Định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam

Một phần của tài liệu Phát triển hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ tại Việt Nam (Trang 71)

Có thể thấy, việc xây dựng TTCKPS nói chung và thị trường HĐTL trái phiếu Chính phủ nói riêng chính là một bước tiến lớn để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp tăng cường hiệu quả và chất lượng đầu tư, góp phần cải cách toàn diện nền kinh tế theo định hướng đổi mới của Đảng và Nhà Nước. Định hướng xây dựng và phát triển TTCKPS không phải đến thời điểm này mới được đề cập đến. Trước đó, tại Quyết định số 898/QĐ-BTC ngày 20/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành “Kế hoạch phát triển TTCK Việt Nam 2006-2010” có đề cập đến mục tiêu phát triển các loại sản phẩm mới trên thị trường đó là chứng khoán phái sinh: “Phát triển các hàng hóa khác trên TTCK bao gồm chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, các chứng khoán phái sinh”. Trong “Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg ngày 2/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, thì xây dựng và phát triển TTCKPS đã được khẳng định thông qua giải pháp dài hạn là: “Phát triển thị trường vốn theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh về cấu trúc (bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường các công cụ phái sinh, thị trường tập trung, thị trường phi tập trung…), vận hành theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, có khả năng liên kết với các thị trường khu vực và quốc tế”, cụ thể là

“Phát triển các loại CKPS như: quyền chọn mua, quyền chọn bán chứng khoán; hợp đồng tương lai; hợp đồng kỳ hạn; các sản phẩm liên kết (chứng khoán - bảo hiểm, chứng khoán - tín dụng, tiết kiệm - chứng khoán...); các sản phẩm từ chứng khoán hoá tài sản và các khoản nợ....”

Gần đây, trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ- TTg ngày 01/03/2012, trong nhóm giải pháp về tái cấu trúc tổ chức thị trường đã đưa ra chủ trương: “Tái cấu trúc mô hình tổ chức TTCK Việt Nam theo hướng (i) Tổ chức việc giao dịch chứng khoán theo hướng cả nước chỉ có một

SGDCK; (ii) Phân định các khu vực thị trường thành thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh;...”, cũng như để tăng cung hàng hóa cho thị trường cần: “xây dựng và phát triển TTCKPS được chuẩn hóa theo hướng phát triển các công cụ từ đơn giản đến phức tạp...”[10]. Chỉ thị 08 ngày 2/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK tiếp tục khẳng định lại chủ trương này. Chính phủ giao cho Bộ Tài chính: “Chỉ đạo phát triển một số sản phẩm mới của thị trường chứng khoán trên nguyên tắc thận trọng, đảm bảo hiệu quả và khả năng quản lý, giám sát, cụ thể: Nghiên cứu thực hiện thí điểm sản phẩm chứng chỉ lưu ký toàn cầu; nghiên cứu xây dựng TTCKPS theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011 – 2020”.

Như vậy, chủ trương, định hướng phát triển TTCKPS cho thấy, tầm quan trọng của thị trường này đã được Chính phủ, cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, UBCKNN nhìn nhận một cách đúng mực. Đây là một điều kiện tiền đề thuận lợi, “bệ phóng” quan trọng giúp cho HĐTL trái phiếu Chính phủ sớm được hình thành và có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Một phần của tài liệu Phát triển hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ tại Việt Nam (Trang 71)