2. SOẠN THẢO VĂN BẢN DỰ ÁN LUẬT
2.3. Thẩm định dự án luật
Trong quy trình lập pháp của Quốc hội nước ta, thẩm định dự án luật là một khâu trong giai đoạn soạn thảo văn bản luật, và được quy định tại Điều 29a, thuộc mục 3, chương III, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung năm 2002. Theo đó, đối với các dự án luật (của các bộ, ngành) trước khi được Chính phủ trình ra Quốc hội, phải do Chính phủ thẩm định. Việc này được giao cho Bộ Tư pháp - cơ quan chuyên môn của Chính phủ tiến hành.
Theo Khoản 2, Điều 29a thì cơ quan thẩm định tiến hành thẩm định về những vấn đề: a) Sự cần thiết ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự án, dự thảo; b) Sự phù hợp của nội dung dự án, dự thảo với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật; c) Tính khả thi của văn bản; d) Việc tuân thủ thủ tục và trình tự soạn thảo; đ) Ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản.
Việc quy định về thủ tục thẩm định là một công việc bắt buộc trong quy trình lập pháp của nước ta. Thẩm định nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình soạn thảo tại các bộ, ngành của Chính phủ. Bởi khác với nhiều nước khác, ở nước ta, mỗi bộ ngành đều có cơ quan soạn thảo riêng của mình; sau khi được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cơ quan soạn thảo sẽ tiến hành ngay vào việc soạn thảo thành các chương, điều cụ thể. Cơ quan pháp lý Bộ tư pháp tiến hành thẩm định về mặt kỹ thuật lập pháp đối với các dự án luật nói trên. Nhưng trên thực tế, các tiêu chuẩn tối thiểu để thẩm định dự án luật, pháp lệnh lại chưa được văn bản nào quy định. Hơn nữa, trong hệ thống các cơ quan thuộc Chính phủ và tại Bộ tư pháp, chưa có bộ phận chuyên sâu về kỹ
thuật lập pháp nên việc thẩm định thường được tiến hành qua cơ chế trao đổi, làm việc liên ngành để thống nhất lời văn và câu chữ của dự thảo. Do đó, công việc này thường mất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn cho những người là thành viên kiêm nghiệm của Ban tham dự dẫn đến hiệu quả làm việc không cao [53, TR 98]. Chúng tôi cho rằng việc chuyển các dự luật từ phía các bộ ngành để tiến hành thẩm định ở Bộ tư pháp theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không giải quyết triệt để được vấn đề, chẳng khác nào việc “trát xi măng vào thùng đã rỉ”.
Ngoài ra, Điều 29a của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung năm 2002 cũng mới chỉ quy định việc thẩm định dự án luật của các cơ quan bộ, ngành của Chính phủ mà chưa quy định việc ai sẽ tiến hành thẩm định đối với các dự luật mà chủ thể trình không thuộc Chính phủ. Đây cũng là một thiếu sót đáng tiếc của Luật cần sớm được khắc phục.