Thuật ngữ “khoán ước”, “hương ước”

Một phần của tài liệu Bài giảng Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền (Trang 31)

- Thuật ngữ khoán ước lần đầu tiên được chép đến trong Đại Việt sử ký toàn thư

vào năm 1370: “Bấy giờ Nho thần là Lê Quát cũng muốn làm tỏ rõ thánh đạo, ruồng bỏ dị đoan, mà không thể làm được, từng làm bài văn bia ở chùa Chiêu Phúc ở Bái thôn lộ Bắc Giang rằng: “Nhà Phật lấy họa phúc để cảm động lòng người, sao mà được người tin theo lâu bền như thế! Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, dù đến hết tiền cũng không sẻn tiếc: Vì ngày nay gửi gắm vào tháp chùa thì trong lòng sung sướng như nắm được khoán ước để lấy sự báo ứng ngày sau...” [17; 36]

+ Đoạn văn bia trên cho thấy thuật ngữ khoán ước vừa có nghĩa bằng cứ làm tin, ngoài ra rất có thể khoán ước trong thực tế đã tồn tại nơi làng xã, và được xem như một số quy ước rất đơn giản ban đầu về một số mặt nào đó thuộc đời sống của dân làng.

+ Sang thế kỷ XV, đặc biệt dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), thuật ngữ khoán ước bao hàm nội dung một số quy ước của dân làng cũng trở nên tương đối phổ biến. Trong Hồng Đức thiện chính thư, Lê Thánh Tông ra chỉ lệnh hạn chế bớt việc làng xã lập khoán ước riêng, vượt quá nhữngkhoán ước của nhà nước.

+ Từ thế kỷ XVI - XIX, thuật ngữ khoán ước, trong đó quy định về một số mặt hoạt động của làng như hậu Thần, hậu Phật....đã rất thông dụng. Đấy là thời kỳ nở rộ khoán ước trong các làng xã người Việt mà chúng ta có thể thấy nhiều dẫn chứng sinh động: Khoán ước làng Trà Thượng (khoảng thế kỷ XVI), Khoán giáp làng Quỳnh Đôi (1645), Danh hương khoán lệ (1665)...

- Cũng như khoán ước, hương ước vốn là thuật ngữ nguyên Hán được du nhập vào Việt Nam. Căn cứ vào những hương ước sớm nhất được nghiên cứu thì ta có thể dự đoán vào khoảng thế kỷ XV đã xuất hiện hương ước làng xã người Việt, nhưng lúc bấy giờ chưa phổ biến. Thế kỷ XVI, XVII vẫn là thế kỷ của khoán ước. Từ thế

kỷ XVIII trở đi thuật ngữ hương ước đã xuất hiện thường xuyên hơn: Hương ước và tục lệ (1709), Đông Ngạc xã hương ước điều lệ (1741), Hương ước làng Tiệp cốc (1747)...nhưng trong làng xã vẫn thịnh hành khoán ước. Từ thế kỷ XIX trở đi thuật ngữ hương ước mới thật sự phổ biến hơn trước: Hà Vĩ xã hương ước (1803), Thủ trung hương ước (1835), Thụy Khuê xã hương ước (1839)...Trong nhiều làng xã đương thời vẫn tồn tại song song hương ước và khoán ước.

+ Nội dung của những hương ước đầu tiên thường khá đơn giản. Sau này, do sự phát triển về nhiều mặt của làng xã nên hương ước cũng dần được bổ sung cho hoàn chỉnh. Từ đó, hương ước ngày càng phong phú và càng đậm tính chất tự trị riêng của các làng xã người Việt.

* Như vậy, chúng ta có thể hiểu khoán ước và hương ước vốn là những thuật ngữ nguyên Hán. Khoán ước là bằng cứ có giá trị sử dụng đối với toàn thể xã hội. Khoán ước, hương ước có nét giống nhau vì bao gồm những quy ước - (hoặc một số quy ước) làm bằng cứ chung (hoặc làm tin) giữa cá thể với nhau, giữa cá thể với cộng đồng, có thể là cộng đồng nhỏ (tổ chức hàng hội, tộc họ) hoặc cộng đồng lớn hơn làng xã, lớn hơn nữa là cộng đồng quốc gia. Song sự khác nhau giữa khoán ước và hương ước là ở chỗ, khoán ước được sử dụng trong phạm vi cực nhỏ giữa người mua và người bán đến phạm vi cực lớn giữa nhà vua đứng đầu vương quốc ban cấp thiết khoán cho chư hầu, công thần. Trong khi đó hương ước là những quy ước theo lối sống Nho giáo được khuôn trong phạm vi rất hẹp của một làng hoặc từng làng mà các thành viên sống ở đó phải tuân thủ.

