- SV tìm hiểu về hệ thống đình làng của Quảng Nam (thông qua các khóa luận, tiểu luận của sinh viên cao đẳng khoa Văn hóa – Du lịch)
6.2 Cách thức bảo tồn và phát huy “văn hóa làng” trong xã hội Việt Nam hiện đạ
hiện đại
* Bảo tồn văn hoá làng cũng như làng theo đúng nghĩa của nó đang cần một chiến lược lâu dài và hữu hiệu.
- Bảo tàng hóa di sản văn hóa làng là một trong những mô hình, định hướng mới nhằm bảo vệ và phát huy kịp thời, hiệu quả di sản văn hóa của các làng xã. Bảo tàng hóa di sản văn hóa làng có mục tiêu bao trùm là đưa di sản văn hóa làng cùng toàn bộ đời sống, sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán của cư dân làng xã thành đối tượng của hoạt động bảo tàng.
+ Theo đó, cư dân địa phương cùng một lúc có thể thể hiện nhiều tư cách, vai trò khác nhau, vừa là chủ sở hữu di sản văn hóa làng (trình diễn, giới thiệu di sản, là "hiện vật sống"... và là người hưởng thụ văn hóa), vừa là người trực tiếp quản lý và tổ chức các hoạt động của "bảo tàng làng" với tư cách đó là một dạng sản phẩm du lịch văn hóa hoàn chỉnh, phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Trong mô hình này, các cơ quan quản lý, các bảo tàng nhà nước, các tổ chức du lịch, các nhà khoa học chỉ đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ cho các hoạt động của cư dân địa phương.
- Từ nhận thức trên đây, để mô hình bảo tàng hóa di sản văn hóa làng thật sự phát huy hiệu quả trong quá trình bảo tồn di sản văn hóa của các làng Việt cổ, trước mắt, theo chúng tôi cần quan tâm giải quyết một số vấn đề cụ thể sau đây:
+ Phải chăng trước tiên ta nên giáo dục cho nhân dân, nhất là lớp trẻ có ý thức về văn hóa làng. Thực tế cho thấy, lớp trẻ hiện nay hầu như không có một ý niệm gì về làng, coi việc làng là chuyện của các ông bà nơi thôn quê. Được đi học rồi họ quên mất làng vì bản thân họ không có một ý niệm nào sâu sắc về làng cả. Có thể đến một giai đoạn nào đó, làng Việt Nam sẽ không còn nữa. Cũng có thể cho đến vài chục thế kỷ sau, làng có thể không còn, nhưng văn hóa làng vẫn sẽ không mất được. Nó phải tồn tại để bảo đảm cái bản sắc dân tộc của đất nước mình.
Vì thế cần phải có lòng tự hào về quê hương làng xóm của mình, tức là về văn hóa làng. Không có niềm tự hào ấy thì khó xây dựng được nông thôn mới.
+ Những tình cảm đầu tiên nên được khuyến khích, bồi dưỡng là sự tự hào về lịch sử làng xã. Phải biết tôn trọng những di tích lịch sử, những di sản văn hóa của quê hương, và như thế mới là con người của làng xóm, con người Việt Nam mới. Gần đây ta đã có những điều tra rất đáng báo động, có khá nhiều sinh viên, học sinh đã không biết đến Bà Trưng, Bà Triệu, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Lê
Lợi…Có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân có thể hiểu được là các bạn trẻ đã không biết đến và không có những tình cảm, sự trân trọng lịch sử cha ông và do đó không biết mình là ai. Nhiệm vụ của các bậc phụ huynh, những nhà nghiên cứu văn hóa làng là phải làm sao để con em mình biết tự hào về làng, nơi “chôn nhau cắt rốn”. Đó là một trong những tiêu chuẩn đầu tiên để đi vào hội nhập.
- Để xây dựng một nông thôn mới, có một thuận lợi cơ bản là dựa vào văn hóa làng, tức là phải khai thác những ưu điểm của các bản hương ước, tộc ước ngày xưa. Đây là những kinh nghiệm đã được đúc kết để phát huy ý thức cộng đồng làng xã, xây dựng trật tự nề nếp ở cơ sở, tạo ra nếp sống thương yêu đùm bọc nhau, xây dựng những thuần phong mỹ tục mới. Các hương ước cũ đều đề ra những quy định trong việc thờ cúng, đừng vội xem đó là những chuyện mê tín mà cần xem trong đó cái tư tưởng hướng thiện, tin tưởng vào một vị thần linh, song thực chất là tin tưởng vào mình, không có lòng tin ấy thì sẽ không có sức mạnh. Hương ước có những điều khoản về ngôi thứ, cỗ bàn, hãy nhìn vào những khía cạnh khác để thấy những điều có thể khai thác được, làng ngày xưa rất biết trọng các nhà trí thức, coi trọng truyền thống học hành, tôn sư trọng đạo….Các tập tục xưa kia ở làng nếu ta gạt bỏ đi những gì lạc hậu, phiến diện thì sẽ thấy vấn đề “tình làng, nghĩa xóm” rất được đề cao. Đó là một truyền thống văn hóa tốt đẹp. Tại sao truyền thống văn hóa ấy lại không thể hòa nhập với chủ trương xóa đói, giảm nghèo ngày nay?
