14 Ma với tư cách là nhân vật văn học, Ngô Tự Lập.
3.4.2. Ngôn ngữ người trần thuật:
Giáo trình của V.V Vinogradov giải thích khái niệm người trần thuật như sau: “Người trần thuật là một nhân vật hư cấu hoặc có thật, mà văn bản
tự sự do hành vi ngôn ngữ của anh ta tạo thành. Trong khi kể chuyện, người kể chuyện là một người sống động (...) trong tác phẩm trần thuật mang tính chất văn học thì người trần thuật (...) bị trừu tượng hóa đi, trở thành một nhân vật hoặc ẩn hoặc hiện trong tác phẩm tự sự (...) Trong trần thuật viết mang tính chất văn học, tư cách của người trần thuật là kết quả của hành vi trần thuật của chính mình, là sản phẩm của bản thân hành vi của mình, là một người trần thuật được trần thuật ra (...) Có thể chia ra làm người trần thuật lộ diện và người trần thuật ẩn tàng, hoặc có thể chia thành người trần thuật “tham gia vào truyện” hoặc người trần thuật “bàng quang”, đứng ngoài. Người trần thuật nói chung thực hiện năm chức năng: 1) chức năng kể chuyện, trần thuật; 2) chức năng truyền đạt, đóng vai một yếu tố của tổ chức tự sự; 3) chức năng chỉ dẫn, thuộc phương pháp trần thuật; 4) chức năng bình luận; 5) chức năng nhân vật hóa” [45, 221-222].
Trong tác phẩm tự sự, người kể chuyện rất đa dạng, có khi chính tác giả đóng vai trò là người trần thuật ngôi thứ nhất (xưng “tôi”) tự truyện, có khi nhân vật tự xưng “tôi” kể về mình, có khi người kể chuyện không xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm (người kể chuyện hàm ẩn), không thuộc về thế giới được mô tả trong truyện mà đứng ngoài quan sát và kể lại chuyện của các nhân vật.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng: “Ở những tác phẩm văn học
người kể chuyện, tức là toàn bộ văn bản tác phẩm tự sự, ngoại trừ các lời nói trực tiếp của các nhân vật”.
Trong tác phẩm văn học, trần thuật có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt câu chuyện đi đúng hướng. Khi đó, ngôn ngữ trần thuật là phương diện cơ bản để bộc lộ chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, nêu bật lên tính cách nhân vật.
Ngôn ngữ trần thuật luôn gắn với người kể chuyện cũng như điểm nhìn trần thuật. Chủ thể trần thuật có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong thần thoại, cổ tích, câu chuyện thường được kể dưới dạng “vô nhân xưng”, người kể thường ít để lại dấu vết riêng của mình. Dần dần, người kể chuyện xuất hiện với tư cách cá thể. Đặc biệt từ truyện kinh dị trở về sau, tiếng nói của người kể chuyện đóng vai trò quan trọng trong tổ chức tác phẩm của nhà văn. Nó thể hiện rõ phong cách nghệ thuật cũng như quan niệm của nhà văn ấy.
Khảo sát truyện kinh dị của Thái Bá Tân và Nguyễn Ngọc Ngạn, có thể thấy người kể chuyện xuất hiện khá linh hoạt. Có khi không để lại dấu vết (vô nhân xưng), có khi xuất hiện ở ngôi thứ nhất hay vai trò người kể chuyện được giao cho một nhân vật trong truyện. Khi đó, như một tất yếu, ngôn ngữ người trần thuật cũng biến đổi đa dạng. Tìm hiểu ngôn ngữ trần thuật, thực chất là tìm hiểu ngôn ngữ người kể chuyện.
Ở đây, Thái Bá Tân và Nguyễn Ngọc Ngạn có những sáng tạo riêng trong vai trò người trần thuật. Nếu như Thái Bá Tân thường sử dụng ngôi thứ nhất thì Nguyễn Ngọc Ngạn kết hợp cả ngôi thứ nhất lẫn các hình thức nhập vai khác. Dễ dàng nhận thấy Thái Bá Tân gần với lối kể chuyện truyền thống khi để cho người trần thuật nắm vai trò chủ đạo, dẫn dắt câu chuyện nhằm hướng tới một vấn đề nào đó của đời sống giúp người đọc tiếp cận một giá trị nào đó của nhân sinh hay một ý nghĩa mang màu sắc triết lý về đời sống. Nguyễn Ngọc Ngạn sống ở nước ngoài, hoạt động trong môi trường nghệ
thuật mới chúng tôi tạm gọi là: trần thuật đa phương tiện. “Văn bản” trần thuật của Nguyễn Ngọc Ngạn xuất hiện dưới dạng băng đĩa audio. Bởi vậy, người trần thuật trước hết phải thể hiện qua giọng đọc, cách đọc, đồng thời mượn các phương tiện kỹ thuật sân khấu: âm nhạc, tiếng động và các hình thức khác. Hình thức trần thuật độc đáo này ở Nguyễn Ngọc Ngạn gần như đã trở thành một hiện tượng duy nhất mang nhãn hiệu (made in Nguyễn Ngọc Ngạn), không thấy ai lặp lại. Cũng có thể nói, hình thức trần thuật Nguyễn Ngọc Ngạn nằm giữa văn chương và điện ảnh. Thực chất trước khi trình diễn cho người nghe câu chuyện, văn bản của Nguyễn Ngọc Ngạn chỉ là những kịch bản. Nó được “làm đầy” thêm nhờ sự tương tác, hỗ trợ của các phương tiện khác. Văn bản hoàn chỉnh mà người trần thuật Nguyễn Ngọc Ngạn mang đến cho người nghe là một văn bản đa ngôn ngữ (ngôn ngữ văn học, ngôn ngữ hoàn cảnh và cả ngôn ngữ sân khấu). Nếu như người trần thuật trong sáng tác của Thái Bá Tân đơn thuần là một cây bút văn xuôi thì người trần thuật trong các băng đĩa audio của Nguyễn Ngọc Ngạn thường xuất hiện dưới hình thức vừa là một nhà văn vừa là một đạo diễn.