2.3.2.2 Sự hình thành chính thức các lệ làng dưới thời phong kiến

* Điều kiện ra đời của hương ước

- Sự can thiệp của nhà nước phong kiến đối với làng xã:

+ Làng xã vốn là nơi tụ cư chủ yếu của người dân Việt. Trong buổi đầu mới nhóm thành lập, nhà nước phong kiến chưa có điều kiện can thiệp sâu vào công việc làng xã. Thế nhưng sau này, nhà nước phong kiến đã từng bước kiểm soát hoạt động của làng xã thể hiện qua những chính sách rất cụ thể về kinh tế và xã hội, mà hiệu quả thực tiễn của chúng rất cao.

+ Các vua chúa phương Đông, cũng như ở Đại Việt đều thể hiện tính tập quyền cao độ. Một trong những biểu hiện cho tính chất tập quyền đó là việc khẳng định quyền sở hữu ruộng đất tối cao của nhà vua đối với đất đai trong toàn quốc. Nhà nước từ thời vua Lê Thánh Tông đến Trịnh - Nguyễn đều nhất quán bảo lưu chế độ quân điền. Với chính sách này, nhà nước nắm phần lớn ruộng đất công làng xã thông qua bộ máy quản lý làng xã, thu được tô thuế và bắt nông dân thực hiện nghĩa vụ lao dịch. Chế độ ruộng công và chính sách quân điền đã ràng buộc người nông dân với

khẩu phần ruộng đất nhỏ hẹp, cột chặt họ với làng xã của mình; tạo nên sự gắn kết mang tính cộng đồng làng xã bền vững. Có người nghĩ rằng với chế độ ruộng công đã tạo cơ sở kinh tế làm nảy sinh hương ước. Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng về điều kiện kinh tế chưa đủ, mà phải chú ý đến nhiều vấn đề xã hội khác. Cũng với việc thực thi chính sách quân điền nhà nước cũng từng bước can thiệp ngày càng sâu vào làng xã, duyệt phê danh sách xã quan, lý dịch, hướng bộ máy đó phục vụ đắc lực cho quyền lợi của nhà nước phong kiến tập quyền.

+ Trong quá trình can thiệp và để khống chế đời sống tinh thần của làng xã, nhà nước phong kiến từ Lê - Trịnh, Nguyễn đều nhất quán lồng tư tưởng quân chủ Nho giáo xuống tận làng xã thông qua việc ban bố rộng rãi sách và giáo điều phong kiến. Thời Lê Tương Dực (1511) cho công bố sách Trị Bình bảo phạm gồm 50 điều. Năm 1663, Lê Cảnh Trị ban bố 44 điều giáo hóa triều Lê nổi tiếng nhằm răn dạy quan lại và dân chúng theo giáo hóa của nhà vua. Minh Mạng cho ban bố Huấn điều gồm 10 mục để an dân...Tư tưởng Nho giáo mà nòng cốt là Tam cương và Ngũ thường được coi là những chuẩn mực đạo đức trong các quan hệ xã hội phong kiến. Ngoài những giáo điều, huấn điều và các sách kinh điển Nho gia nhằm nêu cao giường mối xã hội, nhà nước còn phổ biến rộng rãi Gia lễ của Chu Công và Thọ Mai gia lễ, hướng các làng xã theo quỹ đạo của mình.

+ Trước sự can thiệp ngày càng ráo riết và ảnh hưởng sâu rộng của nhà nước phong kiến, khách quan đã tác động mạnh mẽ đến quá trình tự phát triển nhiều mặt của các làng xã làm nảy sinh hương ước.

- Nhu cầu tự thân của làng xã: Làng xã ban đầu chỉ là một cộng đồng tụ cư nhỏ gồm một hoặc hai gia đình. Sau đó, do sự gia tăng về dân số, diện tích đất đai được mở rộng, làng từ một đơn vị tụ cư trở thành một đơn vị kinh tế xã hội hoàn chỉnh; cư dân trong cộng đồng làng liên kết với nhau trên cơ sở quan hệ địa vực (gắn với một không gian xã hội cụ thể) kết hợp với quan hệ huyết thống (gia đình và dòng họ) và các quan hệ khác nhau như quan hệ nghề nghiệp, lớp tuổi, tín ngưỡng và tôn giáo...Những quy ước của dòng họ, phường hội, xóm ngõ...chỉ có tác dụng điều chỉnh trong một bộ phận dân cư, không đủ sức để quản lý các quan hệ mở rộng và ngày càng phức tạp của làng xã. Chính vì thế hương ước ra đời vừa đảm bảo cho sự vận hành đều đặn của guồng máy làng xã và đảm bảo quyền lợi cho mỗi thành viên trong cộng đồng làng xã. Song để phiên lệ làng thành văn, soạn ra các quy ước, nhất thiết phải có một tầng lớp biết chữ Hán, Nôm. Đấy chính là điều kiện trực tiếp, rất cần để cho ra đời các bản hương ước của các làng xã Việt Nam

