4.1.2.1 Tình hình
- Do yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt nên các ngành nghề thủ công nghiệp đã xuất hiện khá sớm ở Việt Nam như chế tạo đồ đá, đồ gốm, đan lát, xe sợi, dệt vải, đóng thuyền, đúc đồng, rèn sắt...Đến thời Bắc thuộc có thêm một số ngành nghề mới như làm gốm men, pha lê, vàng bạc, nghề nề…Đến thời phong kiến có thêm in, tiện, chỉ, cẩn, chạm, khảm, dát vàng, bạc, làm đồ ngọc, …Danh mục đồ thủ công Việt Nam rất phong phú, ra đời từ thời xa xưa đạt đến trình độ điêu luyện, như nghề đúc đồng, gốm dệt…Thời Lý, Trần đã đúc được nhiều sản phẩm bằng đồng có kích thước lớn được người nước ngoài đánh giá cao và gọi là “An Nam tứ đại khí” đó là chuông Quy Điền, đỉnh tháp Báo Thiên, vạc Phổ Minh, tượng phật Di Lặc ở chùa Quỳnh Lâm. Sang thời Lê đã ra đời nhiều xã đúc đồng nổi tiếng ở Bắc Ninh đó là Đề Cầu và Đông Mai. Nhiều thợ thủ công nổi tiếng của hai làng này đã được vua Lê trưng tập về Thăng Long để đúc tiền và các khí vật cho triều đình, con cháu của họ lập nghiệp ở Thăng Long hình thành nên phường đúc đồng Ngũ Xã. Chính họ đã đúc được pho tượng đồng đen nổi tiếng chùa Trấn Vũ dưới thời vua Lê
Vĩnh Trị và sau này họ còn đúc được pho tượng Phật lớn nhất Việt Nam được đặt tại chùa Ngũ Xã. Ngoài ra, còn có nhiều trung tâm đúc đồng nổi tiếng khác gắn với các làng quê như ở Quảng Bá, Đại Bái, Trang Liệt…Nhiều thợ thủ công đúc đồng ở Bắc Ninh đi vào lập nghiệp trên nhiều vùng đất miền Trung và Nam bộ hình thành nên các trung tâm đúc đồng mới ở đây như là Phường Đúc (Huế), làng Phước Kiều (Quảng Nam).
+ Nghề gốm vốn xuất hiện ở Việt Nam từ thời văn hóa Bắc Sơn, sang thời Bắc thuộc đã tiếp thu thêm kỹ thuật làm gốm men của người Trung Quốc. Đến thời Lý, Trần người thợ thủ công Việt Nam đã sáng tạo nên nhiều loại gốm men ngọc rất đẹp. Đến cuối đời Trần, đầu thời Lê xuất hiện gốm men nâu...Phần lớn sản phẩm gốm, men ở Việt Nam được sản xuất tại làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), riêng gốm men nâu do làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang) sản xuất. Ngoài ra, còn có các trung tâm gốm sứ nổi tiếng vào các thế kỷ XVI, XVII như Chu Đậu (Hải Dương), Lò Chum (Thanh Hóa), Phước Tích (Phú Xuân), Thanh Hà (Quảng Nam), Biên Hòa (Đồng Nai)...Gốm sứ Việt Nam bấy giờ là loại sản phẩm đẹp không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn được người nước ngoài ưa chuộng. Trong thế kỷ XVI, XVII, hàng gốm của Việt Nam cũng đã được xuất sang Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, nó còn được các lái buôn Nhật Bản mua để bán cho các thương nhân phương Tây.
+ Nghề dệt vốn xuất hiện từ thời đồ đá mới tiếp tục phát triển sang thời kỳ Đông Sơn. Qua tư liệu khảo cổ học cho thấy lúc bấy giờ người ta xe được những sợi rất nhỏ, săn và mịn. Sang thời Bắc thuộc nghề nuôi tằm phát triển mạnh, trong năm nhân dân ta đã sản xuất được 8 lứa kén. Đồng thời, người ta đã dệt được các sản phẩm như vải bông, vải tơ chuối, tơ trúc, và lụa.
Sang thời nhà nước phong kiến người thợ thủ công Việt Nam đã dệt được các thứ vải như lụa, là, gấm, đoạn, trừa...
Trong kỹ thuật dệt người ta đã biết cải hoa để dệt được những tấm lụa hoa có màu ngũ sắc, rồi những tấm lụa đoạn màu vàng sẫm trên đó có hoa văn hình rồng cuộn. Ở các thế kỷ XVI, XVII hàng lụa vải Việt Nam rất được người nước ngoài ưa chuộng. Trong số 27 mặt hàng xuất sang Nhật có đến 11 mặt hàng là vải lụa, trong đó có những mặt hàng mới như sa màu, lụa bạch, lụa vân...
