- Thờ Khổng Tử và các tiên hiền: Trong làng xã ngày xưa cùng với việc khuyến khích học tập nhất là sinh hoạt của Hội tư văn có việc thờ Khổng Tử và các tiên hiền, các bậc khoa cử đỗ đạt của làng.
+ Việc thờ tự này được tiến hành ở các văn từ, văn chỉ. Đây là những nơi được xây dựng trên những gò cao, phong cảnh thanh nhã êm đềm. Đối với văn từ, đó là một tòa nhà có mái, còn văn chỉ thường là một bệ thờ xây lộ thiên. Văn từ, văn chỉ có ba lớp: trong cùng thờ Khổng Tử và tiên hiền; lớp thứ hai gồm ba ban: ban giữa thờ những người trong làng đỗ đạt khoa cử và những người làm quan từ tứ phẩm trở lên, ban bên phải thờ những người trong làng đỗ Trung khoa (cử nhân) và làm quan từ thất phẩm trở lên, ban bên trái thờ những người trong làng đỗ Tiểu khoa (tứ tài) và những người làm quan từ cửu phẩm đến bát phẩm. Lớp thứ ba là bái đình, đây là nơi dùng để cúng bái trong những lúc tế tự.
+ Hàng năm tại các văn từ, văn chỉ có hai lần tế: xuân tế và thu tế, đến ngày sinh của Khổng Tử thì dân làng tổ chức làm lễ tạ văn từ, văn chỉ. Năm nào có khoa thi thì sĩ tử trong làng đến cúng bái tại văn từ, văn chỉ gọi là lễ từ khoa. Cũng có nơi cả làng đều tham gia lễ từ khoa để cầu mong cho làng mình được nhiều người đỗ đạt. Sau khi đỗ đạt các tân khoa được làm lễ vinh qui và đến bái tạ tại văn từ, văn chỉ của địa phương. Trong làng nhà nào có con đi học thì đến nhà thầy đồ cùng với đồ lễ và được thầy đồ dẫn đến văn từ, văn chỉ để làm lễ xin được học đạo thánh.
* Tín ngưỡng này là một nét đẹp của làng quê Việt Nam, nói lên đức hiếu học của những người dân quê thuần hậu, chất phát. Góp phần hình thành nên truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người dân Việt.
- Thờ Tiên sư (Tổ sư): các làng nghề thủ công hoặc có những người chuyên làm nghề thủ công thì trong làng có lập miếu thờ tiên sư, tổ sư, nghệ sư. Tổ sư nghề nghiệp là người đầu tiên phát minh ra nghề nghiệp ấy hoặc là người đầu tiên đem nghề nghiệp ấy từ nơi khác về truyền lại cho dân làng.
+ Tục thờ tiên sư, biểu hiện lòng biết ơn đối với tổ sư nhưng đồng thời người ta cũng cho rằng tổ sư là vị thần bảo hộ cho nghề nghiệp của mình. Trong những ngày tuần tiết hoặc sóc, vọng, giỗ tết ngoài việc cúng gia tiên người ta còn cúng cả tổ sư. Trong năm lễ cúng tổ sư quan trọng nhất là nhằm vào ngày húy nhật của tổ sư. Trong ngày này, những người trong làng cùng làm một nghề họp lại thành phường, đứng ra tổ chức việc giỗ phường. Những khi bắt đầu khởi sự một công việc gì hoặc khi hoàn thành một công việc gì người ta đều làm lễ tổ sư. Đối với những người hành nghề, ngoài các trường hợp trên thì những khi gặp bất trắc, hoặc gặp may mắn họ cũng đều làm lễ khấn tổ sư với mong muốn được tổ sư giúp đỡ cho công việc được thuận buồm xuôi gió hay cảm ơn tổ sư vì đã đem lại may mắn cho gia đình.
* Tín ngưỡng này hiện nay vẫn còn tồn tại ở các làng quê Việt Nam, nói lên đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
3.2 Tôn giáo
- Phật giáo: Từ xưa đạo Phật đã truyền vào nước ta và trở thành tôn giáo chính của dân làng, do đó ở hầu hết các làng đều có những ngôi chùa thờ Phật do công lao đóng góp của toàn thể dân làng xây dựng nên. Ở những nơi không có chùa thì dân làng thường đi trẩy hội chùa ở nơi xa hoặc đến lễ ở những chùa gần nhất.
