Những nhân vật mang số phận oan khuất, bi kịch:

Một phần của tài liệu TRUYỆN KINH DỊ TRONG VĂN XUÔI ĐƯƠNG ĐẠI VIÊT NAM VÀ TRUYỆN NGẮN CÓ YẾU TỐ KINH DỊ CỦA THÁI BÁ TÂN, NGUYỄN NGỌC NGẠN (Trang 61)

11 Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn về những tác phẩm văn học của ông trên: Radio Free Asia (2007) 12 Chat247.vn, Kwon Sang sưu tầm (Nguồn Tổng hợp)

2.2.2. Những nhân vật mang số phận oan khuất, bi kịch:

Trong tiểu thể loại truyện kinh dị có cả một thế giới các nhân vật mang số phận oan khuất, bi kịch. Ở truyện của Thái Bá Tân nhóm các nhân vật mang số phận oan khuất, bi kịch thường hướng vào một số kiểu người: người phụ nữ xinh đẹp, nghèo khổ, bất hạnh; những đứa trẻ mồ côi, bị đày đọa bỏ rơi; những kiếp sống bị rơi vào đường cùng phải tìm mọi cách để kiếm kế sinh nhai... Hầu hết đó là các nhân vật được nhà văn xây dựng dựa trên hiện thực đời sống đầy bất công, ngang trái.

Trong đời sống xã hội Á Đông ta nhận thấy, người phụ nữ luôn là người chịu nhiều bất hạnh nhất. Dựa vào văn hóa, phong tục, tập quán của con người phương Đông, nhà văn đã lách ngòi bút của mình đến những số phận đầy oan khuất, bi kịch để đi sâu vào phân tích, lý giải về những nỗi oan, sự bất hạnh mà cuộc đời đã đem đến cho họ... Người phụ nữ trong thời kỳ bom đạn trong truyện kinh dị được nhà văn khắc họa là những cô gái đi vào chiến trận, tham gia chiến đấu và đổ máu hy sinh như bất cứ người đàn ông nào. Ngồi để ngẫm nghĩ nhà văn cho rằng: người phụ nữ là người chịu nhiều

bất hạnh, đau khổ nhất. Chính vì thế, thế giới nhân vật nữ được nhà văn khám

phá cũng hết sức sâu sắc, cụ thể, chị tiết.

Số phận của Bạch Điệp trong truyện Bướm trắng là một cô gái khá xinh đẹp, có nước da trắng, nhí nhảnh như con bướm. Chiến tranh ác liệt khiến cô phải tham gia chiến đấu trong vai trò của những cô gái giao liên, làm nhiệm vụ dẫn đường cho các chiến sĩ lái xe qua đoạn đường nguy hiểm. Chiến tranh như con rắn độc đã cướp đi sinh mạng, cuộc đời cô khi còn ở độ tuổi sôi nổi và xung mãn nhất. Chiến tranh cũng cướp đi Hảo Nhạn – một cô gái đang đắm chìm trong tình yêu của thanh niên thời chiến. Truyện Hảo Nhạn càng khiến cho độc giả phải xót thương cho thân phận những cô gái sống và nhiệt huyết trong tình yêu. Chiến tranh không chỉ cướp đi người phụ nữ ấy mà còn tàn nhẫn cướp đi cả đứa con chưa ra đời, giọt máu, kết quả tình yêu mà cô đang mang trong mình. Ở Ma quỷ trong lòng ta người phụ nữ còn đẻ rơi con trước khi chết tại nghĩa địa để rồi phải hiện hồn về nhờ vị sư già và ni-cô nuôi giúp. Ngày ấy đất nước bước vào những năm đầu Mỹ mở rộng chiến tranh ra Miền Bắc, người phụ nữ bị máy bay mỹ giết khi đang mang bầu và rồi cũng may mắn đứa trẻ còn được sống và lớn lên trong chùa Dền. Những người đàn bà trong truyện Người đàn bà trùm khăn đen còn phải gánh chịu bi kịch của cuộc sống nghèo khổ, đói rách. Người đàn bà với tư cách nhân vật ma chết

