Nguồn của sáng kiến lập pháp

Một phần của tài liệu Quy trình lập pháp của Quốc hội Việt Nam (Trang 38 - 40)

1. SÁNG KIẾN PHÁP LUẬT

1.1.Nguồn của sáng kiến lập pháp

Trong quy trình lập pháp của Quốc hội nước ta, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì sáng kiến pháp luật (chương trình xây dựng luật, pháp lệnh) được bắt nguồn từ nhiều chủ thể khác nhau, bao gồm:

- Các bộ, ngành của Chính phủ;

- Đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội; - Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các thành viên.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xây dựng trên cơ sở đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, đảm bảo các

quyền, nghĩa vụ của công dân (Khoản 1, Điều 22, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

Qua quy định của luật, có thể thấy nguồn của sáng kiến pháp luật được xuất phát từ những kênh thông tin chủ yếu sau đây:

- Từ phía cơ quan hành pháp: các bộ, ngành của Chính phủ. Đây là loại nguồn chủ yếu vì Chính phủ là cơ quan trực tiếp điều hành các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, do vậy có thể nắm bắt kịp thời và sát thực nhất đối với mọi vấn đề có liên quan.

- Từ phía các cơ quan lập pháp: trực tiếp là từ phía các đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội. Thông qua việc tiếp xúc với cử tri, các ý kiến phản ánh, đề xuất của cử tri có thể được các đại biểu ghi nhận và phản ánh vào các chính sách, chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Thông thường, quyền sáng kiến của đại biểu Quốc hội chủ yếu gắn với chức năng giám sát các cơ quan công quyền, để Hành pháp hành động vì lợi ích của nhân dân.

- Từ phía các cơ quan tư pháp: thực hiện chức năng xét xử và công tố, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân là những cơ quan bảo vệ pháp luật, nhân danh Nhà nước để thực hiện việc xét xử nên có điều kiện tiếp xúc với các văn bản pháp luật nhiều nhất, thông qua đó có thể phát hiện ra những bất cập, hạn chế của pháp luật và có những kiến nghị sửa đổi phù hợp hơn.

- Từ phía các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là các tổ chức quần chúng, có cơ cấu tổ chức hoàn thiện từ trung ương đến địa phương theo các đơn vị hành chính - lãnh thổ tạo nên hệ thống thống nhất và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị nên đề xuất của các tổ chức này cũng đồng thời thể hiện sự tập hợp rộng rãi các tổ chức, thành phần khác nhau trong xã hội.

- Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Đây là loại nguồn hết sức quan trọng trong hoạt động lập pháp ở nước ta. Vì Đảng là cơ quan lãnh đạo nhà nước và xã hội, định ra đường lối, phương hướng cho hoạt động của Nhà nước và kiểm tra các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện đường lối của mình.

- Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, đảm bảo các quyền, nghĩa vụ của công dân.

Như vậy, với việc quy định tương đối rộng từ các kênh thông tin khác nhau của nhiều chủ thể khác nhau, có thể nói là không hạn chế các loại nguồn của sáng kiến pháp luật là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế và hình thức dân chủ trong bộ máy nhà nước ta.

Một phần của tài liệu Quy trình lập pháp của Quốc hội Việt Nam (Trang 38 - 40)