- Tầng lớp nho sĩ: Ở nước ta thời kỳ Lê Thánh Tông khoa cử rất phát đạt, việc học và tổ chức thi cử được nhà nước rất chú trọng. Bấy giờ không phải xã nào cũng

có trường hương học mà chủ yếu thịnh hành các lớp tư thục do các thầy đồ đảm nhiệm. Giáo dục phong kiến chưa đạt đến trình độ phổ cập toàn xã hội nhưng với truyền thống hiếu học và khuyến học, nhiều làng xã đã trở thành nổi danh khoa bảng đỗ đạt.

+ Sang thế kỷ XVIII-XIX, do tình hình chính trị có những biến động phức tạp “năm 1730 đồng bằng Đàng Ngoài có tới 527 làng phần nhiều phiêu tán. Hoặc vào những năm 70 của thế kỷ XVIII riêng ở 6 trấn miền xuôi của Đàng Ngoài đã có đến 1482 xã phiêu tán tức là khoảng 15% tổng số xã” [17; 103]. Do đó, nhiều Nho sĩ đã không ra ứng thi, tự nguyện ở lại quê quán gắn bó với cuộc sống dân dã. Nhiều người đã trở thành thầy dạy học, vừa truyền tải đạo Nho và những tri thức văn hóa truyền thống dân tộc cho lớp hậu sinh. Có người trở thành thầy lang bốc thuốc trị bệnh cứu người. Chính trong số những Nho sĩ bình dân đó nhiều người đã tham gia vào bộ máy xã quan hay chức dịch làng xã...Những tri thức bình dân ở làng chính là người tham gia soạn thảo hương ước.

* Như vậy, hương ước vốn là tục lệ của dân làng, khi làng xã buổi sơ khai tục lệ vốn đơn giản và truyền khẩu. Sau do quá trình can thiệp của nhà nước phong kiến và sự phát triển mọi mặt của làng xã khiến tục lệ truyền khẩu không còn thích ứng với tình hình thực tế, hương ước ra đời. Tuy thời gian ra đời của hương ước các làng xã không giống nhau nhưng chúng ta thấy các bản hương ước của làng đều bao hàm nội dung phong phú, liên quan đến hầu hết mọi hoạt động của dân làng.

* Nội dung của hương ước

Nhìn chung, các bản hương ước trong cả nước, tuy cách sắp xếp khác nhau về nội dung, nhưng đều tập trung vào một số vấn đề nhất định.

- Bảo đảm việc tế tự, cúng lễ trong làng và xác định rõ ràng tôn ty, trật tự: Trong các hương ước, vấn đề tế tự bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Điều này hoàn toàn bình thường trong xã hội xưa vì người dân tin vào thần linh, gửi gắm những ước mơ, nguyện vọng để đảm bảo cuộc sống tâm linh. Đình chùa miếu mạo cùng các lễ tiết to nhỏ đều được ghi rõ trong các hương ước trở thành những điều thiêng liêng, trân trọng, người dân không được vi phạm. Tiếp ngay sau đó là việc phân chia cỗ bàn cho hợp lý. Nhận được phần biếu ở lễ làng là một vinh dự lớn lao của người dân xưa. Họ quan niệm “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Cùng với việc chia phần cỗ biếu còn có việc sắp xếp chỗ đứng ngồi, làm việc hay ca xướng...Tất cả đều được ghi chép và phân định trong hương ước.

- Vấn đề bảo vệ môi trường, ruộng đồng, đóng góp với xóm làng: Người dân rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường nên trong hương ước luôn có những điều khoản ghi các quy tắc để đảm bảo: nước, phân, cần, giống. Những chuyện phá bờ,

lấn đất...đều bị phạt. Có những hương ước ghi lời cảnh cáo nghe rất nặng nề như “Kẻ nào bán trộm ruộng vườn thì thật là người không cha” (Hương ước làng Nỗ giáp, Thanh Hóa).

+ Không phải chỉ quan tâm đến nông nghiệp, ở các làng có những nghề nghiệp khác như đánh cá, đi buôn, làm nghề thủ công, hương ước cũng chỉ đưa ra những điều khoản rạch ròi: chủ thế nào, thợ thế nào, việc đóng góp thể hiện trách nhiệm với làng xã bao nhiêu,...thật là chu đáo.