khi chưa đầy ba mươi tuổi, để lại đứa con gái bé nhỏ mới chỉ năm tuổi. Nỗi bi kịch của cuộc sống nghèo khổ, đứa con bé nhỏ không ai nuôi dưỡng nên người đàn ba hàng ngày phải hiện về đi xin cá lão Mục về thả trong vũng nước gần nhà để đứa con ra mò về ăn. Chuyện còn bi thảm hơn khi người bà đã già, thêm què quặt, phải xin ăn từng miếng cơm. Vậy mà phải nuôi thêm đứa cháu nheo nhóc.

Truyện còn xót xa, ai oán hơn khi người phụ được mô tả trong truyện

Tiểu Ái. Tiểu Ái là tên của cô gái xinh đẹp, thuộc dòng dõi quyền quý, là tì

thiếp yêu của Thái Tử Đan nước Yên. Mặc dù vậy, cô cũng không tránh khỏi sự quyền uy và thế lực của con vua. Cô đàn rất hay, lại có đôi tay đẹp nên Thái Tử đã dùng quyền lực chặt đứt đôi tay nàng đem dâng hiến lên Kinh Kha để mua chuộc người. Sự sống của nàng tiếp diễn khi nàng phải tái sinh làm người. Cuộc sống phải trải qua biết bao biến cố nổi trôi. Nàng phải chấp nhận sống ngoại tình với M., phá vỡ hạnh phúc gia đình M.. Đôi khi còn sinh lòng ghen tuông và phá hoại cuộc sống của vợ M. Không thể tiếp tục được nữa, nàng lại được chuyển sang sống với người đàn ông khác là H.. Rất may H. là người đàn ông chưa vợ nên kể từ đây Tiểu Ái đã có cuộc sống yên ổn. Có thể nói, những người phụ nữ từ xưa đến nay thường phải chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi nhưng người phụ nữ đẹp càng “Hồng nhan bạc mệnh”...

Ngòi bút nhà văn còn hướng đến những đứa trẻ với những hiện thực đời sống đầy éo le, ngang trái, bị đọa đày, bỏ rơi, sống vất vưởng mồ côi, không nhà cửa, bị hoàn cảnh đưa đẩy... Đặt trọng tâm vào trẻ thơ là một lựa chọn đầy nhân đạo, bao dung độ lượng, rất con người của nhà văn. Xã hội chúng ta là một xã hội còn nhiều thiết sót, oan uổng, quyền lợi con người đôi khi chưa thực sự được đáp ứng tốt, đặc biệt đối với trẻ em. Chính vì vậy, khi miêu tả những cảnh đời đầy xót xa, cay đắng của trẻ thơ, nhà văn đặc biệt quan tâm đến những số phận hẩm hiu, kém may mắn trong cuộc đời.

Trong tác phẩm Đổi đời nhà văn đã xây dựng được hình ảnh nhân vật cái Tý, xuất thân là con bé nhà quê chân đất, ra thành phố làm ôsin để kiếm sống. Bản chất nó là một đứa trẻ thông minh, chân chất, tự bản thân nó nhận ra nó là đứa rất xinh: “Nó xinh! Trời ơi, phải nói là rất xinh! Ông trời bắt đói

ăn, làm lụng vất vả từ bé, nay bù lại, ban cho nó một ngoại hình có thể gọi tuyệt mỹ, lại được hoàn thiện thêm nhờ một năm làm đàn bà và ăn ngon... Người nó cao, tròn lẳn, với những đường cong thật khêu gợi; da trắng hồng, khuôn mặt xinh đẹp và thật dễ thương với vẻ thơ ngây hiếm có, thậm chí cả vẻ có học, gia giáo kiểu con nhà lành.” [3; 387]. Cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn đẩy nó xô vào đời. Nó sống trong một môi trường mà xung quanh có biết bao thứ cám dỗ của đồng tiền. Bản chất thành phố là nơi có cuộc sống bề bộn, phức tạp, choáng ngợp bởi tiện nghi... Nơi đó con người ta âm mưu, tính toán, kiếm tiền bằng bất cứ thủ đoạn nào. Đó là một môi trường khác xa với nơi mà cái Tý đã sống. Cái Tý đang từ cuộc sống mà nó chỉ biết đến đồng tiền ở mức độ rất nhỏ, với cách sống rất khiêm tốn. Nó nghĩ: nếu chẳng may bị chửa hoang như ở quê “thì được hai mét vải lụa đã mừng rơn. Không khéo còn bị

