Tình huống có vấn đề

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề trong dạy học môn Giáo dục học tại trường Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (Trang 25)

Tình huống có vấn đề là một trong những khái niệm cơ bản trọng tâm của PPDH nêu và GQVĐ, nó có vai trò quan trọng trong quá trình lĩnh hội tri thức và điều khiển quá trình tư duy. Bàn về tình huống có vấn đề đã có nhiều tác giả có ý kiến khác nhau.

A.M.Machiuskin cho rằng: “Một tình huống gọi là tình huống có vấn đề khi xuất hiện sự không tương xứng, sự xung khắc giữa cái đã biết và cái đòi hỏi, cách thức và những yếu tố thực hiện hành động đang đòi hỏi; hoặc khi con người gặp phải một vài độc lập mới mà không thể thực hiện hành động đã biết”. [1]

Theo M.I Makhơmutôp: “THCVĐ là trạng thái tâm lý của sự khó khăn về mặt trí tuệ nảy sinh ở con người trong những tình huống khách quan khi cần giải thích một sự kiện mới bằng tri thức đó cũ hoặc bằng cách thức hoạt động đã biết trước đây mà phải tìm tri thức hoặc tìm cách thức hoạt động mới”. [23, tr.280]

Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Bảo: “Tình huống có vấn đề là trạng thái tâm lý của sự khó khăn về trí tuệ xuất hiện ở con người khi họ trong tình huống có vấn đề mà họ phải giải quyết chứ không thể giải thích một sự kiện mới bằng tri thức đã có trước đây và họ phải tìm cách thức hoạt động mới”. [4, tr.43]

Theo thuyết thông tin, tình huống có vấn đề là trạng thái của chủ thể có một độ bất định nào đó trước việc chọn lựa một giải pháp cho tình huống trong nhiều khả năng có thể có, mà chưa biết cái nào trong số đó sẽ xuất hiện.

Tóm lại, tình huống có vấn đề là một hiện tượng chủ quan, là một trạng thái tâm lý của chủ thể, trạng thái lúng túng xuất hiện trong quá trình nhận thức như một mâu thuẫn giữa chủ thể và khách thể nhận thức trong hoạt động của con người.

Những đặc điểm cơ bản của tình huống có vấn đề [7]

Theo tâm lý học, một tình huống có vấn đề bao gồm những tính chất sau: 1. Có mâu thuẫn nhận thức: Vấn đề có chứa đựng mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái phải tìm. Đó có thể là tri thức mới, cách thức hành động mới, kỹ năng mới.

Chủ thể phải ý thức được khó khăn trong tư duy hoặc hành động mà vốn hiểu biết sẵn có chưa đủ để vượt qua.

2. Gây ra nhu cầu nhận thức: Khi mâu thuẫn khách quan trong bài toán nêu vấn đề chuyển hóa thành mâu thuẫn chủ quan bên trong của chủ thể sẽ gây ra nhu cầu nhận thức cho chủ thể kích thích SV tìm cách giải quyết nhiệm vụ đặt ra và tốt nhất là các tình huống gây cảm xúc ngạc nhiên, hứng thú, mong muốn giải quyết vấn đề.

3. Phù hợp với khả năng của SV để gây niềm tin: SV phải có khả năng về tri thức và cách thức hành động đủ để giải quyết được vấn đề. Nếu một tình huống dù có hấp dẫn nhưng lại vượt quá xa so với khả năng của SV thì các em cũng không sẵn sàng giải quyết.

Nếu vận dụng tình huống có vấn đề vào việc giảng dạy thì GV cần chú ý:

- Khi SV muốn đạt được mục đích học tập nào đó nhưng không biết làm thế nào để đạt được mục đích. Khi đó xuất hiện một tình huống mâu thuẫn mà người học muốn đạt được mục đích bắt buộc họ phải động não về vấn đề cần giải quyết.

- Tình huống có vấn đề là tình huống gợi cho SV những khó khăn về lý luận hay thực tiễn mà họ thấy cần thiết phải vượt qua nhưng không phải là được ngay lập tức nhờ một quy tắc có tính chất thuật toán mà phải trải qua một quá trình suy nghĩ, hoạt động để biến đổi đối tượng hoạt động hoặc điều chỉnh kiến thức sẵn có.

Tổ chức tình huống học tập có vấn đề

Thực chất của công việc trên là tạo dựng những hoàn cảnh để SV tự ý thức được nhiệm vụ cần giải quyết, có nhu cầu hứng thú để tích cực giải quyết và sơ bộ biết được rằng mình có thể làm được gì và làm như thế nào.

