Tác động của quá trình đô thị hóa

Một phần của tài liệu Bài giảng Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền (Trang 87)

- SV tìm hiểu về hệ thống đình làng của Quảng Nam (thông qua các khóa luận, tiểu luận của sinh viên cao đẳng khoa Văn hóa – Du lịch)

6.1.2Tác động của quá trình đô thị hóa

- Một thực trạng đáng báo động là quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh và ảnh hưởng không ít đến quá trình gìn giữ, phát huy “văn hóa làng”. Trong hệ thống tính chất của đô thị hóa, xin đề cập đến ba tính chất quan trọng và phổ biến trong mọi loại hình đô thị hóa:

+ Tính chất không thể đảo ngược được (Irreversibility): Đô thị hóa bao giờ cũng là một sự thay đổi mà từ đó, ta không bao giờ quay ngược lại được trạng thái trước kia, một nơi nào đã có đô thị hóa thì xã hội hiện đại ấy không thể trở lại trạng thái tiền đô thị như trước đây.

+ Tính tăng tốc (Acceleration): Tốc độ của đô thị hóa càng ngày càng tăng nhanh, nhanh đến nỗi mà các chuyên gia về đô thị học vẫn phải luôn loay loay trong việc cập nhật tìm hiểu về bản chất và đánh giá những ảnh hưởng của nó lên xã hội, nhưng vẫn không cập nhật được.

+ Tính đứt đoạn (Discontinuity): Những thay đổi do đô thị hóa mang lại, tạo ra những đứt đoạn trong quá trình chuyển động. Mô hình và cơ chế mới trong xã hội hoàn toàn khác với những gì đã ngự trị trước đây. Cuộc cách mạng đô thị này tạo nên những đổi thay đột ngột làm cho con người bị cắt đứt với những hành vi quen thuộc đã có, bắt họ phải học cách suy nghĩ, cách hành động mới.

* Như vậy, đô thị hóa đòi hỏi con người phải chuyển động theo tốc độ chuyển động của nó. Tức là, một khi, một nơi đã có hiện tượng đô thị hóa, thì nơi ấy đòi hỏi một lối sống khác, một cách ứng xử văn hóa khác, khác hẳn với lối sống, với văn hóa nông thôn trước đây.

- Cũng từ đây, rất nhiều yếu tố văn hóa cổ truyền đã dần mất đi và thay vào đó là những kiểu văn hóa ngoại lai, không có bản sắc rõ nét. Ví dụ như quá trình đô thị hóa tại thành phố Hồ Chí Minh đang rung lên những hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống. Thông tư số 206-VHTT ngày 22.7.1986 của Bộ Văn hóa có xác định di tích văn hóa là những di tích có liên quan đến “lịch sử phát triển văn hóa của dân tộc Việt Nam như những bố cục điển hình của các xóm làng, bản, những ngôi nhà ở nông thôn…”. Theo đó, thì những cơ cấu điển hình của xóm, làng là những di tích văn hóa cần được bảo tồn. Cảnh quan làng xã Thành phố Hồ Chí Minh không có đầy đủ yếu tố của một cấu trúc điển hình của các làng xã Bắc bộ với cây đa, giếng nước, đường lát gạch Bát Tràng, lũy tre làng, nhưng làng xã thành phố vẫn có đình, chùa, nhà vuông, những ao sen, ao súng khoe sắc, những mái

dừa nước đơn sơ hay mái ngói đỏ thấp thoáng sau những bóng cây xanh… đó là những biểu tượng của văn hóa làng xã trước đây. Với chuyển động đô thị hóa, những biểu tượng ấy đang biến dạng, diện tích đình, chùa và nhà vuông ngày càng bị thu hẹp dần, nhất là những nơi tiếp giáp với nội thành. Còn lại cây xanh, một thành tố không thể thiếu được của nông thôn và đồng thời cũng của đô thị. Tuy nhiên, mảng xanh đô thị khác hoàn toàn với mảng xanh nông thôn. Mảng xanh nông thôn là vườn cây cho trái để bán, là nương dâu cho lá để nuôi tằm, là đồng ruộng cho lúa để ăn. Mảng xanh nông thôn, như thế, là nơi bảo đảm thu nhập cho cư dân, còn mảng xanh đô thị là yếu tố làm tăng chất lượng sống của thị dân. Dù chức năng có khác đi, nhưng mảng xanh là yếu tố không thể thiếu ở cả hai vùng.

+ Sự chuyển dịch kinh tế nông nghiệp - phi nông nghiệp làm mất hẳn vị trí quan trọng của cái đình. Đình ở đô thị không như đình trước đây. Ngày xưa, đình, vốn là sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp, là nơi phân xử các mâu thuẫn trong làng, là nơi hành xử đẳng cấp xã hội. Hiện nay, ngôi đình không còn ý nghĩa như thế mà đã trở thành một biểu tượng gắn với tín ngưỡng hơn là với nếp sống thường nhật. Từ việc vị trí của ngôi đình bị xô ngã, đưa đến sự thay đổi trong độ gắn bó của dân chúng đối với ngôi đình. Con người không còn gắn bó với ngôi đình nữa, nhất các cư dân vùng nội đô, nơi mà những ngôi đình ít ỏi còn sót lại, nằm nhỏ bé bên cạnh các ngôi nhà cao tầng lộng lẫy của thời kỳ đô thị hóa. Những ngôi đình ấy quả chẳng gây ấn tượng gì cho lớp trẻ đô thị hiện nay.

