Tín ngưỡng thành hoàng

Một phần của tài liệu Bài giảng Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền (Trang 47)

* Là tín ngưỡng bền vững và nhất quán của các làng quê Việt Nam.

- Tín ngưỡng thành hoàng làng có lẽ đã xuất hiện từ thế kỷ VIII hay IX. Sách

Việt điện u linh lấy tài liệu từ Giao Châu ký, cho biết từ thời nhà Tấn ở Thăng Long

(lúc này có tên là Long Đỗ) có một vị hiếu liêm, họ Tô tên Lịch, không giàu có nhưng rất tốt bụng, tiếng đồn sang tận v ua Tàu. Nhà vua lấy tên ông đặt cho thôn gọi là thôn Tô Lịch. Sang thời nhà Đường, viên quan đô hộ thấy đất Long Đỗ trù phú, cho dời cả phủ lị An Nam đô hộ phủ về đó, rồi mời dân chúng đến hỏi ý kiến. Tất cả nhất trí tôn Tô Lịch làm thần phù hộ. Ít lâu sau, Cao Biền tôn ông làm Đô phủ thành hoàng thần quân. Đến thời Lý Thái Tổ mới chính thức coi ông là vị thần được thờ tự muôn đời, và phong làm Quốc đô thành hoàng. Theo sử sách, thành hoàng có từ đó.

- Liên tiếp các thế kỷ sau, thành hoàng được tôn vinh khắp nơi. Có nơi có sắc phong của triều đình nhưng có nhiều nơi không có. Cũng chưa có sự phân loại nào về thành hoàng nhưng bước đầu có thể nhận ra các loại: thành hoàng là thiên thần (thần núi, nước, các lực lượng siêu nhiên); là những nhân vật lịch sử (huyền sử hay chính sử); những người có công khai dân lập ấp, tổ các ngành nghề, các vị khoa bảng hay trọng thần,… Còn có một số vị thần mà nhân dân địa phương thường dấu kín sự tích (thần ăn mày, ăn trộm…). Một số nơi còn thờ cả quan lại, tướng tá của đối phương mà không kỳ thị. Một số làng thờ nhiều thành hoàng làng, nhiều làng có

thể thờ chung một thành hoàng. Thành hoàng không nhất thiết phải xuất xứ ở làng đang thờ phụng. Một số làng của người Kinh có thể vẫn thờ những thành hoàng xuất thân từ dân tộc ít người.

- Bên cạnh đó, ta còn thấy ở một số làng, dân làng thường suy tôn thành hoàng làng là Thánh, một kiểu như Phật, Chúa ở các tôn giáo khác chứ không phải là thần như sắc phong của triều đình. Có những thánh được thờ tự trên khắp cả nước như Thánh Gióng, Thánh Tản… Có những thánh được thờ tự từng vùng như Thánh Lưỡng, Thánh Bưng… Các nữ thần thì được gọi là thánh Mẫu. Có bốn vị thánh trường tồn, luôn bảo hộ cho nước Nam gọi là Tứ bất tử: Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh

+ Việc cúng lễ các thánh được thực hiện thành kính và giàu chất thẩm mỹ. - Thành hoàng được thờ ở đình làng, là vị thần tiêu biểu, phù hộ cho dân làng. Ý nghĩa văn hóa của tín ngưỡng này rất sâu sắc. Thành hoàng có công đức với làng, là thần tượng cho sự đoàn kết công xã. Những cuộc lễ bái, cúng tế thành hoàng được tổ chức rất trang nghiêm. Ở mọi đền, miếu đều có các ông Thủ từ lo việc hương khói hàng ngày. Đến hai ngày sóc, vọng của tháng thì đều cúng lễ hoa quả. Các ngày tiết trong năm đều cúng lễ nhưng long trọng nhất là trà nhập tịch mỗi năm một lần vào tháng giêng, tháng hai và tháng tám, cũng có nơi tổ chức nhân ngày thần hội. Trong đó bao gồm hai phần chính: phần đình đám và phần hội hè rất tưng bừng, vui vẻ.

- Qua đó, chúng ta thấy rằng, tín ngưỡng thành hoàng làng là loại tín ngưỡng đặc sắc nhất, nó phản ảnh rất rõ đời sống hiện thực của cộng đồng làng xã, là tổng hòa các quyền lợi kinh tế - chính trị - xã hội của một cộng đồng người sống chung trên một địa vực. Ở đây quyền lực hiện thực của cộng đồng đối với các thành viên được thể hiện một cách huyền ảo thông qua thần quyền. Ngày hội làng là dịp thắt chặt tình cảm giữa các thành viên trong làng. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm một điều là khá nhiều trường hợp tín ngưỡng thành hoàng lại bị biến thành trò mê tín dị đoan lạc hậu: chẳng hạn, có nhiều quy định ngặt nghèo bắt phải kiêng tên thành hoàng, hoặc bắt dân làng phải cống nộp vật phẩm để cúng thành hoàng rầm rộ, hao phí tiền của của dân làng xã…

Một phần của tài liệu Bài giảng Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền (Trang 47)