đánh, bắt đi nạo.” [3; 387]. Vậy mà cuộc sống nơi thành phố thật lạ, nó giả bộ có thai để lấy năm triệu của ông chủ một cách dễ dàng. Sự chuyển đổi môi trường sống với biết bao thứ mới mẻ đập mạnh vào giác quan nó, khiến nó không thể không tò mò, khám phá. Đặc biệt ở lứa tuổi mới lớn (mười sáu tuổi) như con Tý thì một môi trường rộng mở như thành phố sẽ là nơi dạy cho nó cách làm người. Nó làm ôsin cho một gia đình khá giả. Ông chủ là người trả lương và sử dụng nó trong các cuộc mây mưa của mình. Ở thành phố những người đàn ông ở độ tuổi xế bóng, giàu có hay chọn cho mình cách sống hưởng thụ, có khi đến mức sành điệu (nhân vật Long Mỡ trong truyện

Sành điệu của Thái Bá Tân). Từ một con bé nhà quê nó được tham gia vào

phải nghĩ, kiếm tiền thật dễ dàng. Đó là nơi thuận lợi để nó thay đổi ông chủ như thay áo. Rồi điều gì đến đã đến. Số phận đưa đẩy nó gặp ông Lương – một người đàn ông đã chết vì bệnh tật, đang cố sống một cuộc sống ảo nhờ những thang thuốc kỳ lạ của lão thầy lang. Cuộc đời đã bắt đầu khiến nó phải trả giá, sống với ma, mang nợ với chủ và chuyển sang một kiếp sống khác: “Sau đấy nghe nói nàng ốm một trận phải vào viện nằm cả năm trời chưa

khỏi. Có người bảo nàng hóa điên, xé quần áo, bôi đen mặt đi giữa phố... Có người lại bảo, điều này nghe có lý hơn cả, rằng mấy năm sau, khi thấy mình không còn trẻ, nàng đã tìm đến lão già kia mua thuốc, nhưng vì vô tình, cũng có thể cố ý, nàng uống quá liều nên lại biến thành Cái Tý tuổi mười sáu đúng như ngày nó lên thành phố làm ô-xin năm nào.” [3; 396]. Sang trang mới nàng lại đi làm ôsin, nhưng lần này làm cho một gia đình lao động. Môi trường không có cơ hội cho nàng hư hỏng, nàng trở nên đoan trang, thành đạt. Ta thấy, chính xã hội đã đẩy nó đi vào con đường tội lỗi, rồi lại chính nơi đây dạy nó cách sống làm người.

Đối với cái Tý trong Đổi đời còn là sự may mắn gấp nhiều lần cái Nụ. Ở truyện Bài ca buồn với nhân vật bé Nụ. Cái tên không biết do ai đặt, mồ côi ngay từ khi lọt lòng mẹ, người mẹ băng huyết ngay sau khi sinh nó, không biết cha là ai, sống với bà ngoại bị hen xuyễn. Ngay từ khi sinh ra nó đã phải khóc rất nhiều: “Khóc vì thiếu sữa mẹ, vì bị bà đánh (không do ác, mà vì khổ

quá thành cáu bẳn đến lú lẫn), vì đói ăn” [3; 656]. Năm lên mười tuổi, bà chết để lại mình nó bơ vơ, một người bà con xa mà nó gọi là ông trẻ ở làng bên nhận nó về nuôi. Ở đây nó còn phải khóc nhiều hơn nữa “vì bị ông trẻ thường xuyên đánh đập, thường xuyên bỏ đói” [3; 656]. Cho đến khi lên mười lăm ”thì bị hắn thường xuyên cưỡng hiếp” [3; 656]. Đứa trẻ tội nghiệp bỏ nhà lên thành phố “không nơi nương tựa nhưng nó còn biết đi đâu ngoài