Đi theo những giá trị có trong hương ước phải lưu ý một điều là cần xóa bỏ dần quan niệm “phép vua thua lệ làng” để đảm bảo được nhiệm vụ, quyền lợi công dân, đúng pháp luật. Nói điều này về lý thuyết rất dễ được đồng tình, nhưng thật ra trong làng xóm ta hiện nay, tư tưởng này chưa hoàn toàn được khắc phục. Hãy xem một số bản quy ước nếp sống mới ở nông thôn: phần phạt nhiều hơn phần thưởng, phần quy tắc bắt buộc nhiều hơn phần động viên tự nguyện. Vấn đề cũ và mới nhiều khi khác nhau ở những điểm chi tiết ấy.
- Cần có sự nhận thức đúng đắn và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các ngành và các tổ chức xã hội; giữa Nhà nước với cộng đồng cư dân làng xã và với mỗi người dân trong mọi hoạt động nhằm bảo tồn di sản văn hóa làng. Ðồng thời, để hoạt động bảo tàng hóa di sản văn hóa làng trở thành thực tiễn sinh động tại các địa phương, cần xác định và giải quyết đồng bộ các giải pháp cụ thể, đúng đắn liên quan đến lĩnh vực công tác này.
- Xác lập sự gắn bó giữa di sản văn hóa làng với cộng đồng cư dân làng xã thông qua việc tổ chức khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa làng nhằm đưa tới những đổi thay thật sự trong cơ cấu kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của dân
làng - nghĩa là xác lập vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động bảo tồn di sản văn hóa làng trong quá trình phát triển cộng đồng.
- Tổ chức tốt các hoạt động theo mô hình bảo tàng hóa di sản văn hóa làng nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa đích thực, qua đó vừa trực tiếp phục vụ nâng cao đời sống mọi mặt của dân làng, vừa đưa tới sự phát triển mạnh mẽ các hoạt động du lịch, dịch vụ. Trong xu hướng gắn văn hóa với phát triển kinh tế, cần xử lý hài hòa lợi ích của các thành phần xã hội, các đối tác tham gia, nhất là lợi ích của cộng đồng cư dân làng xã, nơi di sản văn hóa đang tồn tại và phát huy. Và, cũng nhờ phương thức đó, mà các nguồn lực xã hội được huy động tối đa cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đưa văn hóa trở thành một nhịp cầu giao lưu và hội nhập quốc tế.
Tóm lại, việc triển khai có hiệu quả mô hình bảo tàng hóa di sản văn hóa làng đối với các làng Việt cổ sẽ thiết thực góp phần bảo tồn môi trường sinh thái - nhân văn của từng làng xã nói riêng và nông thôn Việt Nam nói chung. Qua đó, chúng ta sẽ tạo lập được môi trường văn hóa - xã hội điển hình. Ðó là nơi giáo dục, đào luyện nhân cách văn hóa để từng bước hình thành nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
---
CÂU HỎI THẢO LUẬN VÀ ÔN TẬP
1. Tác động của quá trình đô thị hóa đối với văn hóa làng xã Việt Nam?
2. Những giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng truyền thống?
3. Những giải pháp để bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam?
4. Mối quan hệ giữa văn hóa làng xã cổ truyền và việc xây dựng làng văn hóa hiện nay?
PHẦN TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN
- SV cần đọc những tài liệu tham khảo sau:
1. John Kleinen, Làng Việt, Đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ, NXB Đà Nẵng, 2007
2. Vũ Ngọc Khánh, Văn hóa làng ở Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001
- SV tìm hiểu về hệ thống đình làng của Quảng Nam (thông qua các khóa luận, tiểu luận của sinh viên cao đẳng khoa Văn hóa – Du lịch) tiểu luận của sinh viên cao đẳng khoa Văn hóa – Du lịch)
C. KẾT LUẬN
1. Làng ra đời từ trong đời sống của chính những người nông dân Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, làng và văn hoá làng chỉ có ở Việt Nam, ở nhiều nước làng cũng như tổ chức làng hầu như là không có. Theo GS.TS Nguyễn Duy Quý thì không phải tự nhiên mà có làng. Trong quá trình lịch sử do sự tồn tại và phát triển cùng với việc xử lý tình huống gay go của nhu cầu chống thiên tai, địch hoạ mà cộng đồng làng được hình thành. Làng Việt là kết quả tiến triển tự nhiên của tổ chức công xã. Chòm, xóm là những thành phần của cộng đồng làng. Mỗi làng có nhiều chòm, xóm. Trong lịch sử, làng không phải là một đơn vị hành chính. Xã mới là đơn vị hành chính; một xã bao gồm nhiều làng khác nhau. Nhưng xã không phải là cái gì đó cao hơn hay quyền lực hơn làng mà chỉ là một thực thể xã hội khác. Người xưa có câu “Phép vua thua lệ làng” là để nói lên vai trò cũng như quyền lực của làng.
