Sản xuất nông nghiệp

Một phần của tài liệu Bài giảng Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền (Trang 59)

4.1.1.1 Đặc điểm

- Sau ngày phát minh ra nông nghiệp nghề nông đã trở thành ngành kinh tế chủ đạo ở nước ta. Dưới thời phong kiến, nông nghiệp được xem như nghề gốc của quốc gia, cũng do đó mà nhà nước phong kiến đã chú ý phát triển nông nghiệp và xem đó như một trong những hoạt động trị nước. Từ đó, nhà nước phong kiến đã có các biện pháp về khuyến nông, khẩn hoang, chăm lo công tác đê điều, thủy lợi, chú ý đến những chính sách về ruộng đất.

- Trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta, cây lúa được xem như cây trồng chủ yếu và hình thành nên nền nông nghiệp độc canh. Tuy nhiên, ở những chân đất khô người ta trồng những loại cây khác nhau nhưng trong đó việc tạo ra các giống lúa mới rất được chú ý để thích hợp với thổ nghi của từng địa phương cũng như từng mùa vụ mà cấy các giống lúa khác nhau. Vào thế kỷ XVIII, theo thống kê của Lê Quý Đôn thì có hơn 200 giống lúa, trong đó hơn 90 giống lúa có ở Việt Nam (8 giống lúa chiêm, 52 giống nếp, 32 giống lúa mùa). Có nhiều giống lúa thơm ngon nổi tiếng như giống Tám làn: cơm dẻo, để lâu vẫn mềm, loại lúa cánh có gạo trắng hương thơm thường được dùng để giã bột làm bánh. Nếp có nếp hương, thơm và dẻo, nếp bầu hương được người ta giã làm cốm và ăn sống, ở nhiều làng người ta thường hòa với nước đường để làm bánh cốm. Như vậy, tuy trên những vùng đó độc canh lúa nước nhưng do điều kiện đất đai nên đây vẫn là nền nông nghiệp đa canh và do mật độ dân số tăng nhanh, đất đai chỉ được mở rộng phần nào nên nhìn chung

kinh tế làng xã vốn mang tính chất tự cung, tự cấp nhưng nền kinh tế tiểu nông đó đã mang tính chất tái sản xuất mở rộng.

- Việc tái sản xuất mở rộng đã được người nông dân làng xã thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau. Trước hết, là việc mở rộng diện tích canh tác bằng lối khẩn hoang, người nông dân Bắc bộ đã di cư dần về phương Nam để khai thác đất đai, nông dân trên đất miền Trung đã tiến về phía tây khai thác đất gò đồi và tiến về phía đông cải tạo đất thổ ương (đất nhiễm mặn) và sau đó cả cư dân Bắc bộ và Trung bộ đã tiến vào khai khẩn đất hoang trên vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến cuối thế kỷ XVIII, công cuộc khai thác mở rộng đất Nam bộ đã kết thúc và bước sang đầu thế kỷ XIX người ta đã thực hiện việc thay chua, rửa mặn để cải tạo vùng đất bồi ven biển dưới hình thức lấn biển. Biện pháp thứ hai được sử dụng để tái sản xuất mở rộng là việc tăng cường độ lao động. Trong hoàn cảnh đất đai không thể mở rộng được nữa thì người ta ra sức thâm canh, chăm bón. Do đó, đối với người nông dân Việt Nam có thể nói là có rất ít thời gian để nghỉ ngơi, hàng ngày phải ra đồng từ tờ mờ sáng đến tối mới về nhà. Họ hết làm đất thì đến cấy hái, chăm bón nhằm tạo điều kiện cho cây trồng phát triển trong một khả năng tốt nhất. Vào đầu thế kỷ XX, khi quan sát người nông dân đồng bằng Bắc bộ trồng lúa, có nhà địa lý người Pháp đã nhận xét rằng, người nông dân Việt Nam chăm sóc cây lúa của họ giống như người phương Tây trồng hoa.

+ Một biện pháp khác để tái sản xuất mở rộng của người nông dân làng xã đó là việc tái sản xuất nhân khẩu nông nghiệp. Vì lao động nông nghiệp rất cần đến nguồn nhân lực dồi dào và hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thì công cụ thường nhẹ nên cả phụ nữ và trẻ con đều có thể tham gia lao động nông nghiệp. Vì thế, các gia đình nông dân làng xã thường sinh rất nhiều con và quan niệm “trời sinh voi, sinh cỏ” cũng ra đời từ đó. Tất cả các vợ con trong gia đình người nông dân đều là những thành viên lao động nông nghiệp dưới sự quản lý của người gia trưởng. Như vậy, mỗi gia đình ở nông thôn Việt Nam mang tính chất như một đơn vị kinh tế.

+ Ngoài ra, một biện pháp tái sản xuất mở rộng của người nông dân Việt Nam là việc tranh thủ thời gian nông nhàn để làm thêm các nghề phụ, sản xuất thủ công nghiệp, tham gia buôn bán ở chợ. Đây là cơ sở dẫn đến sự gắn bó chặt chẽ giữa nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp ở Việt Nam.

+ Sức mạnh của nền kinh tế tiểu nông Việt Nam dựa trên sự tái sản xuất mở rộng đó đã tạo nên sức sống cho nền nông nghiệp Việt Nam nên dù phải trải qua thiên tai, chiến tranh, có lúc nông dân làng xã đã đi lưu tán nhưng khi tình hình ổn định thì nền kinh tế nông nghiệp nước ta được phục hồi nhanh chóng.