- Vấn đề khuyến khích học tập: Hương ước các làng đều có những điều khoản tỏ ra rất trân trọng và khuyến khích sự học. Hầu như tất cả đều ghi quyền lợi làng dành cho những người học hành đỗ đạt. Những làng có thành tích khoa cử càng cao thì những điều khoản này ngày càng phong phú (các làng ở Hải Dương, Bắc Ninh, Nghệ An là những mảnh đất nổi tiếng hiếu học, đa sĩ). Ngay những việc đón tiếp người thi đỗ, lễ mừng, lễ khao vọng...đều được quy định rõ ràng. Có làng lại có lễ biếu ruộng: đỗ tú tài biếu năm sào, đỗ cử nhân biếu một mẫu, đỗ phó bảng biếu một mẫu năm sào, đỗ tiến sĩ biếu hai mẫu...(hương ước làng Tư Lễ, Nghệ An).

- Vấn đề bổn phận và quan hệ ứng xử: Hương ước nhiều làng đã quan tâm đến đạo đức, tư cách con người trong làng xóm và thường có những điều khoản nhắc nhở đạo làm con em, thi hành kỷ luật những người bất hiếu, bất mục, hoặc những kẻ lỗi đạo ông cháu, cha con, vợ chồng. Có cả những trường hợp cha mẹ thiếu tư cách thì cả gia đình cũng bị ảnh hưởng lây: “Trong làng có người ngang ngược hay chửi bới người khác, thì con cháu người ấy có đến học với thầy nào cũng không được dạy. Người ấy có đi thi Hương, thi Hội cũng không cho vào Hội Tư văn. Nhà người ấy có việc mừng cỗ hay ma chay, mời Tư văn làm lễ, Tư văn không đến giúp...(Khoán hội tư văn làng Quỳnh Đôi, Nghệ An).

- Về các hình phạt: Lệ làng bao giờ cũng có hình phạt và thường nặng về hình phạt. Những vi phạm như đánh bạc, ăn trộm, thiếu tôn trọng các bậc già cả và các bậc cao quý của làng, lấn chiếm ruộng vườn, gây mất trật tự, kẻ có lỗi thường bị đưa ra xã hội và bị phạt tiền. Đối với phụ nữ thường có hình phạt nặng nề hơn, nhất là khi phạm tội gian dâm, có khi họ bị trói giải đi bêu các ngõ, bị đánh bằng roi,...và phạt cả người nhà. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Ngoài những điểm chính trên, các hương ước của nhiều địa phương còn ghi thêm nhiều điều khoản như:

- Việc trọng lão: Tinh thần trọng lão rất được quán triệt. Nguyên tắc thường được ghi là “thượng thọ vi tiên”. Có làng chia ruộng cho các cụ già, thường được gọi là ruộng kính biếu cho các lão nhiêu.

- Việc tang ma, cưới xin cũng được ghi rất đầy đủ. Về những lễ tống táng thì tùy theo vị trí và tuổi tác của người qua đời. Việc lấy vợ, lấy chồng, nhiều làng có những quy định khác nhau, phổ biến là lệ nộp cheo. Hôn nhân mà “cheo có làng, cưới có họ”, mới được coi là hôn nhân hợp pháp.

- Ở một số bản hương ước còn ghi cả việc bầu cử lý trưởng, cũng như quyền lợi được hưởng thụ của các lý dịch. Có cả những điều khoản phạt: bắt lý trưởng thôi việc, phạt tiền nếu những người này hay nhũng nhiễu dân chúng (Hương ước làng Vân Nam, Nghệ An).

- Điểm qua vài nét trên, ta thấy nhân dân đã rất có ý thức xây dựng một văn hóa truyền thống. Mọi việc của làng đều được hương ước đề cập đầy đủ, rõ ràng và chặt chẽ. Tất nhiên sự thi hành hương ước không phải lúc nào cũng trọn vẹn, và trong khá nhiều trường hợp hương ước cũng gây ra những phiền hà, nhưng quả thật nó đã giúp cho làng xã Việt Nam trở nên bền vững, có thuần phong mỹ tục.

- Trong thời phong kiến, nhiều làng đã xây dựng được hương ước. Tất cả hương ước đều bằng văn xuôi, ghi rõ các điều khoản. Muốn phổ cập các hương ước này, hàng năm vào dịp đầu xuân, làng xã phải họp toàn dân (đồng hương thượng hạ) và đọc các điều khoản cho mọi người được rõ. Các nhà khoa bảng hay các vị cao tuổi có đức độ trong làng sẽ giải thích thêm cho con cháu và dân làng nghe. Trong một số làng còn sáng tạo ra nhiều hình thức khác nhau để góp phần phổ biến hương ước như chuyển nội dung hương ước thành lời ca tiếng hát để nhân dân dễ nhớ, dễ thuộc

Một phần của tài liệu Bài giảng Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền (Trang 31)