Các yêu tố ảnh hưởng đến giáo dục đạo đức

Một phần của tài liệu Quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh ở trường trung học phổ thông ngoài công lập trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh (Trang 32)

10. Cấu trúc của luận văn

1.4.3.Các yêu tố ảnh hưởng đến giáo dục đạo đức

1.4.3.1. Yếu tố xã hội

Xã hội có tác động không nhỏ đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Tác động của cơ chế thị trường tạo ra sự phân cực rất lớn đối với học sinh; tác động của lối sống coi trọng vật chất, ham hưởng thụ hơn tính nhân văn. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, học sinh có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội nên nhìn chung học sinh ngày nay phát triển nhanh về nhiều mặt và có những biểu hiện rất phong phú về mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở đây chính là kinh nghiệm, vốn sống và khả năng phân biệt bản chất các vấn đề xã hội của trẻ còn rất hạn chế. Chính vì thế mà chỉ

với những hiểu biết bề nổi, trẻ tưởng rằng mình đã là người lớn thực thụ nên tự quyết định những vấn đề của bản thân mà xem nhẹ những lời khuyên của cha mẹ, của thầy cô, của người lớn. Từ đó dẫn đến những biểu hiện lệch lạc về chuẩn mực đạo đức.

Bên cạnh đó, những biểu hiện tiêu cực trong xã hội, trong cộng đồng dân cư mà trẻ tiếp xúc là những tấm gương phản diện với những gì mà cha mẹ và nhà trường giáo dục cho nên gây khó khăn cho quá trình giáo dục đạo đức học sinh, làm giảm niềm tin của học sinh vào những chuẩn mực đạo đức mà thầy cô và gia đình giáo dục các em.

Bởi vậy, tất cả các lực lượng giáo dục cần nắm bắt đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, những lý luận của đạo đức học để giáo dục, để quản lý học sinh có hiệu quả nhất theo các chuẩn mực đạo đức của xã hội.

1.4.3.2. Yếu tố gia đình

Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của đứa trẻ. Khi được sống trong một gia đình hạnh phúc, mọi người đều thương yêu quý mến nhau, giúp đỡ nhau trong công việc gia đình và xã hội, giữ đúng tư cách của mình trong gia đình chính là một nền tảng vững chắc để nhân cách mỗi đứa trẻ được hình thành và phát triển đúng hướng.

Trong mỗi gia đình, cha, mẹ là những người có vai trò trụ cột. Nhân cách đúng mực và sự quan tâm thoả đáng của cha mẹ là điều kiện, cơ sở quan trọng giúp học sinh THPT hình thành và phát triển hành vi đạo đức. Ngày nay trước nhu cầu, đòi hỏi của cuộc sống và ảnh hưởng không tích cực của những quan niệm sống mới, một bộ phận cha mẹ thường quá bận tâm với công việc, quá coi trọng đời sống vật chất, chạy theo tiện nghi, mải lo kiếm tiền, làm giàu….cho nên đã không có hoặc ít có thời gian, điều kiện, thậm chí không quan tâm đến giáo dục đạo đức, lối sống cho con cái. Đây chính là nguyên nhân tai hại để các em tự do thâm nhập vào các tệ nạn xã hội, buông thả mình dẫn đến sự sa sút, xói mòn về đạo đức, mất định hình về nhân cách, rồi từ đó đẩy các em vào những ngõ cụt.

1.4.3.3. Yếu tố nhà trường

Nhà trường là một tổ chức xã hội đặc thù với cấu trúc tổ chức chặt chẽ, có nhiệm vụ chuyên biệt là giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân đáp ứng được những yêu cầu của xã hội. Vị trí, uy tín và việc duy trì nề nếp, kỉ cương, tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục, bầu không khí sư phạm của nhà trường có ảnh hưởng không nhỏ dến sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.

