Ưu tiên phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hoa Kỳ vào lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam đến năm 2020 (Trang 94)

Đầu tư công nghệ cao rất cần hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại như cơ sở hạ tầng nghiên cứu, thử nghiệm, ươm tạo công nghệ, cung ứng dịch vụ công nghệ, hạ tầng thông tin, v.v.. Bởi vậy, để thu hút được đầu tư công nghệ cao từ Hoa Kỳ, Việt

Nam cần đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, nhất là trong bối cảnh hệ thống cơ sở hạ tầng trong nước còn yếu kém như hiện nay.

Để phát triển hạ tầng cho đầu tư công nghệ cao, trước hết cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng đối với các khu công nghệ cao, trong đó tập trung đẩy nhanh giải phóng mặt bằng đối với các khu công nghệ cao, đặc biệt là khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nếu công tác giải phóng mặt bằng không được đẩy mạnh trong thời gian tới thì vấn đề hạ tầng kỹ thuật chung của khu công nghệ cao sẽ thiếu đồng bộ, kết nối hạ tầng giao thông gặp nhiều bất cập. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghệ cao mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới việc kêu gọi FDI vào khu công nghệ cao trong thời gian tới. Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghệ cao, cần hoàn thiện các cơ sở hạ tầng căn bản như giao thông, điện, cấp thoát nước. Hiện nay tình trạng thiếu điện ở Việt Nam đang rất trầm trọng, đặc biệt là ở các tỉnh. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều hoạt động của nhiều doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp FDI nói riêng, khiến họ bị gián đoạn sản xuất do thiếu điện. Cơ sở hạ tầng giao thông đã được nâng cấp đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn còn thiếu, trong khi lưu lượng người đi lại quá lớn khiến cho hiện tượng tắc đường diễn ra phổ biến tại các thành phố lớn. Đặc biệt là hệ thống thoát nước tại nhiều thành phố quá yếu kém, khiến tình trạng ngập lụt thường xuyên diễn ra. Những yếu kém về cơ sở hạ tầng căn bản ở Việt Nam là rào cản rất lớn đối với thu hút đầu tư nước ngoài.

Một trong những hình thức đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả hiện nay là đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Hình thức đầu tư tuy mới mẻ đối với Việt Nam nhưng đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ hơn 50 năm nay. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, nhờ áp dụng hình thức PPP mà nhiều vấn đề bức xúc của nhiều đô thị lớn đã được giải quyết như tình trạng ùn tắc giao thông, cung cấp nước, tạo việc làm cho người lao động, v.v.. Mô hình hay hình thức PPP kết hợp được nhiệm vụ của dịch vụ công với hiệu quả của một hay nhiều doanh nghiệp tư nhân cho phép các chính quyền địa phương nhanh chóng đạt được những tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất trong các dịch vụ công, tạo thuận lợi cho chuyển giao công

nghệ tiên tiến, hiện đại.

Dự án cấp nước sạch ở TP. Thượng Hải (Trung Quốc) là một hình mẫu mà Việt Nam có thể tham khảo. Năm 2002 chính quyền Thượng Hải đã ký kết với Tập đoàn VE của Pháp hợp đồng quản lý dịch vụ cấp nước sạch trong thời hạn 50 năm, từ đó hình thành một doanh nghiệp liên doanh Pháp – Trung Quốc với tỷ lệ vốn góp 50/50. Theo đó, VE cung cấp toàn bộ dịch vụ sản xuất, phân phối nước sạch, quản lý và chăm sóc khách hàng, thiết kế và đầu tư. Cũng theo hình thức PPP, Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã xây dựng tuyến xe điện ngầm số 9. Hiện nay, mỗi ngày phục vụ 256.000 lượt khách, dự báo đến năm 2013 sẽ thu hút 760.000 lượt khách/ngày. Nước Anh đã áp dụng hình thức PPP trên 50 năm nay và thu được thành công lớn. Người Anh tư duy rằng những gì mà tư nhân không làm được, hoặc không thể tham gia thì Nhà nước mới làm, mới quản lý. Cụ thể, như chức năng quản lý hành chính được coi là một chức năng không thể sẻ chia cho tư nhân, vì vậy Nhà nước khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực và khoán gọn cho họ đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất, sau đó Nhà nước thuê lại công trình đó. Nhà nước chỉ thuê sử dụng còn quản lý cơ sở vật chất vẫn là tư nhân.

Là một mô hình đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới trong nhiều năm qua, Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng mô hình này để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng ở Việt Nam theo hướng hiện đại.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hoa Kỳ vào lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam đến năm 2020 (Trang 94)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w