Mặc dù Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ thu ngân sách cao nhất trong khu vực nhưng lại thường xuyên bị thâm hụt ngân sách. Nguyên nhân chính của việc này là do mức chi tiêu công của Chính phủ quá cao, trong đó phần lớn được chi cho các khoản chi thuòng xuyên chứ không phải chi cho đầu tư phát triển. Các khoản chi thường xuyên đang trở thành một gánh nặng lớn của nền kinh tế, đây là một khoản chi cho bộ máy hành chính cồng kềnh ở Việt Nam không mang lại lợi nuận. Các khoản chi
này đang ngày một gia tăng là dấu hiệu cho thấy bộ máy này đang ngày càng phát triển, và việc phát triển này sẽ ngày càng làm cho các khoản chi ngân sách ngày càng phình to thêm. Do đó, nếu có thể cắt giảm và phân bổ lại các khoản chi thường xuyên thông qua việc giảm thiểu cơ chế hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả, Việt Nam có nhiều khả năng có thể khắc phục được tình trạng bội chi ngân sách của mình.
Việt Nam hiện nay vẫn chưa rơi vào khủng hoảng nợ, nhưng theo các kịch bản dự đoán đã phân tích, khả năng rơi vào khủng hoảng nợ của Việt Nam nếu không có những chính sách quản lý nợ hợp lý trong tương lai là rất cao. Do đó, Việt Nam cần áp dụng những chính sách tăng nguồn thu và các chính sách thắt chặt chi tiêu như rất nhiều các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Châu Âu đang áp dụng nhằm làm giảm gánh năng thâm hụt ngân sách và nợ công kéo dài. Việc thực hiện các chính sách này cần phải được thực hiện một cách thận trọng, tránh gây ra phản ứng của dư luận cũng như gây ra các bất ổn xã hội.
Bên cạnh đó, hệ thống thuế cũng cần được cải cách nhằm tạo ra nguồn thu bền vững và hiệu quả đồng thời giảm gánh nặng thuế một cách hợp lý để kích thích tăng trưởng kinh tế. Gánh nặng thuế quá cao sẽ dẫn đến sự méo mó trong phân bổ nguồn lực cũng như khuyến khích việc trốn thuế, chuyển giá như các công ty FDI đã thực hiện trong giai đoạn vừa qua. Bên cạnh đó các sắc thuế cần được điều chỉnh nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp, khuyến khich tiết kiệm và hạn chế tiêu dùng hàng xa xỉ đồng thời Chính phủ cần phải xem xét, phân tích kĩ càng các đề xuất đánh thuế nhằm tránh khỏi sự tác động của các nhóm lợi ích, điển hình là đề xuất đánh thuế tiền tiết kiệm của Chủ tịch hiệp hội bất động sản trong tháng 03/2013 vừa qua.