* Đội ngũ giáo viên

Đội ngũ cán bộ giáo viên là một trong những chủ thể ảnh hưởng lớn đến đạo đức học sinh. Thầy cô giáo, đặc biệt là thầy cô chủ nhiệm cần nắm bắt được diễn biến tâm lí phức tạp cũng như kịp thời tư vấn, uốn nắn những hành vi đạo đức của học sinh tuổi mới lớn. Tấm gương về nhân cách, đạo đức và năng lực của thầy cô có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến ý thức và sự rèn luyện ý thức đạo đức của học sinh THPT. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số cán bộ quản lý, giáo viên thiếu gương mẫu trong đạo đức lối sống. Kinh nghiệm, nghệ thuật và phương pháp giáo dục học sinh của một số giáo viên chủ nhiệm cũng hạn chế. Sự phối hợp giữa các lực lượng giáo dục chưa thường xuyên và thống nhất… Điều đó đó làm ảnh hưởng lớn đến quá trình giáo dục đạo đức học sinh, làm giảm niềm tin của học sinh vào thầy cô và nhà trường.

Tóm lại, chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên quyết định chất lượng giáo dục đạo đức học sinh. Học sinh có thể không dễ dàng làm theo lời khuyên của giáo viên, mà các em lại dễ dàng làm theo cách giáo viên đang làm. Đối với công tác giáo dục đạo đức, chất lượng đội ngũ CNQL và GV thể hiện ở phẩm chất, đạo đức, năng lực công tác và hiệu quả công tác của mỗi CBQL và GV. Để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục học sinh, mỗi cán bộ giáo viên phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, về lối sống, về kiến thức và năng lực công tác, đồng thời phải tận tâm, tâm huyết với nghề nghiệp, nắm vững mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, có uy tín đối với học sinh, được học sinh mến phục, kính yêu. Thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng đội ngũ CBQL và GV là một trong những phương pháp nâng cao hiệu quả quản lý công tác giáo dục nói chung và công tác giáo dục đạo đức nói riêng.

* Bạn bè

Để đạt được sự độc lập, được thích nghi với cái mới, được chia sẻ và được khẳng định mình cũng như đáp ứng những nhu cầu về tình cảm và sự thay đổi của tâm sinh lý, thì thanh niên học sinh thường thích giao lưu với bạn bè và có nhu cầu về tình bạn khác giới. Bạn bè cùng lứa tuổi là những người có nhiều điểm chung về sở thích, quan niệm sống, tính cách... Họ có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau trong mọi mặt của đời sống.

Với học sinh THPT, quan hệ bạn bè là một trong những mối quan hệ chủ đạo, rất phong phú và phức tạp. Những ảnh hưởng của mối quan hệ bạn bè này đến đạo đức và sự phát triển nhân cách của học sinh có tính chất hai mặt rất rõ rệt. Có bạn, chọn được bạn tốt là điều kiện thuận lợi để các em học tập, rèn luyện và phát triển nhân cách cũng như đứng vững trước những tác động không tích cực của nhóm bạn xấu, những cám dỗ của tệ nạn xã hội.

* Hoạt động của Đoàn Thanh niên nhà trường

Đoàn Thanh niên là tổ chức mà chức năng quan trọng nhất là giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Do đó, Đoàn Thanh niên luôn giữ vai trò quan trọng trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Chất lượng hoạt động và giáo dục đạo đức cho Đoàn viên thanh niên có đạt kết quả cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ cán bộ Đoàn và nội dung, phương thức, hình thức tổ chức hoạt động. Do đó, hiệu trưởng phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

* Điều kiện cơ sở vật chất, tài chính của nhà trường

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học - giáo dục là phương tiện lao động sư phạm của các nhà giáo dục và học sinh. Nguồn lực tài chính dùng để mua sắm cơ sở vật chất thiết bị, huy động nguồn nhân lực tham gia các hoạt động giáo dục. Nếu thiếu kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học - giáo dục thì các hoạt động giáo dục trong nhà trường sẽ gặp nhiều khó khăn hoặc không thể thực hiện được. Thiết bị hiện đại phù hợp với thực tiễn sẽ góp phần nâng cao hiệu

quả các hoạt động giáo dục. Vì vậy, một trong những nội dung của việc quản lý công tác giáo dục đạo đức là phải có kế hoạch bố trí, sắp xếp, huy động các nguồn lực tài chính để tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ dạy học và giáo dục đạo đức cho học sinh.

