Nội dung của gia phả

Một phần của tài liệu Bài giảng Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền (Trang 25)

- Nguồn gốc và quá trình phát triển của họ: chúng ta biết rằng nguồn gốc họ của người Việt Nam có từ rất lâu đời, nếu không có sự ghi chép từ các sách cổ hoặc gia phả cổ thì người đời sau rất khó để biết được tổ tông của mình. Bên cạnh đó, do hoàn cảnh đất nước, người dân Việt luôn phải đối mặt với nạn ngoại xâm, hay là các cuộc nội chiến, một số họ đã thay đổi vì nhiều lý do khác nhau. Cho nên, việc tìm ra đúng nguồn gốc cần những khảo chứng cụ thể mà gia phả là một trong những minh chứng quan trọng nhất.

Trong gia phả có ghi chép về họ và Thủy tổ của mình, mục đích là nhằm xác định rõ huyết thống, phân biệt quan hệ thân sơ và xác định nguồn gốc của họ

- Đường hiệu: đây là một tiêu chí đặc biệt của họ, nó thể hiện quan hệ địa lý của nguồn gốc họ. Trong gia phả, đường hiệu có ý nghĩa gắn bó mối quan hệ giữa họ và họ hàng, cũng là một đầu mối quan trọng để các thế hệ sau tìm hiểu về cội nguồn.

Tên gọi đường hiệu nói chung lấy từ tên quận huyện. Cùng với sự phát triển lớn mạnh của các gia tộc họ, đã xuất hiện nhiều tên họ nổi tiếng. Trải qua nhiều biến cố thiên tai….người trong gia tộc lớn di chuyển đi và phân tán mọi nơi. Do đó, mới nảy sinh cách nhập chi nhánh đường hiệu dưới đường hiệu chung. Đường hiệu chung đại diện cho cái nôi của gia tộc, để người đời sau không quên gia tộc. Đường hiệu nhánh đại diện cho mảnh đất mới chuyển đến của người trong họ. Sau khi trở thành gia tộc danh vọng ở nơi đó, thì lấy tên quận của nơi này làm đường hiệu chung và chi nhánh đường hiệu chung gọi là quận vọng.

- Bảng phả hệ gia phả cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng cho các thế hệ sau: tổ tiên, những danh nhân trong dòng họ, đồng thời ghi rõ nơi ở của từng người trong họ.

Bảng phả hệ ghi lại nội dung quan trọng nhất của gia phả, đó là xác định mối quan hệ giữa các thành viên trong tộc họ. Ví dụ, quan hệ cha con, anh em, viết rõ sơ đồ tên thành viên trong gia tộc của Tổ tiên và thế hệ sau. Có 4 cách thức trình bày cơ bản: Âu thức, Tô thức, Kiểu tháp thức, Điệp ký thức.

- Gia huấn: có tác dụng rất lớn đối với việc giáo dục truyền thống tộc họ. Đây cũng là một bộ phận cấu thành nên gia phả.

Sở dĩ gia huấn đóng vai trò quan trọng vì nội dung của nó tôn sùng trung, hiếu, tiết, nghĩa, dạy con những lễ nghi và bản tính liêm khiết. Ngoài ra khuyến khích điều gì và nghiêm cấm điều gì cũng là nội dung quan trọng trong gia huấn.

- Gia truyện: Muốn đi sâu tìm hiểu công trạng của một người nào đó trong họ thì phải đọc gia truyện.

Gia truyện là thể văn ghi chép công trạng của người có danh vọng trong tộc, là loại truyện ký chính thức. Trong đó, ghi rõ sự cống hiến của nhân vật đó với đất nước, dân tộc và xã hội, đến công trạng với địa phương, gia tộc…toàn bộ đều ghi trong gia phả để làm tấm gương cho các thế hệ sau noi theo.

Gia truyện chia thành: liệt truyện, nội truyện và ngoại truyện.

- Tác phẩm văn nghệ: Gia phả chính là sách sử của gia tộc, trong đó bao gồm các tác phẩm văn học nghệ thuật của các thành viên. Thời xưa, nhiều tác phẩm của các danh nhân trong gia tộc được đưa vào gia phả, nội dung của phần này vô cùng phong phú nên cần chọn lọc kỹ càng, đưa vào gia phả thận trọng để truyền lại những giá trị văn hiến tiêu biểu nhất cho các thế hệ sau.

- Tranh ảnh trong gia phả: Nhằm lưu lại diện mạo và hoàn cảnh sinh sống của người đời trước. Có thể lưu vào gia phả các loại tranh ảnh sau: ảnh đen trắng cũ trong nhà, ảnh tổ tiên (ảnh chân dung vẽ lại), tranh phong thủy (ảnh nhà thờ, ảnh mồ mả), ảnh nhà cũ, làng mạc…

Một phần của tài liệu Bài giảng Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền (Trang 25)