Kinh nghiệm của huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

Một phần của tài liệu Quản lý kinh tế nông nghiệp ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (Trang 33)

Trong điều kiện có nhiều khó khăn của suy giảm kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng của thiên tai nhưng Quỳnh Phụ đã nỗ lực phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm là 9,2%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn là thế mạnh của Quỳnh Phụ, đóng góp quan trọng vào các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của huyện thời gian qua. Đồng thời, đây cũng được xem là lợi thế trong việc ổn định đời sống người dân trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Những kết quả đạt được của huyện Quỳnh Phụ trong sản xuất nông nghiệp: Với tỷ lệ giống lúa ngắn ngày trà xuân muộn đạt gần 98%, tăng 12,23% so với năm 2010; năng suất lúa đạt 134,6 tạ/ha/năm, tăng 3,6 tạ/ha so với kế hoạch. Diện tích cây vụ đông tăng dần qua các năm, chiếm gần 49% diện tích đất canh tác, với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, như: ớt, ngô ngọt, bí đỏ, rau các loại… Chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ dần thu hẹp, ngày càng phát triển nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nuôi theo hình thức công nghiệp, hướng tới chăn nuôi bền vững.

Một trong những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp của huyện Quỳnh Phụ là đã thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi Từ một huyện thuần nông với cây lúa là chủ lực, Quỳnh Phụ đã có thêm nhiều sản phẩm khác như khoai tây Hà Lan, ớt Thái Lan, Hàn Quốc, khoai lang Nhật… Hàng loạt cây, con giống mới được các xã tiếp thu đưa vào sản xuất trên diện rộng. Nhiều mô hình chuyển đổi đã phát huy tốt hiệu quả đem lại giá trị thu nhập cao. Đến năm 2012, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt gần 32 nghìn ha. Ngoài diện tích trồng lúa, toàn huyện có 6.300 ha dành cho cây vụ đông. Huyện đã triển khai chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa sang trồng các loại cây hoa màu; chuyển diện tích thấp trũng cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi thả thuỷ sản. Đối với cây lúa vốn là cây trồng chủ lực thời gian qua đã có sự chuyển biến nhanh chóng về cơ cấu giống và thời vụ gieo cấy. Diện tích lúa dài ngày chỉ còn được cấy ở những vùng thấp trũng khó điều tiết nước. Đáng chú ý, vùng cấy lúa chất lượng cao ngày càng được mở rộng với khoảng 23% diện tích. Tại xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, mấy năm nay người dân thường trồng bí đao cho cây vụ đông. Toàn xã hiện có 240 ha bí. Cây bí phát triển khá tốt với điều kiện thổ nhưỡng ở đây. Trung bình 1 sào có thể sản xuất 1 tấn và thời gian thu hoạch chỉ sau 2 tháng. Giá bán trung bình khoảng 3.000 đồng/kg có thời điểm lên tới 8.000 đồng/kg. Có gia đình thu tới

30 triệu đồng từ trồng bí. Tại xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, từ nhiều năm nay, ớt luôn là cây vụ đông chủ lực. Hầu hết các hộ dân nơi đây đang sử dụng 2 giống ớt cho năng suất cao, thị trường có nhu cầu lớn, đó là ớt Hàn Quốc chiếm 80% diện tích và ớt kim của Thái Lan chiếm 20% diện tích. Bên cạnh những cây trồng bí xanh và ớt, huyện Quỳnh Phụ còn nổi bật với vùng trồng cói ở các xã An Tràng, An Dục, An Vũ; vùng trồng khoai tây xuất khẩu gắn với kho lạnh bảo quản tại các xã An Khê, Quỳnh Minh, Quỳng Hội. Về cây màu, xuất khẩu có dưa chuột ở Quỳnh Châu, Quỳnh Thọ, Quỳnh Hoa, An Cầu... Không chỉ thành công về mặt lượng, hầu hết các mô hình chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế khá cao, sản phẩm đầu ra có thị trường tiêu thụ rộng và ổn định. Trên những cánh đồng 50 triệu, nếu trừ đi 30- 40% chi phí, lợi nhuận thu được vẫn còn cao gấp 2- 3 lần so với cấy 2 vụ lúa.

