Các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế

Một phần của tài liệu Việc bảo đảm an toàn bay trong lĩnh vực hành không dân dụng theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (Trang 64)

Nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là những tư tưởng chính trị, pháp lý mang tính chỉ đạo, bao trùm, có giá trị bắt buộc chung đối với mọi chủ thể luật quốc tế. Trong luật quốc tế, các nguyên tắc cơ bản tồn tại dưới dạng những quy phạm Jus cogens được ghi nhận ở cả điều ước quốc tế và tập quán quốc tế. Nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế thực hiện hai chức năng quan trọng là ổn định quan hệ quốc tế và ấn định khuôn khổ xử sự cho các chủ thể trong quan hệ quốc tế, qua đó tạo điều kiện cho quan hệ quốc tế phát triển.

Số lượng các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế trong Tuyên bố năm 1970 của Liên hợp quốc bao gồm 7 nguyên tắc. Đó là (i) Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia; (ii) Nguyên tắc cấm đe dọa dùng vũ lực hay dùng vũ lực; (iii) Nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế; (iv) Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác; (v) Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác; (vi) Nguyên tắc dân tộc tự quyết; (vii) Nguyên tắc tận tậm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda) [30].

Trong hệ thống này, tác giả luận văn xin được đề cập đến một số nguyên tắc trực tiếp liên quan và tác động đến luật HK quốc tế và thực tiễn hoạt động HK quốc tế. Cụ thể:

Thứ nhất, nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia.

Chủ quyền là thuộc tính chính trị - pháp lý không thể tách rời của quốc gia, bao gồm hai nội dung chủ yếu là quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Bình đẳng về chủ quyền của các quốc gia là nền tảng của quan hệ quốc tế hiện đại. Trật tự quốc tế chỉ có thể được duy trì nếu các quyền bình đẳng của các quốc gia tham gia trật tự đó được hoàn toàn đảm bảo. Hiến chương liên hợp quốc đã lấy nguyên tắc này làm cơ sở cho hoạt động của mình, tại Khoản 1 Điều 2 ghi: “Tổ chức Liên hợp quốc dựa trên nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa tất cả các nước thành viên” [22]. Nguyên tắc này là nền tảng quan trọng nhất của toàn bộ hệ thống các nguyên tắc của luật quốc tế hiện đại. Nó được ghi nhận trong điều lệ của các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc, của tuyệt đại đa số các tổ chức quốc tế phổ cập và tổ chức khu vực, trong nhiều điều ước quốc tế đa phương và song phương cũng như trong các văn bản quốc tế quan trọng của các hội nghị và tổ chức quốc tế.

Ngày nay, quá trình quốc tế hóa đời sống xã hội, sự hội nhập khu vực và sự hội nhập toàn cầu đã xuất hiện nhiều tổ chức quốc tế phổ cập và khu

vực. