Việc tăng cường bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong việc thu hút FDI vào Việt Nam, đặc biệt là đầu tư công nghệ cao bởi vì tài sản trí tuệ đóng vai trò hết sức quan trọng trong đầu tư công nghệ cao. Để khắc phục những điểm yếu về bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp sau:
Hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về SHTT phù hợp với tinh thần của các công ước mà Việt Nam đã ký kết và phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế (như hiệp định TRIPS trong WTO). Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về SHTT theo hướng khắc phục những chồng chéo, đảm bảo sự minh bạch và rõ ràng. Các văn bản pháp luật về SHTT này phải đảm bảo tính hiện đại và đồng bộ, dễ áp dụng, nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo được lợi ích quốc gia trong hội nhập. Việc xây dựng luật cần phải cụ thể, chi tiết và thể hiện
tầm nhìn dài hạn; đặt ra yêu cầu về tính ổn định, tránh trường hợp phải sửa đi sửa lại nhiều lần.
Hệ thống thực thi về SHTT trong nước cũng cần được kiện toàn, năng lực của các cơ quan thực thi bảo hộ SHTT như Hải quan, Quản lý thị trường, Cục SHTT, Tòa án, Thanh tra chuyên ngành khoa học công nghệ và văn hóa, v.v.. cần được nâng cao. Nghiên cứu tổ chức phân công lại chức năng giữa các cơ quan tham gia quản lý nhà nước về SHTT theo hướng tập trung và giảm bớt đầu mối, phân định rõ ràng nhiệm vụ của từng cơ quan. Vai trò của tòa án trong việc thực thi và bảo hộ quyền SHTT cần được kiện toàn tới từng cơ quan quản lý xét xử, giải quyết các tranh chấp, vi phạm. Các cơ quan này cần phải mạnh về tổ chức, có cán bộ giỏi về chuyên môn, am hiểu sâu về lĩnh vực kinh tế kỹ thuật, đồng thời nắm chắc pháp luật về SHTT. Các tòa án cần được trao quyền sử dụng những công cụ, các biện pháp chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền SHTT và phải trở thành cơ quan chủ yếu trong việc giải quyết tranh chấp về quyền SHTT; cần có chương trình đào tạo một đội ngũ thẩm phán và luật sư có năng lực chuyên môn cao về vấn đề quyền SHTT. Về phía ngành hải quan, cần tăng cường việc thực thi quyền SHTT tại biên giới, bởi đây là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Các hành động vi phạm quyền SHTT cần được xử lý nghiêm minh, hạn chế vi phạm quyền SHTT, và tiến tới ngăn chặn những hành động vi phạm này. Nhà nước cần phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền SHTT, bằng việc ban hành các chế tài xử phạt mạnh, đồng thời tạo cơ chế thuận lợi đưa các vụ tranh chấp SHTT ra giải quyết tại tòa án.