Đánh giá chung

Một phần của tài liệu Phát triển hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ tại Việt Nam (Trang 67)

So sánh giữa các điều kiện tiền đề để phát triển thị trường HĐTL trái phiếu Chính phủ tại Việt Nam và tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan, ta có thể thấy như sau:

Thứ nhất, về thị trường trái phiếu cơ sở, nếu như phân chia sự phát triển của thị trường trái phiếu làm ba giai đoạn: giai đoạn một với đặc trưng tiêu biểu là trên thị trường sơ cấp chủ yếu phát hành trái phiếu Chính phủ trong khi trái phiếu Công ty phát hành với số lượng ít, trên thị trường thứ cấp khối lượng giao dịch hạn chế; giai đoạn hai: trên thị trường sơ cấp việc phát hành trái phiếu công ty trở nên phổ biến và trên thị trường thứ cấp đường cong lợi suất được hình

thành nhờ giao dịch sôi động của các trái phiếu chính phủ; giai đoạn ba: cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, các sản phẩm cấu trúc (structured product), sản phẩm phái sinh được giao dịch sôi động. Nếu đối chiếu sự phát triển của 3 thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam ở mốc trước khi hình thành thị trường HĐTL trên trái phiếu thì: tại Hàn Quốc trước khi HĐTL trái phiếu chính phủ được giao dịch (1999), thị trường trái phiếu cơ sở của Hàn Quốc đã phát triển ở giai đoạn 2 bởi lẽ kể từ năm 1970, sau khi trái phiếu công ty được phép phát hành tại Hàn Quốc thì số lượng trái phiếu công ty phát hành ngày càng gia tăng, trong khi số lượng trái phiếu Chính phủ giảm tương đối. Tại Đài Loan trước khi các sản phẩm phái sinh trái phiếu được đưa vào giao dịch (tháng 1/2004) thì thị trường trái phiếu cơ sở cũng đã phát triển ở giai đoạn hai với khối lượng giao dịch của trái phiếu công ty chiếm 26%, trong khi khối lượng giao dịch của trái phiếu Chính phủ là 58%. Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu mới chỉ đang ở giai đoạn 1 với trái phiếu Chính phủ chiếm một khối lượng lớn khối lượng giao dịch, chưa có đường cong lợi suất[12].

Thứ hai, về điều kiện về thể chế, pháp luật cho sự hình thành HĐTL trái phiếu Chính phủ. Với đặc điểm là trái phiếu Chính phủ không phải là sản phẩm phái sinh đầu tiên được đưa vào giao dịch trên các Sở giao dịch, nên tại Hàn Quốc và Đài Loan, khi đưa các sản phẩm HĐTL trái phiếu Chính phủ vào giao dịch thì khung pháp lý cho thị trường phái sinh nói chung và thị trường HĐTL trên lãi suất nói riêng đã được hình thành và phát triển (Tại Hàn Quốc Luật giao dịch HĐTL được ban hành vào năm 1995, tại Đài Loan Luật giao dịch HĐTL được ban hành vào năm 1992). Tại Việt Nam, do chưa có thị trường chứng khoán phái sinh nên cũng chưa có khung pháp lý cho sản phẩm này.

Thứ ba, về điều kiện kinh tế tài chính. Như đã phân tích ở trên, thị trường trái phiếu cơ sở tại Hàn Quốc và Đài Loan đều đã bước sang giai đoạn phát triển thứ hai, với giao dịch trên thị trường cơ sở sôi động, thanh khoản cao, đã hình thành mạng lưới các tổ chức phụ trợ như các tổ chức định giá tín nhiệm (CRA). Tại Hàn Quốc, tổ chức định giá tín nhiệm KIS được hình thành từ năm 1985 trong khi đó tại Đài Loan, tổ chức định giá tín nhiệm đầu tiên được thành lập

vào năm 1998. Tại Việt Nam, thị trường cơ sở còn kém thanh khoản, các tổ chức phụ trợ còn yếu kém và chưa có tổ chức định giá tín nhiệm.

Thứ tư, về điều kiện kỹ thuật thị trường. Tại Việt Nam hiện nay chưa hình thành đường cong lợi suất chuẩn trái phiếu Chính phủ và vẫn chưa có cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc giao dịch sản phẩm có độ phức tạp cao như các sản phẩm phái sinh. Trong khi đó, tại Hàn Quốc và Đài Loan, đường cong lợi suất trái phiếu đã hình thành từ lâu và hệ thống hạ tầng công nghệ cho việc giao dịch các sản phẩm phái sinh đã được hình thành từ lâu.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn cho việc triển khai phát triển thị trường HĐTL trái phiếu Chính phủ tại Việt Nam như: chưa có khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng các sản phẩm chứng khoán phái sinh, thị trường trái phiếu cơ sở còn kém phát triển, mạng lưới các tổ chức phụ trợ còn yếu kém, chưa tồn tại đường cong lợi suất chuẩn trái phiếu chính phủ, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sẽ không thể triển khai xây dựng sản phẩm này. Việc triển khai xây dựng thị trường HĐTL trái phiếu Chính phủ cần nhiều thời gian, nguồn lực và trí tuệ. Trên thực tế, thị trường đã bắt đầu xuất hiện nhu cầu giao dịch đối với HĐTL trái phiếu Chính phủ. Đây chính là nền tảng cơ bản nhất để lên kế hoạch cho việc xây dựng thị trường HĐTL trên trái phiếu Chính phủ. Với chức năng quan trọng là phòng ngừa rủi ro, việc xuất hiện của thị trường phái sinh trái phiếu làm bản thân thị trường trái phiếu là nơi an toàn hơn để đầu tư. Hơn thế nữa, việc giao dịch các sản phẩm HĐTL trên trái phiếu Chính phủ sẽ có tác động ngược lại đối với thị trường trái phiếu cơ sở, giúp cho thị trường này giao dịch sôi động hơn và do đó sẽ giúp hình thành đường cong lợi suất phi rủi ro chuẩn cho toàn bộ thị trường trái phiếu, vì vậy mà có thể hỗ trợ cho việc phát hành và giao dịch trái phiếu công ty.

Trên tất cả, phát triển thị trường HĐTL trái phiếu Chính phủ là một tiến trình tất yếu để phát triển thị trường trái phiếu nói chung tại Việt Nam, đây có thể không phải là sản phẩm phái sinh đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nhưng trong tương lai, đây sẽ là một sản phẩm chắc chắn sẽ không thể thiếu

trong số các “hàng hóa” được giao dịch trên các Sở giao dịch để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Chƣơng 3. Định hƣớng và giải pháp xây dựng thị trƣờng Hợp đồng tƣơng lai trái phiếu Chính phủ tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Phát triển hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ tại Việt Nam (Trang 67)