chốn phồn hoa đô thị có biết bao “đường mòn dẫn vào chiếc bẫy luôn giăng

sẵn chờ những đứa con gái nông thôn cùng cảnh ngộ.” [3; 657] như nó: “Lúc

đầu nằm vật vạ ở bến xe, ga tàu, ăn xin, ăn cắp, rồi rửa bát, bế em đâu đó, rồi bị bà chủ đánh, ông chủ hiếp, rồi khi lớn hơn và thạo đời hơn chút ít thì ra đứng đường làm gái điếm với tâm hồn và cái mặt còn ngây thơ nhưng phải làm bộ cong cớn, mỏ đỏ, mắt xanh, thỉnh thoảng còn phì phèo điếu thuốc để rồi ôm họng ho rũ rượi.” [3; 657]. Vậy là cuộc sống thành phố đã tạo cho nó

“phải hát tiếp bài ca cuộc đời bằng tiếng khóc, lúc tức tưởi, lúc âm thầm chua xót.” [3; 657]. Hay ở truyện Mất ngủ là cái chết đầy oan ức của bé Hồng do sự sơ ý của người lớn mà phải đau đớn, oan ức...

Hoàn cảnh những con người có cuộc sống nghèo đói, bế tắc không lối thoát nơi vùng quê được nhà văn khắc họa đầy thương tâm, xót xa. Nhân vật Hắn (bố thằng Tí) trong truyện Đừng đùa với ma được nhà văn lấy bối cảnh là một vùng quê nghèo đói, khốn khổ, con người phải tìm mọi cách để kiếm kế sinh nhai. Hắn làm nghề lái xe ôm chở xác chết tại các bệnh viện. Hoàn cảnh buộc Hắn phải chấp nhận bất cứ công việc gì, miễn sao có tiền để sống:

“Toàn bộ con người hắn toát lên sự chán chường, mệt mỏi, vì đói ăn, đói ngủ và đói việc. Nhất là đói việc. Hắn cầm khúc sắn luộc vợ đưa cho, vừa ăn vừa đẩy chiếc Minkhơ.” [3; 675]. Sống giữa cuộc đời bế tắc, đói nghèo nên Hắn lúc nào cũng phải cố gắng công việc của mình, dù khó khăn, gian khổ. Mặc dù vậy, xã hội có biết bao loại người: Hiền – dữ, xấu – tốt, độc ác và ngay thẳng lẫn lộn. Một ngày kia trên đường đời đã có những kẻ mang tâm địa giết hại hắn. Điều đó khiến một con người bình thường, chân chính như Hắn không bao giờ lường trước được số phận. Chỉ một chút nữa hắn bị kẻ sát nhân giết hại, và biết đâu Hắn đã về với thế giới âm ti rồi.

Ngoài ra nhà văn còn xây dựng một số hình ảnh những con người đầy nỗi oan khiên, không may với những lý do không thể ngờ tới. Ở Nguyễn Ngọc Ngạn,

con người mà nhà văn khai thác, thể hiện phong phú, đa dạng. ngòi bút nhà văn hướng vào đầy đủ các kiểu người trong xã hôi, từ người lao động nghèo khổ chịu nhiều bất hạnh, oan khuất; đến những con người thuộc tầng lớp thống trị hách dịch, tàn nhẫn... Tất cả được nhà văn mô tả rất tỉ mỉ, chi tiết.

Nhân vật là những số phận đầy oan khuất, bi kịch trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Ngạn. Cũng giống như Thái bá Tân, đầu tiên phải kể đến những người phụ nữ là vợ, là mẹ, là người tình trong mỗi gia đình và ngoài xã hội. Đến Nguyễn Ngọc Ngạn, độc giả lại một lần nữa được chứng kiến số phận những người phụ nữ phải chịu biết bao đắng cay, tủi cực. Họ hy sinh tất cả về gia đình, chồng con và luôn mang trong mình những phẩm giá cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam “công, dung, ngôn, hạnh”, nhưng số phận họ thì ra sao? Họ sẽ đi về đâu?

