Công tác kiểm tra, đánh giá công chức

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức quản lý ngành chứng khoán Việt Nam (Trang 72)

Phải nói rằng đây là công tác rất quan trọng, tuy nhiên thực tế hiện nay công tác này không được quan tâm vì khó định lượng được bản chất vấn đề. Do đó, cũng như thực trạng chung của các Bộ, ngành, thực trạng chung của ngành tài chính, thực tế công tác này ở UBCKNN còn mang nặng tính hình thức, bình quân chủ nghĩa, không dựa trên hiệu quả công việc. Đó là một nội dung gây cản trở cho việc nâng cao năng lực đội ngũ công chức. Theo quy định hiện hành, công tác đánh giá công chức được thực hiện theo nhiệm kỳ và vào dịp cuối năm công tác. Tiêu chí đánh giá được xây dựng trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, tinh thần kỷ luật và đạo đức tác phong. Những yếu tố này khi mới nghe thì có vẻ rất ổn, nhưng trên thực tế nó được thiết kế không dựa trên các chỉ số đánh giá với mục đích phân loại, đánh giá, xác định tính hiệu lực, hiệu quả đúng mức độ hoàn thành công việc của một cá nhân người công chức. Sự lúng túng này tạo nên một sự bất hợp lý kéo dài trong nhiều năm với một thực tế là: người làm nhiều cũng như người làm ít, người tích cực và sáng tạo cũng như người cố hữu và lười biếng… Tự bản thân các công chức so sánh với nhau và tự tìm cho mình một định hướng không chỉ cho tương lai mà cho cả trong hành động thực thi công vụ. Hiện tượng đánh giá cuối năm mang tính hình thức, chung chung với mức độ đa phần là cảm tính, dựa trên sự bằng lòng với nhau

về mức độ hoàn thành công việc của cá nhân, của đơn vị, giữa lãnh đạo và công chức thực thi, thừa hành. Điều này kéo theo cả một hệ lụy là tất cả mọi người đều hoàn thành, hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thực tế và lý luận đều đã chứng minh một điều rằng: trong công việc nếu không có sự kiểm tra định kỳ về trình độ chuyên môn, kết quả công việc đã đạt được trong một khoảng thời gian nhất định mà chỉ dựa vào những báo cáo trên giấy tờ một cách quan liêu thì sẽ không bao giờ đánh giá chính xác về năng lực thực sự của công chức. Khi đánh giá không đúng với năng lực thực sự sẽ khiến cho công chức chủ quan, tự cho mình đã có đủ năng lực đảm nhiệm công việc không cần cố gắng thêm nữa, ngược lại nếu làm tốt công việc và đem lại nhiều lợi ích cho đơn vị mình. Nếu quan điểm, tiêu chí không rõ ràng, chưa gắn với chức trách nhiệm vụ và kết quả hoàn thành công việc của công chức, viên chức dẫn tới kết quả đánh giá không được chính xác.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức quản lý ngành chứng khoán Việt Nam (Trang 72)