Sau hơn 12 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần giải quyết nhu cầu về vốn của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thu hút đầu tư nước ngoài và từng bước xã hội hóa hoạt động đầu tư của công chúng. Tuy nhiên, là một thị trường mới hình thành, lại chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 và những khó khăn của nền kinh tế trong nước, TTCK Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết.
Từ đầu năm 2012, Chính phủ đã có những động thái tích cực trong việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và từng bước tái cấu trúc TTCK. Ngày 01/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trong đó đặt ra những mục tiêu để phát triển TTCK. Ngay sau đó Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị 08/CT - TTg ngày 02/3/2012 yêu cầu các đơn vị, các Bộ, ngành tăng cường công tác giám sát để thúc đẩy và tăng cường công tác quản lý, giám sát TTCK.
Trước đó, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án tái cấu trúc các CTCK (Ban hành kèm theo Quyết định số 62/QĐ-BTC ngày 10/01/2012). Có thể nói đây là những văn bản pháp lý quan trọng để các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện một số biện pháp để từng bước tái cấu trúc thị trường.
UBCKNN đã tăng cường giám sát thông qua việc thực hiện chế độ báo cáo hàng tuần, hàng tháng; kiểm tra thực tế và tăng cường chỉ đạo hai Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán giám sát đối với hoạt động của các công ty này. Sau gần một năm triển khai, UBCKNN đã đặt 11 CTCK vào
diện kiểm soát đặc biệt, 03 CTCK vào diện kiểm soát, đồng thời yêu cầu các công ty này xây dựng phương án, kế hoạch khắc phục.
Bên cạnh đó, UBCKNN cũng rút nghiệp vụ môi giới của 4 CTCK, nghiệp vụ tự doanh của 02 công ty, bảo lãnh phát hành của 01 công ty, đình chỉ hoạt động 03 công ty, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của 04 công ty. Trong tổng số 125 chi nhánh CTCK và 75 phòng giao dịch được cấp phép thành lập, thị trường đã thu gọn còn 105 chi nhánh (giảm 20 chi nhánh) và 64 phòng giao dịch (giảm 11 phòng giao dịch). Kết quả trên cho thấy, UBCKNN đã có những nỗ lực đáng kể trong việc sắp xếp, kiện toàn lại các CTCK, giải quyết những tồn đọng khi thị trường có quá nhiều CTCK so với quy mô của thị trường, gây khó khăn cho hoạt động của thị trường.
Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đề ra mục tiêu tái cấu trúc thị trường giao dịch theo hướng cả nước chỉ có một SGDCK và từng bước cổ phần hóa SGDCK để đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động, thuận tiện trong nâng cao năng lực quản trị và thu hút vốn từ các thành viên thị trường.
Trên thế giới, hiện có nhiều nước và vùng lãnh thổ chỉ có duy nhất một SGDCK. Các nước có quy mô thị trường lớn có thể có nhiều SGDCK nhưng mỗi Sở thường chuyên về một loại hàng hóa nhất định với cơ chế giao dịch khác biệt. Riêng SGDCK Thái Lan có tới 4 sàn giao dịch chuyên về 4 loại hàng hóa khác nhau. Đối với TTCK Việt Nam, với quy mô thị trường như hiện nay, việc tồn tại hai SGDCK với những hàng hóa, cơ chế giao dịch không có nhiều khác biệt có thể gây lãng phí nguồn nhân lực, chi phí cũng như cơ sở vật chất và hạn chế năng lực canh tranh trên thị trường quốc tế.
Việc sáp nhập hai Sở sẽ khắc phục được nhược điểm này và đây cũng là yêu cầu phù hợp với thông lệ quốc tế nhiều SGDCK tại nhiều nước đang thực hiện phương án sáp nhập. Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, sáp nhập hai Sở sẽ giúp nhà đầu tư tăng khả năng tiếp cận thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế. Có thể nói đây là một trong những công việc cấp bách để khắc phục những hạn chế của thị trường.
Các biện pháp tái cấu trúc TTCK, dù đã đạt được những kết quả nhất định, song thị trường vẫn còn nhiều tồn tại. Chỉ tính riêng trong năm 2012, có trên 50% trong tổng số 105 CTCK bị thua lỗ và 70% CTCK trong đó có lỗ lũy kế. Phương án sáp nhập hai SGDCK đã được đưa ra nhưng chúng ta vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai trên thực tế. Đồng thời thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn, khối lượng và giá trị giao dịch đạt thấp, chỉ số VN Index, HNX Index liên tục sụt giảm, nhiều công ty bị hủy niêm yết do thua lỗ.