Có lẽ khắc sâu, nổi bật nhất phải kể đến tác phẩm Cõi âm trong chuỗi những truyện về hình ảnh người phụ nữ của nhà văn. Trong truyện nhà văn đề cập đến mẫu người phụ nữ chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, yêu chồng và cung phụng chồng hết mực. Có thể nói Hà là một người vợ đảm đang, thương yêu chồng, lo lắng cho gia đình hết mực nhưng lại gặp phải bất hạnh trời định: Hà hiếm muộn “về ở với Quán đã sáu năm vẫn không sinh nở. Hà

đi khắp các ngôi chùa nổi tiếng trong tỉnh, dâng lễ cầu tự liên tiếp mà chẳng có kết quả gì. Thuốc Bắc, thuốc Nam, cái gì Hà cũng thử nhưng vẫn vô hiệu.”

[audio 2; 05]. Hà vốn có lòng nhân hậu, thương người. Một hôm cô đi bán hàng chợ phiên thì gặp Giang – một cô gái bất hạnh, bị cướp vào nhà giết hại cả gia đình. Giang còn trẻ thấy cảnh ngang trái mà sợ hãi. Giang bị giết chết mà hồn vía sợ hãi bỏ chạy ra tận chợ chỗ Hà, hóa kiếp thành người lang thang nơi chợ búa. Hà gặp Giang đáng thương nên từ bi độ lượng, ra tay cứu giúp và đưa về chung sống cùng hai vợ chồng một thời gian. Càng ở lâu với vợ chồng Hà thấy Giang càng ngoan ngoãn, chăm chỉ làm việc, thức khuya dậy

sớm, xinh đẹp nết na. Thấy vậy, Hà đặc biệt tin tưởng và cảm thấy hãnh diện khi có Giang trong nhà. Nhưng thế giới dục vọng, âm mưu và tội ác nơi con người thì không mấy ai đoán định trước. Được một thời gian Quán sinh lòng ham mê sắc dục, âm mưu chiếm đoạt Giang, có ý nghĩ bỏ hẳn Hà để lấy Giang để được sống thoải mái. Không chỉ nén nút quan hệ với Giang, Quán còn sinh lòng tính toán: “Từ mấy tháng nay, Quán đã rạo rực tơ tưởng quá

nhiều đến Giang hằng đêm, khi nằm bên Hà. Gã tưởng tượng chỉ cần ngủ với Giang một lần, Giang sẽ sinh cho gã đứa con trai mà gã mong đợi hơn sáu năm nay.” [audio 2; 19]. Mọi chuyện rồi cũng bại lộ: “Cho đến một hôm trời

xui đất khiến, cuộc tình vụng trộm không còn giấu được nữa... như một quy luật ở đời, sự quanh co khuất tất nào, dù khéo che đậy đến đâu, thì sớm muộn cũng phải lộ ra.” [audio 2; 24], nhưng rồi Hà vẫn bao dung, độ lượng thứ tha

cho hai người. Cuộc sống trở lại bình thường, ba người lại sống với nhau:

“như Thúc Sinh và Thúy Kiều ở chung nhà cùng Hoạn Thư, ra vào thấy nhau mà vẫn cách xa diệu vợi”, hàng xóm láng giềng không mảy may ai biết

chuyện gì. Là con người dù ở thời đại xã hội nào thì những ham muốn, “ẩn ức” dục vọng luôn là con quỷ dữ chìm sâu trong tiềm thức, suy nghĩ của họ.

Một phần của tài liệu TRUYỆN KINH DỊ TRONG VĂN XUÔI ĐƯƠNG ĐẠI VIÊT NAM VÀ TRUYỆN NGẮN CÓ YẾU TỐ KINH DỊ CỦA THÁI BÁ TÂN, NGUYỄN NGỌC NGẠN (Trang 61)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(140 trang)
w