Sau khi được các Ủy ban thẩm tra tiến hành thẩm tra, dự luật sẽ được chuyển đến Ủy ban thường vụ Quốc hội để cho ý kiến. Đây là một khâu bắt buộc trong quy trình lập pháp của Quốc hội nước ta.
Công đoạn này được quy định tại mục 5, chương III, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, dự án luật phải được chuyển đến chậm nhất là hai mươi ngày, trước ngày bắt đầu phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, chủ thể trình dự án luật phải gửi tờ trình, dự án và các tài liệu có liên quan đến cơ quan thẩm tra để tiến hành thẩm tra sơ bộ. Chậm nhất là bảy ngày, trước khi bắt đầu phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, chủ thể trình dự án luật phải gửi tờ trình, dự án và tài liệu có liên quan; cơ quan thẩm tra phải gửi báo cáo thẩm tra về dự án luật đó đến Ủy ban thường vụ Quốc hội (Điều 36, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung năm 2002).
Đối với các dự án luật, tùy theo tính chất và nội dung, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể xem xét, cho ý kiến một lần hoặc nhiều lần.
Về trình tự xem xét, cho ý kiến đối với dự án luật, Điều 37, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung năm 2002 quy định:
- Đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật thuyết trình về dự án và những vấn đề thuộc nội dung dự án luật cần xin ý kiến;
- Đại diện cơ quan thẩm tra trình báo cáo thẩm tra;
- Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham dự phiên họp phát biểu ý kiến;
- Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận; - Chủ tọa phiên họp kết luận.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến và tổ chức việc chỉnh lý dự án. Trong trường hợp chủ thể trình dự án luật có ý kiến khác với ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, thì báo cáo Quốc hội xem xét, giải quyết (Điều 38, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
Có thể xem công đoạn xin ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội là có phần hợp lý vì tính chất thường trực của cơ quan này. Tuy nhiên, trong một phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, khó có thể tập hợp được đầy đủ ý kiến như một phiên họp toàn thể của Quốc hội mà ở đó thể hiện một cách đầy đủ sức mạnh của trí tuệ tập thể. Nhưng việc quy định về trình tự xem xét của dự luật tại Ủy ban thường vụ Quốc hội gần giống như đối với phiên họp toàn thể khi Quốc hội thảo luận thông qua dự luật của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã phần nào làm cho công đoạn này trở nên trùng lắp và hình thức trên thực tế, theo kiểu “Chủ tọa phiên họp kết luận”, gây không ít khó khăn cho cơ quan soạn thảo, cơ quan trình dự luật trong quá trình tiếp thu và chỉnh lý dự án luật [53, TR 102].