Các nghiên cứu thực nghiệm

Một phần của tài liệu Tác động của nợ công đến tăng trưởng kinh tế Trường hợp các quốc gia đang phát triển Châu Á và VN ( Chuyên đề tốt nghiệp TP.HCM Trường Đại Học Kinh Tế ) (Trang 32)

Vấn đề tác động của quy mô nợ lên tăng trưởng kinh tế đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà kinh tế học trên thế giới kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ khu vực Mỹ Latin bùng nổ. Trong những nghiên cứu gần đây, nhiều nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng thực nghiệm chứng minh cho mối quan hệ phi tuyến giữa tổng nợ nước ngoài và tăng trưởng.

Nghiên cứu của Pattilo và cộng sự. (2002) sử dụng dữ liệu bảng của 93 quốc gia đang phát triển trong thời kì 1969-1998 đã tìm ra rằng có một mối quan hệ phi tuyến ngược chiều giữa giá trị hiện tại của nợ nước ngoài và tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người dưới dạng hình chữ U ngược. Ở những mức mà nợ nước ngoài thấp, nó có tác động tích vực lên tăng trưởng. Tuy nhiên, ở mức quy mô nợ vào khoảng 35-40% GDP, hoặc 160-170% giá trị xuất khẩu, nợ nước ngoài lại có tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.Tiếp đó, trong nghiên cứu Pattilo và cộng sự. (2004) các tác giả lại tìm hiểu các kênh tác động của nợ nước ngoài đến tăng trưởng. Bài nghiên cứu này chỉ ra rằng nợ tác động đến tăng trưởng thông qua cả tích lũy vốn và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).

Clements và cộng sự. (2003) đã sử dụng dữ liệu bảng của 55 quốc gia thu nhập thấp trong thời kì 1970-1999 cũng cho thấy mối quan hệ phi tuyến tính tương tự giữa nợ nước ngoài và tăng trưởng đồng thời tìm ra điểm uốn của chữ U ngược (điểm nợ có tác động âm lên tăng trưởng) là giá trị danh nghĩa của nợ vào khoảng 50% GDP và 20-25% GDP đối với giá trị hiện tại của nợ. Nghiên cứu này còn chỉ ra rằng, với một mức sụt giảm lớn trong mức nợ nước ngoài sẽ trực tiếp làm gia tăng tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người lên 0.8% - 1.1%, và gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua làm gia tăng đầu tư công. Cụ thể là, cứ mỗi 6% (tính trên GDP) sụt giảm trong tổng nợ sẽ làm gia tăng đầu tư công 0.75% - 1% và do đó làm gia tăng tốc độ tăng trưởng 0.2%. Ngoài ra, với một mức xóa nợ lớn hơn ( khoảng 50%) có thể làm tốc độ tăng trưởng gia tăng 0.5% mỗi năm.

Schclarek (2004) thông qua dữ liệu bảng của 59 quốc gia đang phát triển và 24 quốc gia công nghiệp giai đoạn 1970-2002 đã xác định được một mối quan hệ tuyến tính ngược chiều giữa nợ nước ngoài và tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở các nước đang phát triển. Các nước với mức nợ thấp thường đi liền với mức tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, khi phân biệt giữa nợ nước ngoài của khu vực công và nợ nước ngoài của khu vực tư, tác giả đã kết luận rằng mối tương quan ngược chiều giữa nợ

nước ngoài và tăng trưởng chủ yếu là do nợ nước ngoài của khu vực công vì không tìm thấy bất cứ mối quan hệ có ý nghĩa nào giữa nợ tư nước ngoài và tốc độ tăng trưởng. Nghiên cứu này cũng không tìm thấy bằng chứng chứng minh việc tồn tại một mối quan hệ phi tuyến giữa nợ nước ngoài và tăng trưởng. Đối với nhóm mấu 24 quốc gia công nghiệp phát triển với dữ liệu được tính trung bình 5 năm trong khoản thời gian 1970-2002, không mối quan hệ có ý nghĩa thống kê nào giữa nợ chính phủ và và tăng trưởng GDP bình quân đầu người được tìm thấy.

