Phong tục tang ma

Một phần của tài liệu Bài giảng Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền (Trang 55)

* Ta có tục thờ phụng tổ tiên, do đó đối với người chết, dân làng cũng thể hiện một sự trân trọng dành cho người đã khuất.

- Theo phong tục của người Việt Nam, thì “sống gửi, thác về”, nên việc tống chung mang nhiều nghi thức phức tạp. Trừ những trường hợp chết “bất đắc kỳ tử”, còn phần lớn mỗi người đều nhận biết về cái chết của mình, nên thường để “di ngôn”, “di chúc” dặn dò, dạy bảo con cháu trước khi đi xa. Khi thấy người bệnh sắp đến hồi ra đi thì con cháu dời người bệnh đến căn nhà chính ở gian giữa, hỏi người sắp mất có trăn trối điều gì không và con cháu phải chờ đợi phút lâm chung. Sau khi người thân đã khí tuyệt thì vuốt mắt và lấy khăn đỏ che mặt, lập chủ tang, lên chương trình tang lễ, ra cáo phó, chuẩn bị áo quan, định giờ khâm liệm. Sau giờ phút khâm liệm, con cháu trong nhà trút bỏ đồ thường, mặc đồ tang, lập bàn thờ, cử ai và nhạc hiệu, làm lễ triêu tịch điện. Đến ngày phát dẫn phải làm lễ cáo đạo lộ, lễ khiển điện và rước linh cửu lên đại dư để lên đường đi đến huyệt.

+ Trước khi hạ huyệt phải làm lễ tế hạ huyệt, sau khi đắp mộ xong phải làm lễ tế thành phần và rước thần chủ về nhà làm lễ yên vị và sơ ngu. Ngày hôm sau làm lễ tái ngu và đến ngày thứ ba làm lễ tam ngu. Hằng ngày, phải làm lễ cúng cơm cho đến hết 100 ngày hoặc ba năm. Đủ 50 ngày làm lễ chung tất, đến 100 ngày làm lễ tốt khốc. Được 1 năm thì làm lễ giỗ đầu gọi là tiểu tường, được hai năm thì làm lễ đại tường, đủ 27 tháng làm lễ đoạn tất và hàng năm kỵ giỗ.

+ Ở khía cạnh tang lễ này cũng thấy rõ tính cộng đồng: nhà có tang, việc thì nhiều mà người nhà lại không còn đủ tỉnh táo minh mẫn nữa, nên bà con xóm làng bao giờ cũng chạy tới giúp rập, lo toan chỉ bảo cho mọi việc. Người Việt Nam quan niệm “bán anh em xa, mua láng giềng gần” nên khi nhà có người mất, hàng xóm láng giềng không những giúp đỡ mà còn để tang: Họ dương 3 tháng, láng giềng 3 ngày; Láng giềng còn để ba ngày - Chồng cô, vợ cậu một ngày cũng không. Người nông dân sống gắn bó không chỉ với xóm làng mà còn cả với thiên nhiên, cho nên

khi chủ chết, cây cối trong vườn cũng đau buồn mà để tang: nhiều nơi có tục đeo băng trắng cho cả cây cối.

- Phong tục tang lễ phổ biến và chính thống của ta còn thừa kế được cả tinh thần dân chủ truyền thống. Thọ Mai gia lễ của ta quy định cha mẹ phải để tang con, và không chỉ cha mẹ để tang con mà cả ông bà và cụ kị cũng để tang hàng cháu, hàng chắt. Trong khi đó thì theo tục lệ Trung Hoa, “Phụ bất bái tử” (cha không lạy con). Con chết trước cha mẹ là nghịch cảnh, là con bất hiếu (một vài nơi ở vùng Bắc bộ có truyền thống Nho học mạnh cũng theo quan niệm này nên nếu con chết trước thì lúc khâm liệm quấn trên đầu tử thi mấy vòng khăn trắng, ý là ở cõi âm cũng phải để tang báo hiếu sẵn cho cha mẹ).

- Nơi chôn cất người chết:

+ Nhân dân ta thường quan niệm về một cuộc sống ở thế giới bên kia, vì vậy, trong mỗi làng xã đều có bãi tha ma để chôn cất người đã khuất. Những làng ở gần đồi núi, bãi tha ma thường ở chân núi, còn những làng ở đồng bằng thì dân làng thường dành một khu đất cao để an táng người chết. Bãi tha ma thường không có địa giới rõ ràng. Dân làng mỗi khi có đám ma thì đào huyệt. Việc đào huyệt diễn ra không theo thứ tự mà chỉ tuân theo sự chỉ dẫn của các thầy tự, thầy pháp.

+ Cũng có làng bãi tha ma được xây xung quanh và có lối vào bằng một hoặc hai cổng. Những cổng này không có cánh cửa, hai bên có hai cột trụ và mỗi bên cột trụ có một vế câu đối đại ý nói về sự yên nghỉ của những người chết. Nơi tha ma này thường được gọi là nghĩa địa.

+ Những ngôi mộ nơi nghĩa địa phần nhiều là mồ có chủ, nhưng cũng có những ngôi mộ vô chủ không ai trông nom và bị hoang phế. Những người nằm trong ngôi mộ này cũng không có ai khấn vái.

