1.3.2.1.Thị trường trái phiếu cơ sở phải có tính thanh khoản
Để phát triển TTCKPS, TTCK gốc cần phải có quy mô lớn, thanh khoản cao và đạt đến một mức độ phát triển nhất định để có thể làm tài sản gốc cho sản phẩm phái sinh cụ thể là cho phép diễn ra việc “hình thành giá hợp lý” (price discovery) cho sản phẩm phái sinh.
Do vậy, điều kiện đầu tiên để phát triển thị trường Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ là phải có tính thanh khoản ở thị trường trái phiếu cơ sở. Nếu thị trường trái phiếu cơ sở èo uột và kém phát triển thì sẽ không thể phát triển thị trường HĐTL trái phiếu chính phủ tập trung được. Ngược lại, thị trường trái phiếu cơ sở giao dịch sôi động sẽ làm nảy sinh nhu cầu phòng vệ rủi ro và nhu cầu kinh doanh chênh lệch giá, do đó, sẽ kích thích cho thị trường HĐTL trái phiếu chính phủ phát triển.
Tính thanh khoản ở đây theo nghĩa rộng bao gồm hai yếu tố: 1) Khối lượng và giá trị giao dịch đủ lớn để có thể tạo ra nhu cầu giao dịch phái sinh mang tính thị trường rộng rãi; và 2) Thanh khoản phải có tính biến động, tức là giá cả của trái phiếu gốc phải có biến động, trên cơ sở đó giá của HĐTL trái phiếu chính phủ mới có thể biến động và giao dịch được.
1.3.2.2.Nhu cầu cao về giao dịch sản phẩm HĐTL trái phiếu
Cần phải tồn tại nhu cầu cao về giao dịch sản phẩm HĐTL và nhu cầu này xuất phát từ nhiều bên tham gia. Nhu cầu về giao dịch tương lai nói chung xuất phát từ: những đơn vị sở hữu hàng hóa cơ sở với mong muốn hạn chế thiệt hại khi giá giảm; những đơn vị nhập hàng/tổ chức sản xuất cũng mong muốn rào chắn rủi ro giá thành tăng trong tương lai; các tổ chức, cá nhân mong muốn kinh doanh nhằm mục tiêu hưởng lợi nhuận chênh lệch từ các HĐTL. Vì thế, cần phải có nhu cầu thiết thực về việc sử dụng sản phẩm HĐTL và nhu cầu này phải có trước khi thị trường được xây dựng. Nếu như nhu cầu đối với các chứng khoán cơ sở không thiết thực, thì nhu cầu rào chắn rủi ro cho các chứng khoán cơ sở
cũng sẽ khó tồn tại, và vì thế nhu cầu cho HĐTL cho các chứng khoán cơ sở trên sẽ không có, thị trường HĐTL sẽ èo uột, kém phát triển.
1.3.2.3.Cơ sở nhà đầu tư tài chính rộng rãi
Một cơ sở nhà đầu tư tài chính đủ rộng là điều kiện không thể thiếu trong việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh phát triển. Trong một nền kinh tế, thông thường thì hoạt động ngân hàng phát triển trước hoạt động cổ phiếu, sau đó, mới có sự phát triển công cụ phái sinh. Điều đó nghĩa là trình độ phát triển của thị trường phải đạt đến một mức độ nhất định mới làm phát sinh nhu cầu giao dịch các công cụ chứng khoán phái sinh, trong đó có Hợp đồng tương lai. Cụ thể, số lượng, tiềm lực và đặc biệt là nhu cầu của các thành viên có thể tham gia vào thị trường giao dịch tương lai (chứng khoán phái sinh) sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của chính những thị trường này.
1.3.2.4.Các định chế trung gian hỗ trợ thị trường đầy đủ năng lực
Đặc trưng của sản phẩm phái sinh là tác dụng đòn bẩy, từ đó tạo ra các rủi ro thanh toán khó lường, có thể gây thiệt hại lớn và sụp đổ thị trường. Việc các định chế trung gian hoạt động tốt sẽ góp phần quản trị tốt các rủi ro thanh toán. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng hoạt động tốt sẽ giúp các dòng lưu chuyển vốn linh hoạt hơn, thúc đẩy nguồn vốn phân bổ vào thị trường phái sinh.