Về phía giảng viên: muốn tổ chức tình huống học tập có vấn đề cần phải chuẩn bị thật chu đáo các công việc sau: nắm vững các vấn đề sẽ nêu ra cho SV giải quyết, phát biểu những nội dung và yêu cầu SV cần phải đạt được; nghiên cứu các phương án giải quyết vấn đề; nắm được trình độ tư duy, vốn kiến thức của SV để dự kiến khả năng họ sẽ giải quyết vấn đề được cung cấp đạt đến mức độ nào; dự kiến những cách giải quyết phù hợp với đối tượng cụ thể mà mình trực tiếp giảng dạy và các điều kiện vật chất của nhà trường; lựa chọn những tình huống có vấn đề gần gũi với SV; giúp sinh viên với sự chú ý nhất định thì có thể phát hiện vấn đề và những chỗ

khó khăn của chính họ; mỗi buổi học là một chuỗi tình huống liên tiếp được sắp đặt theo một trình tự hợp lý nhằm đưa sinh viên từ chỗ chưa biết hoặc biết chưa đầy đủ đến hiểu biết đầy đủ và nâng cao dần kỹ năng giải quyết vấn đề.

Quy trình tổ chức một tình huống có vấn đề như sau:

- Giảng viên mô tả vấn đề.

- Yêu cầu sinh viên mô tả vấn đề bằng chính lời lẽ của họ. - Yêu cầu sinh viên dự đoán sơ bộ vấn đề

- Giúp sinh viên phát hiện ra những chỗ không đầy đủ trong kiến thức, trong cách giải quyết và đề xuất nhiệm vụ mới.

Các tiêu chí cho một tình huống tốt nên được phân thành tiêu chí về nội dung và tiêu chí về hình thức như dưới đây: [14]

 Về mặt nội dung, tình huống phải: - Mang tính giáo dục

- Chứa đựng mâu thuẫn và mang tính khiêu khích - Tạo sự thích thú cho người học.

- Nêu ra được những vấn đề quan trọng và phù hợp với người học,...  Về mặt hình thức, tình huống phải:

- Có cách thể hiện sinh động

- Sử dụng thuật ngữ ngắn gọn, súc tính và ẩn danh - Được kết cấu rõ ràng, rành mạch và dễ hiểu

- Có trọng tâm, và tương đối hoàn chỉnh để không cần phải tìm hiểu thêm quá nhiều thông tin,...

Phân loại tình huống có vấn đề

Một là, tình huống nghịch lý

Đây là tình huống có vấn đề mới thoạt nhìn dường như là vô lý, không phù hợp với quy luật, lý thuyết đã thừa nhận với SV, tình huống này được tạo ra bằng cách giới thiệu những sự kiện, hiện tượng trái với quan điểm thông thường, với kinh nghiệm cá nhân cách thức giải quyết ở đây là tìm và phân tích chỗ sai, chỗ chưa chính xác trong cách hiểu vấn đề, từ đó mà tìm ra cách hiểu với khoa học. Chính nhờ vậy, cách giải quyết những nghịch lý tương tự trên mà có thể tạo nên lý thuyết mới bao quát hơn so với lý thuyết cũ, thậm chí bác bỏ lý thuyết cũ đã lỗi thời.

Hai là, tình huống lựa chọn

Đó là tình huống có vấn đề xuất hiện khi đứng trước một sự lựa chọn rất khó khăn giữa hai hay nhiều phương án giải quyết. Phương án nào cũng có lý lẽ của nó, nhưng đồng thời cũng chứa đựng những nhược điểm cơ bản, song chỉ lựa chọn một phương án duy nhất mà SV cho là hợp lý nhất trên cơ sở phân tích các phương án.

Ba là, tình huống bác bỏ

Đó là tình huống có vấn đề khi phải bác bỏ một kết luận, một luận đề sai lầm, phản khoa học. Để làm được điều đó học sinh phải tìm ra những điểm yếu của luận đề, chứng minh tính chất sai lầm của nó.

Bốn là, tình huống "Tại sao"

Đây là tình huống phổ biến đồng thời xuất hiện nhiều trong khi nghiên cứu khoa học cũng như trong dạy học. Tình huống này người ta gặp phải những hiện tượng, sự kiện mà con người chưa đủ tri thức để giải thích hiện tượng đó và con người luôn thốt ra "Tại sao". [4, tr.47]

Như vậy, trong thực tiễn dạy học, điều quan trọng là phải làm thế nào để tạo nên tình huống có vấn đề. Tuy nhiên, để tạo được những tình huống có vấn đề người GV cũng phải nắm được và phân biệt được các loại tình huống có vấn đề nhằm đặt ra hệ thống mâu thuẫn phù hợp với môn học và trình độ SV của mình.

Một phần của tài liệu Vận dụng phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề trong dạy học môn Giáo dục học tại trường Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(108 trang)
w