Các nguyên tắc cơ bản của Luật hàng không quốc tế

Một phần của tài liệu Việc bảo đảm an toàn bay trong lĩnh vực hành không dân dụng theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (Trang 68)

a) Nguyên tắc chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt của quốc gia đối với vùng trời.

Nguyên tắc này được ghi nhận ở ngay Điều 1 Công ước Chicago 1944 với nội dung “Các quốc gia ký kết công nhận rằng mỗi quốc gia đều có chủ

quyền hoàn toàn và riêng biệt đối với khoảng không gian bao trùm lên lãnh thổ của mình” [41].

Nội dung này xác định, các quốc gia có quyền quyết định cụ thể chế độ pháp lý của vùng trời nước mình một cách độc lập cũng như quy định trình tự, thủ tục và các điều kiện mà phương tiện bay nước ngoài được phép sử dụng vùng trời quốc gia phải đáp ứng như phải có giấy phép HK trên cơ sở điều

ước quốc tế hữu quan, phải chấp hành các quy định về cửa khẩu HK, hành lang bay, độ cao bay, quy định sân bay được phép hạ cánh…Đối với các chuyến bay không thường xuyên (chuyến bay bất thường) phải được sự cho phép đặc biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nội dung chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt của quốc gia đối với vùng trời của mình có mục đích đảm bảo quyền lợi và lợi ích đa dạng cho mỗi quốc gia nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung trong quá trình sử dụng khoảng không gian cho hoạt động lưu thông HK quốc tế, góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay.

b) Nguyên tắc tự do bay trong vùng trời quốc tế.

Theo Luật HK quốc tế, vùng trời quốc tế là khoảng không gian bao trùm lên biển cả, châu Nam cực và nằm ngoài đường biên giới quốc gia trên biển của từng quốc gia. Trong vùng trời quốc tế, các phương tiện bay có quyền tự do HK mà không cần phải xin phép bất kỳ chủ thể nào của luật quốc tế, đồng thời tất cả các phương tiện bay chỉ thuộc thẩm quyền tài phán của quốc gia đăng tịch phương tiện bay. Tuy nhiên, quyền tự do bay trong không phận quốc tế không phải là tuyệt đối. Trong thời gian bay ở khu vực không phận này, các phương tiện bay phải chấp hành nghiêm chỉnh và tuân thủ các quy định trong điều ước quốc tế về HK và trong các văn bản HK của ICAO mà không có một ngoại lệ bất kỳ nào.

Đối với vùng trời bao trùm lên vùng đặc quyền kinh tế, các phương tiện bay nước ngoài vẫn có quyền tự do bay. Công ước luật biển 1982 đã khảng định quyền tự do bay có tính truyền thống trong vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế rộng không quá 200 hải lý theo công ước này không có ảnh hưởng tới quyền tự do bay nói trên. Tuy nhiên, trong thực tiễn, nhiều quốc gia đã thiết lập vùng an ninh HK có chiều rộng 200 - 300 hải lý nhằm mục đích kiểm soát các chuyến bay HK, đảm bảo an ninh quốc gia như Hoa Kỳ, Tây

Ban Nha, Italia, Pháp, Nhật Bản, Philipin, Hàn Quốc…Các nước thiết lập vùng an ninh HK yêu cầu các phương tiện bay phải thông báo các thông tin, dữ liệu cần thiết và hướng bay của mình trong thời gian đang hoạt động ở vùng an ninh nói trên.

c) Nguyên tắc đảm bảo an ninh, an toàn cho HKDD quốc tế.

Tuân thủ và thực thi nghiêm chỉnh nguyên tắc đảm bảo an ninh, an toàn cho HKDD quốc tế là tiền đề cần thiết cho sự phát triển có hiệu quả của HKDD quốc tế. Phù hợp với nguyên tắc này, các quốc gia có nghĩa vụ sau đây:

- Thi hành các biện pháp đảm bảo kỹ thuật cần thiết cho hoạt động HK, sân bay, các dịch vụ và chuyến bay HK. Căn cứ vào các phụ bản kỹ thuật HK của Công ước Chicago 1944, các quốc gia trong khuôn khổ của ICAO và phụ thuộc vào hoàn cảnh cần thiết, theo từng thời kỳ nhất định, phải soạn thảo lại các quy định về các vấn đề kỹ thuật HK và áp dụng chúng trong thực tế nhằm mục đích đảm bảo cao nhất an toàn kỹ thuật cho các chuyến bay HK nói riêng và hoạt động lưu thông HK nói chung.

- Đấu tranh kiên quyết với các hành vi can thiệp bất hợp pháp trong hoạt động HKDD. Trong khuôn khổ ICAO đã soạn thảo và thông qua Phụ bản đặc biệt số 17 của Công ước Chicago 1944 về an ninh HK, đồng thời dưới sự bảo trợ của ICAO, các quốc gia đã ký kết các điều ước quốc tế toàn cầu có mục đích tổ chức và phát triển hợp tác quốc tế giữa các quốc gia trong cuộc đấu tranh với các hành vi can thiệp bất hợp pháp trong hoạt động HKDD.

Một phần của tài liệu Việc bảo đảm an toàn bay trong lĩnh vực hành không dân dụng theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (Trang 68)