2. Làng không chỉ là sản phẩm của một nền tổ chức chính trị nhà nước mà nó còn là sản phẩm văn hoá mang bản sắc người Việt. Văn hoá làng thể hiện trên nhiều phương diện như: phong tục tập quán, cách ứng xử, tâm lý, tín ngưỡng tôn giáo, phương thức hoạt động, nghề đặc trưng…Có thể xem văn hoá làng chính là những khuôn thước ứng xử nằm sâu trong mỗi con người, những nhân tố tạo nên tính cộng đồng. Và những ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, giữa các cộng đồng với nhau được tổng kết qua kinh nghiệm sống đã trở thành văn hoá. Văn hóa làng như một dòng nước ngầm không thể nhìn thấy nhưng lại có sức mạnh chi phối, điều khiển mỗi người trong cộng đồng làng. Văn hoá làng vô cùng phong phú và đa dạng. Các nhà nghiên cứu văn hoá cũng như sử học đều khẳng định 80% văn hoá vật thể là ở làng. Đó chính là “cây đa, bến nước, sân đình”, là ngôi chùa hay những ngôi nhà cổ. Và cũng 80% văn hóa phi vật thể ra đời từ văn hoá làng. Đó là những phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng…Nói sâu hơn thì văn hoá làng chính là cái gốc của văn hoá dân tộc. Tổng thể nền văn hóa dân tộc đều mang bản sắc văn hoá vùng, miền. Mà cái tạo nên văn hoá vùng miền chính là văn hoá làng, đơn vị tổ chức nhỏ nhất. Đánh giá về vai trò của văn hoá làng, cố học giả Trần Đình Hượu đã nhận xét “Tranh Đông Hồ, hát quan họ không những có gốc làng mà còn có quy mô làng. Ngay cả văn hoá cung đình cũng chỉ là tập hợp kỹ xảo của các làng”. Làng và văn hoá làng những di sản văn hoá cần được bảo vệ.
3. Trong khung cảnh riêng của làng Việt Nam, văn hoá làng mang một số nét đặc thù sau:
- Ý thức đoàn kết cộng đồng rất cao và thể hiện ở nhiều mặt của cuộc sống (trong lao động sản xuất cũng như trong các sinh hoạt tinh thần…), từ ý thức này đã thúc đẩy tính dân chủ làng xã.
- Ý thức tự trị thông qua các lệ làng và hương ước.
- Diện mạo văn hoá: Tuỳ vào điều kiện môi trường tự nhiên, nề nếp sinh hoạt và cách ứng xử riêng của từng làng mà mỗi làng sẽ có đặc điểm để tự hào (đất lề, quê thói).
- Đa thần giáo là đặc điểm nổi bật trong đời sống tín ngưỡng ở làng.
Từ bao đời nay, sức sống của nền văn hoá truyền thống Việt Nam được lưu giữ và thể hiện mạnh mẽ nhất ở văn hoá làng, do vậy vấn đề bảo vệ và kế thừa văn hoá làng luôn được Đảng và nhà nước ta quan tâm. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, muốn thực hiện tốt việc kế thừa văn hoá làng, trước hết chúng ta phải chỉ ra được những tiêu cực còn tồn tại ở làng từng đè nặng lên mỗi con người và cản trở sự phát triển của xã hội.
4. Nông thôn Việt giờ đã khác xưa. Những biểu tượng văn hóa một thời dần biến mất, nhường chỗ cho những công trình công cộng, nhà cao tầng. Lối sống đô thị hóa đang tràn về từng làng quê, gây ra bao hệ lụy. Tuy nhiên, vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa làng hay một quy hoạch tổng thể về xây dựng nông thôn vẫn chưa được bàn tới, hoặc nếu có cũng chỉ ở mức độ hời hợt. Với đại đa số người dân sống ở nông thôn, phần lớn cảnh quan môi trường, di tích lịch sử, văn hóa tập trung ở vùng này, do vậy, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành chức năng về sự phát triển của làng. Bởi gìn giữ văn hóa làng cũng là bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.