+ Những quy hoạch về đất cùng mật độ dân cư quá cao quanh những nghĩa trang, nghĩa địa đòi hỏi phải di dời chỗ yên nghỉ của người đã khuất. Việc di dời này đụng chạm khá mạnh đến quan niệm “mồ yên, mả đẹp” vốn hằng coi trọng sự an nghỉ của Tổ tiên của dân chúng. Sự chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị, làm cho đất đai nông nghiệp trở thành một thứ hàng hóa. Những mảnh ruộng để sản xuất, để hương hỏa trước đây trở thành một thứ của cải có giá trị to lớn của gia đình, gia tộc. Tình cảm gia đình, gia tộc bị lung lay nặng nề qua các cuộc tranh chấp đất đai, là dấu ấn sâu sắc của chuyển động đô thị hóa lên trên nếp sống văn hóa truyền thống, một nếp sống vốn được xây dựng trên cơ bản gia đình, gia tộc. Tác động này càng mạnh ở những gia đình có gia phong lỏng lẻo, không biết giữ gìn sự đoàn kết gia đình, gia tộc.

+ Sự chuyển đổi giá trị đất còn ảnh hưởng đến một số làng nghề thủ công truyền thống, mà tiêu biểu là nghề trồng hoa, nghề trồng thuốc lá, nghề đan chiếu…Những làng cổ như Ðường Lâm, Sơn Tây; nhà vườn Huế; những bản làng dân tộc thiểu số tiêu biểu cần giữ nguyên trạng trước làn sóng "xi-măng cốt thép".

- Sự ra đời các đô thị hiện nay chính là báo động cho sự biến mất của cái làng và văn hoá làng. Thời kỳ hội nhập với nền kinh tế thị trường đã “đổ ào” về những miền quê và nhanh chóng cuốn đi những ngôi làng với những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể có trong nó. Người ta ít thấy những ngôi làng cổ kính với cái cổng rêu phong. Và những làng còn sót lại, tồn tại với cái tên gọi là làng thì cũng chỉ dừng lại ở cái tên, những thứ tạo nên cái làng không còn nữa. Đó là những bờ ao, giếng nước, rặng tre, cái chợ quê…hoặc nếu còn thì những thực thể văn hóa cũng đã “biến dạng”. Nếu trước kia bờ ao, giếng nước, chợ quê chính là những sản phẩm của làng và văn hoá làng thì ngày nay thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, những con đường bê tông hiện đại. Sự vắng bóng của bờ ao, giếng nước, khóm tre chính là sản phẩm của đô thị hoá hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải khách quan mà nhìn nhận các góc độ trong sự phát triển. Cái được của đô thị hoá là ở mặt kinh tế, đời sống người dân được nâng cao, chất lượng cuộc sống tốt hơn...

- Ấy vậy nhưng, làng và văn hoá làng đang bị mất dần đi, mai một dần đi. Đương nhiên chúng ta không không thể bê nguyên những nét văn hoá làng xã khi sống trong đô thị nhưng làm thế nào để nó hài hoà, phát triển mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá cổ truyền riêng đó mới chính là câu hỏi đang cần lời giải. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người. Bên cạnh đó thì vai trò của các cơ quan chức năng cũng giữ vị trí quan trọng. Có một thực tế chúng ta đều nhìn thấy, chính chúng ta là thủ phạm phá bỏ đi những cái làng và văn hoá làng, rồi giờ đây chúng ta lại đi tìm và khôi phục nó. Đã có hàng loạt dự án, kế hoạch, để bảo tồn các ngôi làng cổ, xếp hạng cổng làng, đình, chùa, cây cổ thụ …được xếp hạng là di sản văn hoá cần được bảo tồn. Thế nhưng, công tác bảo tồn của ta luôn đi sau công tác xây dựng và phá dỡ. Đây cũng chính là công tác quản lý các di sản văn hoá hiện nay của các cơ quan chức năng. Thậm chí nhiều di sản sau khi được bảo tồn, tôn tạo thì mất đi giá trị gốc của nó. Việc làm mất đi những giá trị nguyên gốc của di tích đồng nghĩa với việc xoá đi một góc trong nền văn hoá làng nói riêng và văn hoá dân tộc nói chung.

Quan tâm phát triển kinh tế là một điều quan trọng trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, nhưng đánh mất bản sắc văn hoá là đánh mất tất cả. Trong Hội thảo “Nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá và hội nhập” được tổ chức cách đây chưa lâu, nhiều ý kiến cho rằng: Cuộc thành thị hoá lớn nhất lịch sử đang diễn ra với dòng dân cư lớn đổ về thành phố để lại sau lưng một sự trống vắng văn hoá và một vực thẳm ngăn cách giàu nghèo cả về kinh tế lẫn văn hoá. Làng và văn hoá làng biến mất hay tồn tại như thế nào sẽ là bài toán khó

nhưng phải có lời giải. Vì đó chính là bài toán đi tìm giá trị văn hoá con người Việt. Nam. Bảo tồn, gìn giữ làng và văn hoá làng chính là gìn giữ văn hoá của cha ông ta.

Một phần của tài liệu Bài giảng Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền (Trang 87)