Nhìn chung, việc triển khai tái cấu trúc TTCK là bước đi cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, ngoài Đề án tái cấu trúc CTCK, các giải pháp tái cấu trúc thị trường còn chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống. Rõ ràng, thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có một giải pháp tổng thể, vừa mang tính định hướng chiến lược, vừa phải xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện một cách hiệu quả.
Tình hình trên đây của TTCK Việt Nam rõ ràng có tác động lớn đến yêu cầu và phương hướng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức quản lý của ngành chứng khoán Việt Nam.
1.2.4.3. Bối cảnh kinh tế quốc tế
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 bao phủ toàn cầu làm cho bức tranh kinh tế thế giới nhuốm màu ảm đạm, ảnh hưởng tới mọi quốc gia, tới từng doanh nghiệp và cá nhân. Ngay từ cuối năm 2007 những dấu hiệu của khủng hoảng đã xuất hiện ở Mỹ, bắt đầu từ những bong bóng nhà đất gắn liền với các hoạt động cho vay dưới chuẩn đã khiến cho nhiều ngân hàng vướng vào các khoản nợ không có khả năng thanh toán. Sang tháng 3 năm 2008, nạn nhân khởi đầu là ngân hàng Bear Stearns. Thua lỗ, ngân hàng 85 tuổi này buộc phải bán mình cho JP Morgan với giá 10 USD/cổ phiếu, thấp hơn 10 lần mức giá niêm yết cách đó 10 năm. Tiếp sau đó, cơn bão tài chính gần như đã cuốn phăng hai đại gia cho vay lớn nhất Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac. Đến tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã chi 200 tỷ USD làm phao cứu sinh cho hai đơn vị này. Ngày 15/9, công ty tài chính khổng lồ Lehman Brothers gục ngã. Trước khi sụp đổ, tiền nợ ngân hàng và tỷ lệ vốn cổ phần là 30/1, cao gần gấp ba lần quy định luật pháp cho phép. Tháng 10/2008, khủng hoảng tín
dụng đã lan rộng ra toàn nước Mỹ. Với tính liên thông cao của hệ thống ngân hàng, tài chính, cuộc khủng hoảng này ngay lập tức ảnh hưởng nặng nề tới các nền kinh tế hùng mạnh ở châu Âu, châu Á như: Đức, Anh, Pháp, Nhật, Singapore v.v. Toàn bộ nền kinh tế thế giới bị đẩy vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng, hầu hết các nước đều có mức tăng trưởng âm. Thị trường chứng khoán toàn cầu mất gần một nửa giá trị so với năm liền trước với quy mô thiệt hại 28,7 nghìn tỷ USD. Cuộc khủng hoảng đã không chỉ dừng lại ở lĩnh vực tài chính mà đã trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra trên quy mô toàn cầu.
Nhiều quốc gia đã phải bơm vào nền kinh tế hàng trăm cho đến hàng nghìn tỉ USD để cứu vãn tình hình và ổn định kinh tế. Đó là chưa kể đến những thiệt hại tiếp theo từ kinh tế suy giảm, không tăng trưởng, rối loạn đang chờ phía trước. Cho đến nay, tác động lớn nhất của cuộc khủng hoảng này là làm thay đổi hoàn toàn và sâu sắc hệ thống kinh tế toàn cầu. Sự sụp đổ của những ngân hàng lớn đã gây nên những lo ngại và mất niềm tin của dân chúng. Ngay cả các quỹ đầu tư tiền tệ, vốn được coi là góc an toàn bậc nhất trong hệ thống tài chính Mỹ, là nền tảng cho hoạt động đầu tư của nước này, cũng gặp khó khăn khi người dân ồ ạt rút tiền do những quan ngại về sự đổ vỡ tiếp theo.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, biến động của kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng GDP của Việt Nam. Khi kinh tế toàn cầu suy giảm trong năm 2009, những thị trường xuất khẩu lớn của chúng ta như Mỹ, Nhật Bản, EU và một số khu vực có nguy cơ bị thu hẹp, đồng thời thu hút đầu tư, cả gián tiếp và trực tiếp của chúng ta cũng sẽ bị giảm sút. Kim ngạch xuất khẩu năm 2009 chỉ tăng 13%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2009 bằng 39,5% GDP, thấp hơn so với dự báo là 40% GDP. Nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn do tiêu thụ hàng hóa giảm và thiếu vốn đầu tư.
