Theo quy định của Luật cán bộ, công chức, phương pháp, nội dung đánh giá gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức. Vì vậy, tiêu chí, nội dung đánh giá sử dụng trong nội bộ cũng cần được nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh, đổi mới theo hướng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức. Để làm được điều này, cần phải thực hiện theo nguyên tắc cụ thể hóa tiêu chuẩn cho từng loại công việc, từng lĩnh vực, từng chức danh. Phải có hệ số khác nhau cho từng tiêu chí để xác định mức độ quan trọng của mỗi tiêu chí trong hệ thống các tiêu chí (trong đó có tính tới các tiêu chí ưu tiên). Những tiêu chí trừu tượng như phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cũng có thể được lượng hóa để đánh giá thông qua các biểu hiện về hành vi, đặc biệt là hiệu quả công việc.
Luật Cán bộ, công chức đã quy định 6 nội dung đánh giá công chức song để đánh giá được các nội dung trên nhất thiết cần có các bộ tiêu chí đánh giá nhằm cụ thể hóa nội dung theo quy định. Làm thế nào để xây dựng tiêu chí đánh giá sát thực với từng công chức, trong khi không thể có một bảng tiêu chí cụ thể áp dụng cho tất cả mọi công chức; đây là một thách thức lớn đối với những người làm công tác nhân sự hiện nay.
Nội dung của từng tiêu chí gắn với điểm số cụ thể thể hiện mức độ hoàn thành nhiệm vụ, công việc theo các mức phân loại công chức; giữa các tiêu chí và điểm số
trong cùng một nội dung đánh giá cũng cần có sự cách biệt, phân hóa để làm rõ kết quả đánh giá. Thông thường khi phân loại xuất sắc thường gắn với tiêu chí về thành tích nổi trội, nổi bật, có sáng kiến, cải tiến, tiến độ, cố gắng vượt bậc, gương mẫu, đi đầu, hiệu quả có tác động, lan tỏa trong trong phạm vi rộng ... nhằm có thể phân biệt với mức phân loại khác.
Giải quyết được vấn đề, các yếu tố như đã nêu trên thì việc đánh giá công chức sẽ trở nên cụ thế, sát thực với từng cá nhân công chức; hệ thống được số lượng, khối lượng công việc và thời gian làm việc của từng công chức; thống kê, rà soát, hình thành nên danh mục vị trí việc làm chuẩn của từng cơ quan đơn vị; khắc phục được tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ; làm rõ, chỉ ra được và tinh giản 30% cái gọi là tỉ lệ công chức làm việc không hiệu quả, giữ chỗ ăn lương, sáng vác ô đi, chiều vác ô về trong bộ máy nhà nước ta hiện nay; góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả làm việc, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đáp ứng yêu cầu của việc đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức theo Quyết định số 1557/QĐ- TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.