1. QUY TRÌNH LẬP PHÁP PHỔ BIẾN [54, TR 159]
1.3. Giai đoạn xem xét ở Ủy ban
Trong quy trình lập pháp của nghị viện các nước, hầu hết đều có giai đoạn xem xét dự luật tại ủy ban mặc dù vai trò của các ủy ban đối với quy trình lập pháp có những điểm không giống nhau ở các quốc gia. Ở một số nước theo chính thể cộng hòa tổng thống mà Hoa Kỳ là một điển hình, các ủy ban có toàn quyền quyết định những dự luật nào sẽ được xem xét. Nội dung xem xét của ủy ban theo hệ thống này rất rộng, từ những chính sách chung cho đến các điểm về chi tiết như về ngôn ngữ, câu chữ của từng câu, từng điều. Nhưng cũng có một số nước lại có quy định các dự luật do Hành pháp kiến nghị thì bắt buộc các ủy ban phải xem xét. Thậm chí ở Chilê, cơ quan hành pháp còn có quyền bắt buộc cơ quan lập pháp xem xét, thông qua các dự án luật trong một thời hạn nhất định.
Những nước có chính thể đại nghị, trong giai đoạn này dự luật cũng được soi xét cẩn thận. Ở Canada, trong giai đoạn thẩm tra ở Ủy ban, mỗi thành viên
của Ủy ban sẽ tự sửa chữa dự luật một cách chi tiết theo ý của mình. Sau đó các ý kiến sẽ được tập hợp lại để tạo thành một báo cáo của ủy ban. Ủy ban ở các nước này và cả những nước theo chính thể hỗn hợp (Cộng hòa Pháp) thường không được bác bỏ các dự luật do Chính phủ đệ trình. Các dự luật đó chỉ được nghiên cứu để trình ra nghị viện xem xét.
Kết thúc việc xem xét tại Ủy ban là việc thông qua báo cáo của ủy ban để trình ra nghị viện. Hoa Kỳ là một trong số rất ít nước mà ủy ban của nghị viện có thẩm quyền mạnh. Ủy ban trong nghị viện nước này có quyền biểu quyết để đưa ra các cách thức trình dự luật ra nghị viện như: đồng ý với dự thảo; trình dự thảo với một ít sửa đổi; trình dự thảo có nội dung hoàn toàn mới phát sinh trong quá trình xem xét dự thảo gốc. Trong trường hợp này, các tài liệu về quá trình soạn thảo dự luật cũng được trình ra nghị viện để nghị viện có thể tìm hiểu đầy đủ về mối quan hệ giữa dự thảo luật mới và dự thảo luật cũ.