- Bên cạnh các nghề thủ công quan trọng nêu trên, một nét nổi bật trong thủ công nghiệp làng xã Việt Nam đó là sự phát triển phong phú các làng nghề thủ công mỹ nghệ như điêu khắc đồng, chạm trổ, điêu khắc gỗ, chạm bạc, khảm gỗ, xà cừ, đồi mồi, khảm sành sứ, khảm thủy tinh, sơn thiếp, sơm mài, in tranh, vẽ, thêu tranh, làm đồ kim hoàn...Đặc trưng của các nghề thủ công mỹ nghệ đó là nó gắn với các
nguyên liệu đặc sản của địa phương và nhất là các bàn tay vàng của người thợ thủ công. Chúng được làm ra bằng phương tiện sản xuất khá thô sơ nhưng nhờ có kỹ thuật và kinh nghiệm nghề nghiệp nên đã tạo ra được những sản phẩm vô cùng giá trị. Đây là một thế mạnh của thủ công nghiệp Việt Nam và ngày nay nếu biết khai thác thì có thể tạo ra được sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường khi mà sản xuất máy móc không thể tạo ra được những sản phẩm tài hoa và nghệ thuật như thế.
Chính trong sự phát triển thủ công nghiệp dưới thời Lý - Trần đã bắt đầu xuất hiện một số làng nghề. Sang thời Lê sơ, số làng nghề đã được tăng lên. Bên cạnh đó, do chủ trương trưng tập thợ thủ công lành nghề của nhà nước phong kiến để thành lập các Cục bách tác ở Thăng Long để chế tạo vật dụng cho nhà nước phong kiến, về sau họ ở lại lập nghiệp ở kinh đô. Ngoài ra, còn có một số thợ thủ công ở các làng quê đã di cư ra Thăng Long để từ đó hình thành nên các phường nghềở kinh đô, lập ra 36 phố phường ở kinh đô Thăng Long xưa.
4.1.2.2 Đặc điểm
- Mặc dù khá phát triển nhưng thủ công nghiệp trong các làng xã ở Việt Nam vẫn là nghề phụ của người nông dân và hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính chất gia đình. Ngay ở những làng nghề nổi tiếng như làng Bát Tràng thì ở đó cũng có trên một nửa số cư dân sống bằng nông nghiệp, làng cũng có ruộng công để trao cho nông dân cày cấy và ngay trong những gia đình làm nghề thủ công cũng có một bộ phận nhân lực chuyên làm về nông nghiệp.
- Đứng về mặt tổ chức thì gia đình có thể được xem như một xưởng thủ công loại nhỏ, trong đó những thành viên của gia đình và có thể có thêm những người họ hàng cùng nhau làm việc dưới sự chỉ huy của người gia trưởng. Ở những ngành nghề đòi hỏi có nhiều nhân công giúp việc cần phải thuê thêm nhân công thì những người lao động này cũng chỉ làm những công đoạn không dính dáng đến bí mật nghề nghiệp. Ngoài ra, còn có những người thợ thủ công cùng đi kiếm việc hoặc họp nhau thành từng đoàn do những người thợ cả đứng đầu quản lý về tiền công và nhận việc. Sau đó, tổ chức cho cả nhóm làm việc dưới sự chỉ huy của người thợ cả. Trong một số ngành nghề có sự liên kết giữa những người thợ cùng làm một nghề và lập nên hội bách nghệ gọi là phường do người phường trưởng đứng đầu. Họ cùng thờ chung một vị tổ sư nghề nghiệp, hàng năm cùng nhau tổ chức giỗ tổ cũng như tổ chức giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất để ngăn chặn tình trạng cạnh tranh gây thiệt hại cho những người cùng nghề.
* Tóm lại, tuy hoạt động thủ công nghiệp ở các làng xã Việt Nam khá đa dạng nhưng vẫn không thoát khỏi sản xuất nông nghiệp. Đối với những phường hội thủ công nước ta, chúng cũng được vươn lên trình độ là những phường hội thủ công,
phong kiến. Sự liên kết ở đây nặng về tính chất tương trợ, cộng cảm chứ chưa thành những tổ chức liên kết sản xuất và đơn vị sản xuất thủ công nghiệp vẫn chỉ là những gia đình cá thể.