- Nơi thờ tự: Bên cạnh việc thờ cúng người chết của gia đình thì trong làng cũng

lập nên tại nơi mộ địa một cái am để cúng viếng những người nằm trong các mồ mả vô chủ. Am này gọi là am chúng sinh và có mang ba chữ là “Hàn lâm sở”.

+ Am này có một bà đồng lo việc đèn hương thờ cúng. Mỗi khi trong làng có đám tang, các tang chủ thường có đồ lễ tới cúng nơi am. Để có tiền dầu đèn hương khói tại am, bà đồng trông chờ ở sự từ tâm của người làng đối với những vong hồn vô thờ tự. Ngoài ra, bà còn bày một cái nong nằm cạnh đường đi để quyên giáo.

Trên nong có một bát hương cắm vài ba nén hương đang cháy và có những thoi vàng hồ vung vãi. Thường ngày cũng có đôi ba bà trong Hội chư bà tới am để giúp đỡ bà đồng trong công việc chuông mỏ, kinh kệ nhất là trong những ngày làng có đám tang.

+ Tại am chúng sinh vào ngày rằm và ngày đầu tháng trong ba tháng hè hoặc vào các kỳ lễ lạc như Tết Đoan Ngọ..., bà đồng đứng ra tổ chức việc cúng các linh hồn gọi là cúng bách linh. Đồ lễ có vàng hương hoa quả, nhưng đặc biệt nhất là có cháo hoa nấu bằng gạo. Tục bảo rằng cháo ở bàn thờ có quan âm tới hưởng còn các cô hồn thì cướp cháo ở lá đa. Trong lễ cúng bách linh cũng có một mẹt những hoa quả bánh kẹo mà ta tin rằng các cô hồn chia nhau cùng hưởng.

+ Vào tháng bảy, dân làng nhân dịp xá tội vong nhân thường tổ chức làm chay tại am chúng sinh. Làm chay thường diễn ra trong hai hoặc ba ngày nhưng có khi tới năm - bảy ngày, và dân làng thiết lập đàn tràng ngay tại cửa am.

Trước khi cúng đàn chay, có cuộc chiêu âm hồn gọi là rước linh. Rước linh do một vị hòa thượng đi đầu cầm gậy tầm xích, theo sau vị hòa thượng là các vãi. Khi đám rước đi khắp mọi nơi bãi tham ma, vị hòa thượng mới quay trở lại đàn. Lễ cúng lúc đó mới bắt đầu.

Đàn tràng chia làm ba lớp. Lớp trên cùng là tượng Phật, đồ lễ là đồ chay gồm vàng hương trầu cau và hoa quả. Lớp thứ hai cúng bách linh, đồ lễ có thêm đồ mặn như gà vịt và có khi có cả lợn. Lớp thứ ba ở ngoài cùng là đồ mã cúng cho các cô hồn và các quan âm, có các hình nhân, voi, ngựa, thuyền bè.

Lễ cúng bắt đầu bằng “lễ phát tấu” tụng kinh cho các vong hồn chúng sinh được siêu sinh tịnh độ, kinh được tụng suốt ngày đêm. Sáng này hôm sau là lễ dâng

lục cúng, sau đó là lễ cát đoạn và các lễ phóng sinh thí thực. Sáng ngày thứ ba có l

chạy đàn phá ngục. Sau đó, vàng mã được đem hóa. Với lễ làm chay phá ngục mọi người tin rằng các cô hồn được hưởng lễ cúng khỏi bị đói khát và những oan hồn được giải thoát.

Bên cạnh am chúng sinh, ở một số làng khi xưa là nơi trận địa, nhà vua thường cho lập một bàn thờ để thờ các chiến sĩ vong thân gọi là Lệ đàn. Việc cúng lễ tại L đàn do nhà vua phái các quan thực hiện với sự tham gia của toàn thể dân làng.

* Ta đối với người chết luôn có sự kính trọng và quan tâm nên vào những dịp lễ Tết, dân làng thường đi tảo mộ để làm sạch mộ và thăm viếng những người thân của gia đình đã khuất. Đi tảo mộ để thăm nom mồ mả ông cha là một tục lễ tốt đẹp của dân tộc Việt vẫn còn cho đến ngày nay, thể hiện sự tri ân của con cháu đối với người đã khuất.

---

CÂU HỎI THẢO LUẬN VÀ ÔN TẬP

1. Phân tích tính chất bản địa trong tín ngưỡng cổ truyền của làng xã Việt Nam? 2. Tìm hiểu một số tín ngưỡng cổ truyền: tín ngưỡng thờ vật tổ, tín ngưỡng phồn thực trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các làng người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận?

3. Ý nghĩa của tục thờ cúng Thành hoàng làng trong đời sống tín ngưỡng của cư dân làng xã Việt Nam cổ truyền?

4. Phân tích và chứng minh tính chất cộng đồng trong phong tục tang ma và hôn lễ của cư dân làng xã Việt Nam cổ truyền ?

5. Ảnh hưởng của các khung hướng tôn giáo đối với văn hóa gia đình, dòng họ làng xã cổ truyền.

Một phần của tài liệu Bài giảng Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền (Trang 55)