụng sức mạnh của người cõi âm bước qua màn đêm, trở về cùng gia đình bắt kẻ sát
nhân phải trả giá. Hay Hồn về trong gió, cô Tuyết đã vận dụng sức mạnh đi mây về gió để dọa nạt ông Đào Ngọc Phú, đồng thời đòi ông phải trả lại sự công bằng cho mẹ con cô. Ở Bóng người dưới trăng là hình ảnh hai đứa con ông Chánh tổng Hoán cũng lợi dụng sức mạnh vượt tường, vượt cửa trở về đòi lại công lý cho hai chị em.
Tóm lại, sức mạnh của những con người nơi cõi âm là siêu phàm, đầy kỳ diệu. Chính sức mạnh đó đã khiến họ chiến thắng tất cả những nỗi oan khiên, ngang trái ở đời, lấy lại sự công bằng, chính nghĩa cho con người, phá tan bức màn lưới sắt khổng lồ mà con người nơi dương gian không phá vỡ được. Họ đi mây về gió, phóng hỏa, giết người, dọa nạt, minh oan... Mục đích cuối cùng là đòi công lý, lấy lại công bằng cho những người bất hạnh.
Chương III