Các Tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Tên tiếng Anh: Credit rating agency, viết tắt: CRA) là những công ty chuyên xếp hạng tín nhiệm đối với các nhà phát hành nợ/chứng khoán, hoặc đối với bản thân các loại nợ/chứng khoán. Trong một số trường hợp, các nhà cung cấp dịch vụ dưới nợ cũng được xếp hạng. Trong hầu hết trường hợp, các nhà phát hành các loại chứng khoán là các công ty, các thực thể có mục đích đặc biệt, các chính quyền địa phương hoặc trung ương, các tổ chức phi lợi nhuận... (gọi chung là nhà phát hành nợ). Chức năng của các tổ chức CR là cung cấp các đánh giá và xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thâp đối với các loại trái phiếu khác nhau dựa trên nhiều tiêu chí, nhưng tựu trung lại là dựa trên khả năng thanh toán của tổ chức phát hành. Do vậy, các kết quả xếp hạng của CR sẽ ảnh hưởng lớn đến giá cả và lãi suất thị trường của
các trái phiếu. Trên thị trường tương lai, các trái phiếu gốc cần được xếp hạng và phân loại theo các mức độ rủi ro (lãi suất) khác nhau để phục vụ cho việc định giá và chuyển giao. Vì thế, để đảm bảo cho thị trường HĐTL trái phiếu chính phủ đi vào hoạt động một cách hiệu quả và phát huy đầy đủ chức năng của một thị trường, nhất thiết phải có sự đóng góp của các CR trên TTCK.
Vai trò của hệ thống nhà tạo lập thị trường trái phiếu (primary dealer- PD): Đây là một nhóm các tổ chức môi giới/tự doanh trái phiếu và không thể thiếu trong sự phát triển của thị trường TPCP. Trên thị trường sơ cấp, ngoài hình thức bảo lãnh hay phát hành riêng lẻ TPCP của một vài tổ chức, sự tham gia bắt buộc của các nhà tạo lập thị trường làm tăng tính hiệu quả cho thị trường qua hoạt động đấu thầu cạnh tranh. Trên thị trường thứ cấp, tính thanh khoản sẽ được tăng cường bởi các hoạt động niêm yết giá chào mua, chào bán liên tục của các nhà tạo lập thị trường, bởi đây là một trong những nghĩa vụ cơ bản mà họ phải tuân thủ. Sự hình thành hệ thống các nhà tạo lập thị trường sẽ là nhân tố quan trọng cải thiện tính thanh khoản cho thị trường tài sản cơ sở, từ đó đẩy mạnh hoạt động giao dịch của sản phẩm phái sinh là HĐTL trái phiếu chính phủ. Trên thế giới, hệ thống nhà tạo lập thị trường phần lớn bao gồm các ngân hàng hoặc CTCK có vai trò và hoạt động tích cực trong hoạt động giao dịch TPCP. Ngoài những nghĩa vụ bắt buộc dành cho các PD như tham gia vào thị trường sơ cấp và liên tục yết giá chào mua/chào bán trên thị trường thứ cấp hàng ngày, các PD này được hưởng những đặc quyền như độc quyền tham gia vào các phiên đấu thầu TPCP, quyền được cung cấp thông tin đặc biệt từ Sở giao dịch, v.v.
Hệ thống ngân hàng thương mại phát triển: Một nhóm tổ chức trung gian hỗ trợ thị trường quan trọng khác là các ngân hàng thương mại. Đối với thị trường trái phiếu, các ngân hàng thương mại thậm chí còn đóng vai trò thiết yếu nhằm hỗ trợ khả năng thanh toán lô lớn của các giao dịch trái phiếu do tính chất kinh doanh phù hợp với nghiệp vụ ngân hàng. Hơn nữa, bản thân các ngân hàng cũng đóng vai trò là một loại thành viên chủ chốt trong giao dịch HĐTL trái phiếu chính phủ, đặc biệt nếu là ngân hàng đầu tư. Nhìn chung, một nền tài chính với hệ thống ngân hàng thương mại phát triển nghèo nàn và vốn mỏng
thì khó có thể phát triển được thị trường HĐTL trái phiếu chính phủ.