1.4.3.4. Yếu tố tự rèn luyện, tự giáo dục của bản thân học sinh

Ở lứa tuổi THPT, sự phát triển ý thức đạo đức, lối sống, nếp sống có những diễn biến phức tạp và có nhiều biến động mạnh mẽ, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình định hình và phát triển nhân cách. Ở lứa tuổi này học sinh cũng rất dễ mắc phải những sai lầm trong nhận thức, hành vi và dễ có những suy nghĩ bồng bột, nông nổi nhất thời. Vì thế tự rèn luyện, tự giáo dục có vai trò rất quan trọng. Phải làm sao để các em không lừa dối, thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy cái dở, cái xấu, cái ác để tránh xa, đồng thời tu dưỡng, hình thành hành vi, thói quen đạo đức trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời sống hàng ngày cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, trong mọi mối quan hệ của bản thân.

Quá trình tự rèn luyện, tự giáo dục một cách thường xuyên, liên tục là động lực mạnh mẽ, giúp các em chuyển hóa những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức mà xã hội yêu cầu, mong muốn thành những phẩm chất bên trong, thành thói quen đạo đức và ngày càng làm cho nó phát triển.

Để biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục cần phải chú trọng phát triển đặc điểm tự ý thức, tự giáo dục của lứa tuổi học sinh THPT. Vì vậy cần phải thực hiện các biện pháp quản lý công tác giáo dục đạo đức chặt chẽ và khoa học. Các nhà quản lý và các nhà giáo dục phải xây dựng được chương trình giáo dục đạo đức phù hợp với trình độ nhận thức, tâm lý lứa tuổi, có sự chỉ đạo thống nhất đồng bộ, vận dụng linh hoạt các phương pháp giáo dục, phát huy khả năng tự giác, tự ý thức, tự giáo dục của học sinh một cách đúng đắn nhằm đạt mục tiêu giáo dục đạo đức trong nhà trường.

1.4.3.5. Mức độ xã hội hoá giáo dục trong trong lĩnh vực giáo dục đạo đức

Giáo dục đạo đức cho học sinh là quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của ba môi trường: gia đình, nhà trường, xã hội. Trong mối quan hệ đó, nhà trường phải giữ vai trò chủ đạo.

Thông qua an đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường chủ động tuyên truyền, giúp gia đbình nhận thức sâu sắc trách nhiệm, bổn phận của của phụ huynh trong việc phối hợp với nhà trường, với thầy cô giáo để giáo dục đạo đức cho học sinh. Đồng thời nhà trường cùng gia đình bàn bạc để thống nhất các biện pháp, hình thức tổ chức, sao cho phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình trong việc giáo dục học sinh nói chung, giáo dục đạo đức cho học sinh nói riêng. Nhà trường phải yêu cầu các bậc phụ huynh phải thường xuyên liên hệ với thầy cô giáo để kịp thời nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của con em mình. Đồng thời các bậc phụ huynh cần thông báo với nhà trường (qua giáo viên chủ nhiệm) tình hình học tập, rèn luyện của học sinh ở gia đình. Sự phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình sẽ giúp điều chỉnh kịp thời quá trình học tập, rèn luyện hành vi đạo đức cho học sinh.

Bên cạnh đó, nhà trường phải tích cực liên hệ với chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn để bàn bạc, phối hợp giáo dục đạo đức cho học sinh theo nội dung, yêu cầu của nhà trường. Không những thế, nhà trường cần liên hệ với các đoàn thể, tổ chức cho học sinh các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, văn hoá văn nghệ, lao động công ích... Qua những hoạt động thực tiễn đó thì ý thức đạo đức, tình cảm đạo đức, hành vi đạo đức của học sinh sẽ bộc lộ một cách cụ thể, điều này giúp cho việc giáo dục đạo đức cho học sinh của nhà trường sẽ diễn ra một cách chủ động động hơn. Và đây cũng là một trong những điều kiện tốt giúp nhà trường điều chỉnh phương pháp, cách thức tổ chức, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh.

Một phần của tài liệu Quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh ở trường trung học phổ thông ngoài công lập trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh (Trang 32)