Trái ngược với những gì mà Schclarek (2004) trình bày, trong một nghiên cứu gần đây Reinhart và Rogoff (2010) sử dụng số liệu lịch sử của 20 quốc gia công nghiệp phát triển 24 quốc gia thị trường mới nổi trong gần 2 thế kỷ (1790-2009) thông qua các phân tích thống kê tương quan giữa lạm phát, sự gia tăng quy mô nợ công và tốc độ răng trưởng kinh tế thực trong dài hạn đã tìm thấy kết quả sau đây: đối với các quốc gia phát triển, không có tác động rõ ràng giữa nợ công và tốc độ tăng trưởng ở những mức nợ công thấp hơn 90% GDP. Trên mức này (90%) nợ có tác động làm giảm tốc độ tăng trưởng một cách rõ rệt. Cụ thể là, với mức nợ lớn hơn 90% GDP, tốc độ tăng trưởng trung bình sụt giảm 4% so với các mức nợ nhỏ hơn 90%. Đối với các quốc gia thị trường mới nổi, một kết quả tương tự cũng được tìm thấy. Ở những mức nợ công dưới 90%, giá trị trung vị và trung bình của tốc độ tăng trưởng dao động xung quanh 4 – 4.5% nhưng khi nợ công vướt quá 90% GDP giá trị trung vị giảm chỉ còn 2.9% và giá trị trung bình giảm chỉ còn 1%.

Các quốc gia thị trường mới nổi phụ thuộc chủ yếu vào nợ nước ngoài, do đó các tác giả đã thực hiện một kiểm định tương tự. Kết quả phân tích cho thấy, với mức nợ nước ngoài vượt quá 60%, tốc độ tăng trưởng giảm và giảm mạnh hơn nữa khi nợ nước ngoài vượt mốc 90%.

Hình 2.3 Nợ chính phủ, tăng trưởng và lạm phát: Các nước phát triển, 1946-2009

Nguồn: Reinhart và Rogoff (2010)

Dựa trên tiền đề nghiên cứu của Reinhart và Rogoff. (2010), nhiều nghiên cứu khác đã tiến hành phân tích định lượng mối quan hệ giữa nợ và tăng trưởng ở cả hai nhóm nước phát triển và đang phát triển. Checherita và Rother (2010), đã tìm hiểu tác động của nợ chính phủ lên tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người dựa trên số liệu của 12 nước khu vực Châu Âu trong vòng 40 năm kể từ năm 1970. Kết quả nghiên cứu cho thấy có một mối quan hệ phi tuyến hình chữ U ngược giữa nợ công và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu cũng tìm ra ngưỡng mà tại đó nợ công có tác động xấu lên tốc độ tăng trưởng là khoảng 90-100%, tương đồng với kết quả của Reinhart và Rogoff (2010). Thông qua cùng phương pháp phân tích định lượng, Checherita và Rother (2010) cũng đã chỉ ra các kênh mà thông qua đó nợ công có tác động xấu lên tăng trưởng kinh tế, đó là: tiết kiệm tư nhân, đầu tư công cộng, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và lãi suất dài hạn thực và danh nghĩa.

Kumar và Woo (2010), thông qua phân tích định lượng số liệu của 38 quốc gia phát triển và quốc gia mới nổi trong khoảng thời gian bốn thập kỷ (1970-2007) đã đưa ra kết luận rằng có một mối quan hệ tuyến tính ngược chiều giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế, cụ thể là cứ 10% (GDP) gia tăng trong nợ công sẽ làm tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 0.2% đối với các quốc gia mới nổi và đối với các quốc gia đang phát triển là 0.15%. Ngoài ra các tác giả cũng tìm thấy bằng chứng thực nghiệm rằng tồn tại một mối quan hệ phi tuyến giữa nợ công và tăng trưởng với ngưỡng mà nợ có tác động âm lên tăng trưởng là vào khoảng 90%.