Ngoài sự chuyển đổi về cây trồng, chăn nuôi cũng được người dân huyện Quỳnh Phụ chuyển đổi một cách tích cực và hiệu quả. Chăn nuôi được khuyến khích tập trung theo mô hình gia trại, trang trại với quy mô lớn. Nhờ sự phát triển của mô hình chăn nuôi tập trung đã góp phần gia tăng nhanh chóng về số lượng đàn. Tính đến hết tháng 9/2012, tổng đàn lợn hơn 133.000 con trong khi đó ở thời điểm năm 2009 chỉ có khoảng 45.500 con. Tổng đàn gia cầm cũng lên tới trên 1,5 triệu con tăng tới 270 ngàn con so với cùng kỳ năm 2011.... Nuôi trồng thủy sản cũng đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Giá trị xuất khẩu ngành thủy sản toàn huyện Quỳnh Phụ đến hết tháng 9/2012 đạt khoảng 27 tỷ đồng. Ngoài những vật nuôi truyền thống người dân Quỳnh Phụ đã năng động đưa về trên vùng đất của mình nhiều mô hình chăn nuôi khác như: dế, ba ba, kỳ đà, cá sấu và nhím. Các mô hình này được ứng dụng có hiệu quả và nhân dân đang học nhau làm, còn những người đầu tiên gây dựng mô hình đang có hướng mở rộng thêm.

Để thu hút các hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi mới, huyện Quỳnh Phụ đã có nhiều cơ chế khuyến khích như: Tạo điều kiện giúp các hộ dồn đổi ruộng thành mảnh lớn liền kề nhằm tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi; cho phép thầu khoán ao, hồ, đầm để cải tạo đưa vào sản xuất; chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch cụ thể từng khu vực chuyển đổi và công khai quy trình chuyển đổi, đồng thời tạo thuận lợi tối đa về thủ tục giúp các hộ dân được tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện giải ngân nhanh các khoản hỗ trợ của trên giúp các hộ có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất. Nhờ vậy, mô hình chăn nuôi tập trung ở Quỳnh Phụ gần đây có bước phát triển toàn diện, gia tăng cả về quy mô và số lượng.

Đầu ra của sản phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu của việc sản xuất nên huyện Quỳnh phụ cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề này. Huyện Quỳnh Phụ đã xác định mục tiêu, hàng nông sản muốn có đầu ra ổn định và đạt giá cao thì phải đạt được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng sản phẩm. Mặt khác, huyện cũng xác định, việc tìm lối ra cho nông sản cần có sự liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông). Việc tích cực trong việc đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đã tác động tích đến bà con nông dân bởi khi yên tâm về đầu ra cho sản phẩm, người nông dân mới yên tâm đầu tư vào việc xây dựng và mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng tập trung và quy mô lớn.

Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Quỳnh Phụ cũng còn một số tồn tại nhất định. Theo Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Phụ, chi phí đầu vào thời gian qua tăng đáng kể, từ giá cây giống đến giá phân bón đều tăng. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi nội đồng chưa đồng bộ, sản xuất nông nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng lớn bởi thời tiết. Ngoài ra, trình độ của người dân còn chưa đồng đều, lực lượng lao động nông thôn thiếu và yếu, chưa có nhiều

máy móc thay thế sức lao động. Đặc biệt, liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Tiêu thụ sản phẩm vẫn chủ yếu theo hình thức do tư thương làm đầu mối thu mua. Đó là những bất cập gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp cũng như quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại huyện Quỳnh Phụ.

Như vậy, đối với huyện Quỳnh Phụ, để có được những kết quả như trên, trước hết là do sự chỉ đạo của chính quyền và nhận thức của người dân về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhiều loại cây, con có giá trị được đưa vào sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tiếp đó là các chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; sự phối hợp, vào cuộc của các cấp, ngành hỗ trợ triển khai ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh nông nghiệp - nông thôn. Từ đó đã khuyến khích người dân tập trung đầu tư mở rộng sản xuất đem lại hiệu quả cao. Phối hợp giải quyết các vấn đề về tích tụ ruộng đất, đầu tư cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường, tiêu thụ sản phẩm. (Nguồn http://www.cpv.org.vn, ngày 08/11/2012)

Một phần của tài liệu Quản lý kinh tế nông nghiệp ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (Trang 33)