LẤY Ý KIẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ DỰ ÁN LUẬT

Một phần của tài liệu Quy trình lập pháp của Quốc hội Việt Nam (Trang 79 - 81)

Việc lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội về dự án luật được diễn ra trong quá trình soạn thảo dự án luật, và là một công đoạn trong quy trình lập pháp của Quốc hội nước ta, được quy định tại mục 7, chương III, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo quy định tại Điều 42 của Luật này, nếu được Uỷ ban thường vụ Quốc hội đồng ý thì dự án luật được gửi lấy ý kiến đại biểu Quốc hội. Chậm nhất là hai mươi ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, dự án luật phải được gửi đến đại biểu Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tổ chức thảo luận dự án luật tại địa phương và gửi biên bản thảo luận về Văn phòng Quốc hội chậm nhất là bảy ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm tập hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội về dự án luật, pháp lệnh. Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án phối hợp với cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự án (Điều 44, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

Việc lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội theo quy định của luật là nhằm mục đích thu thập thêm nhiều ý kiến đóng góp của các đại

biểu, Đoàn đại biểu khác nhau để từ đó giúp cho việc soạn thảo dự án luật được tốt hơn. Bên cạnh đó, tạo ra sự giao lưu giữa các đại biểu Quốc hội với cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật để đại biểu có sự hiểu biết cụ thể hơn về quá trình soạn thảo dự luật mà đại biểu sẽ xem xét và cho ý kiến tại nghị trường.

Chúng tôi cho rằng, việc lấy ý kiến của đại biểu, Đoàn đại biểu đối với dự án luật trong quá trình soạn thảo theo quy định của Luật là chưa hợp lý. Bởi vì, công việc soạn thảo là của các nhà chuyên môn, các chuyên gia, của cơ quan soạn thảo. Đại biểu Quốc hội không cần thiết phải cho ý kiến đối với công đoạn này. Đại biểu và Đoàn đại biểu phải nhận được dự luật đã qua soạn thảo với tư cách là nhận thông tin từ phía cơ quan trình dự án luật để có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn bị cho việc thảo luận, xem xét tại phiên họp toàn thể của Quốc hội. Đây mới là vấn đề mang ý nghĩa triết lý của việc tham gia của đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội trong quy trình lập pháp.

Mặt khác, với việc quy định giai đoạn đại biểu Quốc hội cho ý kiến trong quá trình soạn thảo văn bản đối với Ban soạn thảo, có thể phù hợp hơn đối với quy trình xem xét và thông qua dự án luật 1 lần tại phiên họp toàn thể của Quốc hội theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 quy định (thực chất là 1 lần) tại Điều 45. Tuy nhiên, nếu áp dụng với quy trình thông qua dự luật tại 2 lần họp theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung năm 2002 thì sẽ thấy sự bất cập càng rõ nét hơn. Đáng tiếc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung năm 2002 với việc quy định Quốc hội xem xét thông qua dự luật 2 lần tại 2 kỳ họp khác nhau lại vẫn giữ nguyên quy định về giai đoạn lấy ý kiến của đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội trong quá trình soạn thảo.

Một phần của tài liệu Quy trình lập pháp của Quốc hội Việt Nam (Trang 79 - 81)