Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Một phần của tài liệu Phát triển hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ tại Việt Nam (Trang 55)

Hàn Quốc và Đài Loan là các TTCKPS châu Á khá thành công trên cả phương diện khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch, số lượng sản phẩm và tốc độ tăng trưởng của thị trường. Chính những đặc điểm chung về thiết kế sản phẩm phái sinh phù hợp, hạ tầng công nghệ mạnh và quy định pháp lý đầy đủ đã là những nhân tố mang lại sự thành công cho các thị trường này.

- Về sản phẩm:

Việc xác định nhu cầu của thị trường một cách chính xác là một nhân tố dẫn tới sự thành công cho thị trường HĐTL trái phiếu Chính phủ tại Hàn Quốc và Đài Loan. Bởi nếu nếu không có sự lựa chọn các sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu phòng ngừa rủi ro thì khó có thể thu hút sự tham gia của nhà đầu tư. Ngoài ra, việc xác định thị trường mục tiêu để đưa ra quy định về kích cỡ hợp

đồng phù hợp là nhân tố rất quan trọng cho sự thành công của sản phẩm. Thành viên trên thị trường trái phiếu Việt Nam chủ yếu là các ngân hàng, các tổ chức tài chính lớn, do đó, kích cỡ hợp đồng phải được thiết kế sao cho phù hợp với khả năng tài chính của các thành viên thị trường.

Khi triển khai giao dịch chứng khoán phái sinh, cơ chế ký quỹ cần được tính toán và quy định rất chặt chẽ. Mức ký quỹ cao sẽ giúp ngăn ngừa được rủi ro thanh toán và hạn chế được tình trạng đầu cơ thái quá trên thị trường, nhưng lại làm giảm tính hấp dẫn của sản phẩm. Mức ký quỹ thấp đồng nghĩa với đòn bẩy của sản phẩm cao, tức là tính hấp dẫn của sản phẩm lớn nhưng đi kèm với đó là rủi ro thanh toán cũng tăng lên.

-Về khuôn khổ pháp lý:

Trong giao dịch phái sinh, rủi ro lớn nhất là rủi ro thanh toán. Các thị trường Đài Loan hay Hàn Quốc đều có các quy định chặt chẽ cho hoạt động giao dịch và TTBT CKPS. Ngoài những quy định đối với thị trường tài chính nói chung, các thị trường này đều có Luật Chứng khoán Phái sinh do cơ quan quản lý thị trường tài chính có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh mọi hoạt động nói chung trên TTCKPS. Đồng thời, SGD được quyền ban hành những quy định giao dịch và TTBT cho từng loại hợp đồng phái sinh. Cụ thể:

+ Đối với quy định về thành viên giao dịch và thanh toán bù trừ, do bản chất của TTCKPS có tính rủi ro cao, các Sở đều đặt ra quy định chặt chẽ về mức vốn tối thiểu và các hệ số an toàn tài chính. Thông thường, các thành viên bù trừ phải có các tỷ lệ về an toàn tài chính cao hơn so với thành viên giao dịch.

+ Bên cạnh đó, nhà tạo lập thị trường đóng vai trò quan trọng trong giao dịch CKPS trên các thị trường này. SGDCK thường đặt ra quy định cụ thể và cấp phép hoạt động cho nhà tạo lập thị trường. Để tạo động lực khuyến khích hoạt động tạo lập thị trường, các SGD thường miễn giảm phí giao dịch và phí thành viên theo tỷ lệ nhất định cho những nhà tạo lập thị trường thực hiện tốt nghiệp vụ đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường. Ngoài ra, yêu cầu với hoạt động tạo lập thị trường cũng được SGD quy định chặt chẽ về hạn mức tín dụng,

hệ thống kiểm soát rủi ro nội bộ và sự tách bạch giữa tài khoản của nhà đầu tư và tài khoản của nhà tạo lập thị trường. Đây là yêu cầu để đảm bảo tính minh bạch và góp phần bảo vệ lợi ích nhà đầu tư.

Các quy định liên quan đến phương thức quản lý rủi ro hiện tại của Việt nam trên thị trường chứng khoán cơ sở chưa bảo vệ chặt chẽ nhà đầu tư trong trường hợp mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, không chỉ có nhà đầu tư mới chịu rủi ro thanh toán mà cả công ty chứng khoán cũng phải chịu rủi ro này từ phía khách hàng của mình. Vì vậy cần phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi của công ty chứng khoán trong trường hợp khách hàng mất khả năng thanh toán.

Để đảm bảo quản lý rủi ro đối với thị trường và thực hiện chức năng trung gian bảo lãnh cho hoạt động giao dịch phái sinh, các Sở quy định thành lập Quỹ Thanh toán bù trừ (Clearing and Settlement Funds). Các thành viên bù trừ được yêu cầu đóng góp một mức nhất định vào Quỹ, và bản thân SGD cũng đóng góp vào Quỹ này.

-Về cơ sở hạ tầng:

Kinh nghiệm từ các nước đã nghiên cứu ở trên đều tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại. Hầu hết các quốc gia khi ra đời thị trường CKPS đều áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trong công nghệ. Hệ thống công nghệ thông tin thông suốt là một trong những yếu tố làm giảm chi phí giao dịch trên thị trường cho khách hàng. Vì vậy, giao dịch trực tuyến là lựa chọn hàng đầu trong phương thức giao dịch của thị trường CKPS của các nước.

Đối với Việt Nam, hiện tại chúng ta chưa có đủ nguồn lực để tự thiết kế ra những hệ thống giao dịch hiện đại. Vì vậy, cách tối ưu là Việt Nam tiếp tục thực hiện những gói thầu mua sắm công nghệ hạ tầng từ những nước có TTCKPS đã phát triển. Hệ thống công nghệ phải xử lý được khối lượng giao dịch lớn, các lệnh phải được khớp lệnh liên tục với tốc độ cao và đảm bảo thông suốt. Quan trọng hơn nữa đó là hệ thống này phải đảm bảo các chức năng về thanh toán và bù trừ. Việt Nam cần xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, hệ thống dữ liệu thị trường đa dạng và được truy cập

miễn phí tạo ra cách tiếp cận thị trường rẻ và khuyến khích các nhà đầu tư giao dịch thông qua mạng.

Một phần của tài liệu Phát triển hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ tại Việt Nam (Trang 55)