Caner, Grennes và Koehler-Geib. (2010) sử dụng dữ liệu hàng năm của 101 quốc gia đang phát triển và phát triển trong khoảng thời gian gần 3 thập kỷ (1980 – 2008) đã tìm thấy bằng chứng chứng minh cho một mối quan hệ phi tuyến giữa nợ và tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu đã tìm thấy mức ngưỡng nợ nguy hiểm của toàn bộ mẫu

là 77% GDP, trên mức này mỗi phần trăm tăng thêm của nợ sẽ làm tốc độ tăng trưởng giảm xuống 0.017%. Khi loại bỏ các quốc gia thu nhập cao ra khỏi mẫu thì mức ngưỡng này có xu hướng giảm xuống. Cụ thể là đối với các quốc gia đang phát triển, mức ngưỡng nguy hiểm là 64% GDP. Đối với các quốc gia này, mỗi phần trăm tăng thêm của nợ sẽ làm tốc độ tăng trưởng giảm đi 0.02%.

Presbitero (2011) dựa trên số liệu của 92 quốc gia thu nhập trung bình và thấp trong giai đoạn 1990-2007 đã tìm thấy một tác động âm tuyến tính của nợ công lên tốc độ tăng trưởng, đồng thời thông qua phân tích định lượng tác giá cũng tìm thấy bằng chứng chứng tỏ tồn tại mối quan hệ phi tuyến hình chữ U ngược giữa nợ công và tăng trưởng với mức ngưỡng à tại đó nợ công có tác động xấu lên tăng trưởng kinh tế là khoảng 27% GDP, thấp hơn nhiều so với nghiên cứu về các nước phát triển. Thông qua các kiểm định khác, nghiên cứu này kết luận rằng nợ công chỉ có tác động lên tăng trưởng ở những quốc gia có điều kiện thể chế mạnh và chính sách tốt. Đối với những quốc gia có thể chế yếu và chính sách yếu kém tốc độ tăng trưởng sẽ bị chi phối bởi các yếu tố bất định vĩ mô hơn là do mức nợ công cao.

Dựa trên những lý thuyết và những nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới về mối quan hệ giữa nợ công và tốc độ tăng trưởng kinh tế, có thể kết luận rằng tồn tại một mối quan hệ phi tuyến hình chữ U ngược giữa nợ công và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Mức nợ công ở mức thấp sẽ có tác dụng làm gia tăng tổng cầu, kích thích đầu tư, cung cấp vốn cho nền kinh tế từ đó làm gia tăng tốc độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ở mức nợ công đủ cao, nợ công sẽ tác động âm lên tăng trưởng vì mức nợ công quá lớn có thể tạo ra tình trạng nợ quá mức, cũng như các tác động khác kiềm hãm tăng trưởng kinh tế như là hiện tượng lấn át đầu tư tư nhân, giảm tiết kiệm quốc gia, gia tăng lạm phát cũng như lãi suất dài hạn.

Vậy mức nợ công bao nhiêu là phù hợp? Có một ngưỡng mà khi nợ công vượt quá mức này sẽ có tác động tiêu cực lên tăng trưởng. Các nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy rằng mức ngưỡng này là khác nhau giữa các nhóm nước. Đối với những nước phát triển mức ngưỡng này là vào khoảng 90-100% GDP, còn đối với những nước đang phát triển, mức ngưỡng này là thấp hơn nhiều, vào khoảng 30-60% GDP.

Một phần của tài liệu Tác động của nợ công đến tăng trưởng kinh tế Trường hợp các quốc gia đang phát triển Châu Á và VN ( Chuyên đề tốt nghiệp TP.HCM Trường Đại Học Kinh Tế ) (Trang 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)