1.2.4.4. Chất lượng nguồn nhân lực chung của nền kinh tế.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự phát triển của đất nước nói chung và cũng có
ảnh hưởng đến việc tuyển dụng, quy hoạch và đào tạo đội ngũ công chức quản lý của ngành chứng khoán nói riêng.
Ở nước ta hiện nay chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém, hạn chế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến thời điểm hiện nay, dân số Việt Nam là 90 triệu người. Với lượng dân số này, hiện nay Việt Nam đang đứng thứ 13 trên thế giới về dân số và thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á. Về lực lượng lao động, cả nước có khoảng 53,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, chiếm 59% tổng dân số, trong đó lực lượng lao động của khu vực nông thôn chiếm 69,4%.
Tuy nhiên, số người trong độ tuổi lao động đông không có nghĩa là thị trường lao động Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp. Bởi số lao động có tay nghề, có chất lượng của nước ta đang còn rất hạn chế. Trong tổng số 53,1 triệu lao động chỉ có gần 8,7 triệu người đã được đào tạo, chiếm 16,3%. Sự chênh lệch về chất lương nguồn lao động được thể hiện rõ nhất là ở khu vực nông thôn và thành thị. Ở thành thị lao động đã được đào tạo chiếm trên 30,9%, trong khi ở nông thôn chỉ khoảng 9%. Sự chênh lệch này là quá lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế chung của nước. Trong khi đó, lượng lao động từ nông thôn đến thành thị tìm việc là rất lớn. Nhưng mục đích chính của những lao động này lên thành phố không phải để học nghề, học việc mà tham gia vào các công việc mang tính chất thời vụ, buôn bán hoặc làm những công việc không đòi hỏi kinh nghiệm, tay nghề.
Nguồn lao động dồi dào, tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta trong những năm gần đây liên tục tăng, nhưng các cơ quan, các doanh nghiệp vẫn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguyên nhân là do lao động Việt Nam chỉ mới đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chứ chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp và còn khiến cho người lao động tự làm mất cơ hội việc làm cho bản thân.
Hiện nay, cung lao động tại Việt Nam rất dồi dào và lớn hơn cầu về lao động. Tuy nhiên, phần lớn lượng cung lao động này là lao động phổ thông, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo cao và chất lượng lao động không đồng đều giữa các vùng, miền.
Cụ thể là gần 77% người lao động trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề, hoặc được đào tạo thì còn hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp và chất lượng lao động ở khu vực thành phố cao hơn so với ở khu vực nông thôn. Về mặt cầu, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay phần lớn được phân bổ trong khu vực nông nghiệp, nơi kỹ năng, tay nghề và trình độ của người lao động thường không cần ở mức độ cao. Lực lượng lao động đang làm việc trong khu vực công nghiệp chỉ chiếm 20% và đối với khu vực dịch vụ chỉ chiếm khoảng 26%.
Theo Bộ Lao động thương binh và xã hội thì hiện tại, chất lượng việc làm vẫn rất thấp. Cụ thể: việc làm giản đơn, không cần kỹ năng chiếm gần 40% tổng việc làm của cả nước. Ở khu vực thành thị tỷ lệ này là 18,1% nhưng khu vực nông thôn chiếm gần 50% tổng việc làm. Trong khi đó, so với những năm trước đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng cao tăng rất nhanh. Song, tỷ lệ lao động có chất lượng của chúng ta lại quá ít, không đủ để đáp ứng cho nhu cầu của nền kinh tế. Chính vì vậy, việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề vô cùng quan trọng hiện nay.
Như vậy, có thể thấy rằng chất lượng nguồn lao động của nước ta hiện nay đang còn rất thấp, trong khi nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề, chất lượng cao lại liên tục tăng. Điều này dẫn đến nguồn lao động của chúng ta dồi dào, nhu cầu việc làm lớn, nhưng các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng của nước ta hiện nay.
Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước cùng các cơ quan ban ngành đã đưa ra các giải pháp như: tích cực tổ chức các trường đào tạo ngắn hạn cho người lao động nhằm trau dồi, nâng cao kiến thức thực tế và kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời cần quan tâm tới việc chăm sóc cuộc sống của người lao động, tuyên truyền, khuyến khích, động viên người lao động có ý thức trong việc học tập, nâng cao kiến thức, tay nghề cho bản thân. Đây là vấn đề vừa giúp người lao động tìm được nhiều cơ hội việc làm cho chính mình, và dần khắc phục được tình trạng yếu kém trong chất lượng nguồn lao động của nước ta hiện nay.