Thương nghiệp làng xã

Một phần của tài liệu Bài giảng Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền (Trang 65)

4.1.3.1 Chợ làng: đã xuất hiện ở Việt Nam từ thời nguyên thủy. Xuất phát từ nhu cầutrao đổi sản phẩm giữa các cư dân trong làng xã và các cư dân làng xã ở các địa phương với nhau mà chợ làng được hình thành. Chợ thường đặt những nơi tập trung cư dân đông, trung độ (giữa các đường) hay ở đầu làng hoặc ở những nơi giao điểm của các đường giao thông liên xã … Chợ thường họp theo phiên hai hoặc bốn ngày một lần. Hàng hóa ở chợ thường là gạo thóc rau quả, rổ rá, con gà, lợn do người sản xuất ra và làm thêm trong lúc nông nhàn. Những người tham gia sinh hoạt ở chợ phần lớn là phụ nữ, tranh thủ thời gian nông nhàn đến chợ mua đi bán lại kiếm thêm đồng lời góp vào thu nhập gia đình.

- Thời Lê Sơ hoạt động buôn bán phát triển nên nhà nước cho ban hành thể lệ họp chợ, quyết định quy tắc họp luân phiên theo đó địa điểm họp chợ thay đổi xã này sang xã khác trong một cụm liên xã. Xã nào chưa có chợ thì nhà nước khuyến khích việc làm chợ. Các phiên chợ họp cách nhau 5 - 6 ngày căn cứ vào lịch phiên họp chợ các làng, người đi buôn chuyên nghiệp vẫn có thể hoạt động buôn bán quanh năm suốt tháng.

- Sang thế kỷ XVI - XVIII do tác động của luồng thương mại quốc tế và nhu cầu tập kết hàng hóa để cung cấp cho thuyền buôn nước ngoài nên ra đời chợ tổng, chợ huyện, chợ phủ với quy mô lớn hơn chợ làng. Đó là những nơi tập hợp nông - lâm - thổ sản để cung cấp cho những lái buôn đường dài. Chợ làng không chỉ là nơi giao lưu kinh tế trong vùng mà còn là điểm mở trong giao lưu văn hóa giữa các làng xã.

4.1.3.2 Làng buôn: Trên đà phát triển kinh tế hàng hóa đến thế kỷ XVIII lần đầu xuất hiện một số làng buôn ở Bắc bộ: Đa Ngưu, Báo Đáp, Phù Lưu … Tại các làng buôn, dân làng lấy nghiệp buôn bán làm chính và ngành sống của họ cũng do hoạt động thương nghiệp mang lại. Tuy hoạt động kinh tế của dân làng là buôn bán nhưng đây không phải là cư dân thành thị. Trong số các làng buôn lúc bấy giờ, Phù Lưu là làng tiêu biểu nhất. Nó vốn là làng cổ nằm vị trí thuận lợi trên đường giao thông thủy bộ nối liền các trung tâm kinh tế - chính trị của đất nước. Chợ Phù Lưu ra đời sớm, đến cuối thế kỷ XV trở thành chợ lớn trong vùng, mặt hàng chính mà người Phù Lưu bán là the, lụa. Họ mua bán trao đổi không chỉ ở chợ Phù Lưu mà còn tỏa ra nhiều nơi khác trong vùng. Tại chợ có gần 30 quầy hàng cố định. Mặc dù vậy nó vẫn chưa tách biệt với nông thôn để trở thành đô thị. Nghề buôn bán tuy phát triển

nhưng ở thờiđiểm phát đạt nhất thì trong làng vẫn duy trì thành phần nông nghiệp. Cấu trúc làng cũng không vượt khỏi cấu trúc truyền thống của làng nông thôn. Bộ máy hành chính tự trị của làng cũng có hào lũy, có cổng làng đóng kín, làng cũng chia thành thôn, xóm, giáp có tính chất hành chính tự trị không khác với những làng nông nghiệp. Trong làng cũng có đủ thành phần xã hội sĩ-nông-công-thương và tầng lớp thương nhân chưa bao giờ tách ra thành một tầng lớp độc lập và vươn lên nắm vai trò chi phối làng xã. Ngoài những làng buôn nổi tiếng ở Đàng Ngoài thì ở Đàng Trong ra đời một số thị tứ: Tam Kỳ, Nước Mặn, Hội An. Thị tứ có khi là huyện lị cũng có khi không phải nhưng không có dịch vụ và sản xuất hàng thủ công. Có thể xem thị tứ là một dạng tiền đô thị hay bán đô thị. Trong thị tứ các quầy hàng được phân chia rõ nét, có khu buôn bán các sản phẩm lương thực, có khu buôn bán hàng thủ công nghiệp, có khu buôn bán gia súc, gia cầm. Ở mỗi khu lại chia thành khu vực nhỏ hơn như khu vực buôn bán lương thực có các dãy lương thực thực phẩm, đồ ăn đồ uống. Khu vực bán hàng thủ công nghiệp có dãy bán các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp (cày, cuốc, liềm, hái), có dãy bán dụng cụ hoạt động gia đình, có dãy bán vải vóc, có dãy bán đồ thủ công mỹ nghệ, đồ thờ cúng. Nhìn chung, do đặc điểm kinh tế tự cung tự cấp, tư tưởng trọng nông ức thương, sự phát triển hạn chế của kinh tế hàng hóa nên hoạt động thương nghiệp trong làng xã thường không phát đạt mấy và nó gắn chặt với sản xuất nông nghiệp nên mang tính chất trao đổi sản phẩm nội bộ.

Một phần của tài liệu Bài giảng Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền (Trang 65)