+ Chùa thường được xây dựng ở những nơi phong cảnh thanh u cách xa khu cư trú và giao cho các nhà sư đứng ra trông coi. Ở những làng không có sư thì làng cử một thầy Già Lam đứng ra trông coi. Thầy Già Lam không bắt buộc ở lại chùa, cũng không bắt buộc thường xuyên ăn chay nhưng hàng ngày phải lo hương khói và đến ngày sóc, vọng, tuần tiết thì thầy Già Lam phải giữ mình cho thanh tịnh để làm nhiệm vụ nơi cửa chùa. Trong chùa thường có một tòa nhà chính ở giữa để thờ Phật và những gian nhà phụ để thờ tổ hoặc để nhân dân địa phương gửi hậu cho tổ tiên mình. Tầng lớp tăng đồ ở trong chùa gồm: đầu tiên là hạng Sadi (hay là tiểu Sa môn) tục gọi là chú tiểu, tiếp đến là hạng Trung Sa môn (sư bác hay sư thầy), thượng tọa (sư ông), hòa thượng (sư cụ). Nhân dân trong làng đều có niềm tin vào Phật nên thường xuyên lui tới chùa để hương khói. Sớm chiều các tăng ni lo thắp hương, đèn lễ Phật, đánh chuông, gõ mõ, tụng kinh. Hàng tháng cứ đến ngày rằm, mùng 1, các
thiện nam, tín nữ trong làng đem hương hoa, đồ chay đến chùa làm lễ cầu nguyện xin Phật phù hộ độ trì cho gia đình mình. Đến ngày 8 tháng 4, về sau đổi thành ngày rằm tháng tư là ngày viếng Phật tổ. Rằm tháng bảy là lễ Vu lan. Các chùa đều làm lễ rất to nhằm kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật hoặc để siêu độ, giải oan cho các cô hồn. Thường khi trong nhà có người đau yếu thì người ta đều đến chùa để cầu khấn xin Phật tổ giúp người bệnh mau khỏi, phù hộ cho cả gia đình có sức khỏe tốt. Hàng năm vào đầu mùa Hạ để cầu sự bình an cho cả dân làng người ta làm lễ kỳ an (cầu mát), trong đó người ta cầu Phật và cả thần thánh phù hộ cho dân làng được bình yên.
Phật giáo ở các làng quê Việt Nam đã thật sự được dân gian hóa cả bề mặt lẫn bề sâu. Bên cạnh những chùa chỉ thờ Phật thì vẫn có những chùa thờ Trời như chùa Kinh Thiên ở phường Thuận Trạch, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Xung quanh tượng Phật, cách tiếp thu của nhân dân cũng rất gần gũi với đời thường (có ông Vô Lo, ông Nhịn Ăn, ông Nhịn Mặc…). Ngay đối với đức Thích Ca hay với các vị Phật tổ khác, người dân cũng không rõ sự tích mà chỉ hướng vào đức Quan Âm. Nhiều nơi tín ngưỡng Phật Giáo và tín ngưỡng dân gian bản địa được thờ hỗn hợp. Phật giáo chùa Dâu và Phật Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) ở Bắc Ninh cho thấy rõ điều ấy.
* Theo dòng lịch sử, Phật giáo trải qua nhiều chặng đường thăng trầm, nhưng Phật giáo ở làng vẫn có sức sống riêng và trường tồn đến ngày nay.
- Đạo giáo: Đạo giáo được khởi thủy từ Trung Quốc, được phổ biến rất rộng rãi, thích hợp với khuynh hướng tâm linh của quần chúng thường cầu mong sự phù hộ của thần linh đối với bản thân và gia đình.
+ Theo dân gian, đứng đầu các vị thần là Ngọc Hoàng thượng đế. Ngọc Hoàng có hai viên quan coi sóc việc sinh tử là Nam Tào, Bắc Đẩu, cùng nhiều vị thần có chức năng khác nhau. Mỗi gia đình ở dương thế được Ngọc Hoàng phái xuống một vị thần, chuyên ở trong bếp, giám sát mọi việc trong nhà, đó là Táo quân. Còn nhiều thần nữa ở các phương nam, bắc, đông, tây…
+ Đạo giáo khi truyền sang Việt Nam đã được một tầng lớp hành nghề truyền bá rộng rãi và rất được hưởng ứng, nhất là ở các làng. Dân làng tin một cách thành thực, bởi họ tìm thấy ở Đạo giáo một sự hợp lý hồn nhiên, đúng như họ đã thấy thông qua triều đình phong kiến trung ương. Nhà nào cũng thờ cúng ông Táo. Nhưng ở làng, lại không có đền miếu nào thờ thần của Đạo giáo cả. Lão Tử được chuyển thành Thái Thượng Lão Quân, hay những người mở đầu đạo phái như Trương Đạo Lăng, Cát Hồng… đều không có đền thờ. Những vị thần như Ngọc Hoàng, Đế quân… có thể thờ ở chùa hay đình. Đạo giáo có sự kết hợp với Phật giáo,
và những người dân làng bình dị thì duy trì một niềm tin vững chắc vào sự tồn tại của một thế giới tâm linh, mang lại cho họ niềm tin vào cuộc sống.