- Do gắn bó lâu đời với nghề nông nên người nông dân Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Ngay từ thời Hùng Vương người ta đã biết tận dụng đặc điểm thời tiết của hai mùa mưa, khô trong một năm để phát triển loại ruộng chờ mưa và lối cấy lúa nước, sớm chủ động phát triển các biện pháp kỹ thuật thủy lợi đa dạng: be bờ, đắp đê, khai mương, thoát nước. Ở ruộng cạn, người ta tát nước bằng gàu giai, ở ruộng sâu bằng gàu sòng, nơi gần sông dùng guồng nước, ở miền Trung dùng xe đạp nước hoặc xe trâu. Trong kỹ thuật làm đất ngay từ thời Hùng Vương người ta đã biết sử dụng kỹ thuật cày kéo bằng sức kéo trâu bò, “ruộng sâu trâu nái” là điều kiện làm ăn căn bản của người nông dân Việt Nam.

- Trong việc cày bừa, tùy theo đặc điểm đất đai của từng vùng mà có những cách thức cày bừa khác nhau: ở đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ do lớp đất bên trên kém màu mỡ, nên người dân dùng cày nhẹ, cày cạn và lưỡi cày nhọn. Ở Trung và Nam Trung bộ: đất đai bị sét hóa nên dùng cày nặng lưỡi to, cày sâu và cày bằng trâu đực hay cả cặp bò. Ở nhiều nơi còn dùng lối cày ải, theo đó cày đất thành từng thớ to, xếp đất thành từng đống để phơi cho khô ải nhằm tăng độ tơi xốp và phì nhiêu cho đất. Cách trang đất để ươm mạ cũng đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm, đất phải thật tơi mịn và trang mặt gương thật phẳng để trời mưa khỏi trôi giống và nước mưa không đọng vũng. Cấy lúa tùy theo mùa, tùy theo đất để cấy cày, cấy thưa, khóm to, khóm nhỏ. Việc cấy lúa vừa đỡ tốn giống mà cây lúa lại dễ mọc, đồng thời có cái lợi là trong khi chờ đợi để cấy lúa người ta đã sử dụng đất để trồng một lớp hoa màu có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, do đó trên một thửa ruộng có thể làm ba, bốn mùa.

- Từ trong quá trình gắn bó lâu dài với nông nghiệp, người nông dân Việt Nam đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có nhiều kết luận đã tiếp cận với kết quả nghiên cứu của nền nông nghiệp hiện đại. Chẳng hạn như để tăng năng suất nông nghiệp, cha ông ta đã đúc kết thành hai yếu tố có ý nghĩa quyết định đó là điều kiện thời tiết và khả năng chăm bón của người nông dân “nhất thì, nhì thục”. Còn trong sản xuất lúa yếu tố cơ bản tạo ra năng suất đó là “nước, phân, cần, giống”. Những kết luận này hoàn toàn phù hợp với kết luận của các nhà nông học hiện đại. Chẳng hạn khi tổng kết về 10 năm tiến hành cuộc cách mạng xanh trên toàn thế giới, các chuyên gia nông học của Liên Hợp Quốc đã đi đến kết luận: có giống tốt chưa đủ mà bên cạnh đó cần phải có nước, phân và lao động. Trong bốn yếu tố đó thì cha ông ta coi trọng hai yếu tố đầu vì ‘không nước, không phân, chuyên cần cũng vô ích”. Để thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp trong làng xã, bộ máy quản lý làng xã thường đứng ra tổ chức các hoạt động lễ nghi nông

nghiệp như lễ xuống đồng, lễ tế thần nông, lễ cúng cơm mới, lễ cầu đảo. Điều đó chứng tỏ, làng xã đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tổ chức làm thủy lợi. Đây chính là công việc mà làng xã luôn chứng tỏ tính tích cực của mình và nhà nước cũng nhận ra điều ấy nên đã lợi dụng và giao cho các làng xã đảm nhiệm những đoạn đê sông nằm trong địa phận của làng mình.

+ Đối với hệ thống kênh mương nội đồng thì làng xã thực hiện việc khơi đào, nạo vét, đắp các đập nhỏ để giữ nước, tưới tiêu cho các cánh đồng làng. Chính vì việc đào mương, đắp đập phục vụ cho nhu cầu tiêu nước mà ở làng xã tổ chức ra hệ thống “xâu” hay “nậu” làm nhiệm vụ phân chia dân cư thành từng nhóm nhỏ do chức chủ nậu đứng đầu chịu trách nhiệm trước làng xã về việc đảm bảo hệ thống kênh mương trong khu vực mình quản lý. Những công việc đó được ghi chép trong hương ước các làng xã và có nơi nếu làm không tốt thì những cá nhân đó sẽ bị làng xã tước quyền hưởng ruộng đất công của làng. Nhiều làng xã Bắc Ninh quyết định hàng năm cứ đến đầu mùa xuân dân làng phải nạo vét kênh mương và giao cho từng thôn xóm thực hiện, nếu xóm thôn nào không làm tốt thì sẽ bị làng phạt cả xóm. Điều đó buộc mọi người phải có trách nhiệm đối với các công việc chung của làng xã. Bên cạnh hoạt động trồng trọt thì một số làng xã còn làm thêm nghề đánh cá, chăn nuôi, buôn bán...Thực tế hoạt động chăn nuôi trong các làng xã Việt Nam thời xưa chủ yếu là dùng để có sức kéo trong nông nghiệp đồng thời để tận dụng thức ăn thừa của con người mà thôi.

Một phần của tài liệu Bài giảng Gia đình, dòng họ, làng xã Việt Nam cổ truyền (Trang 59)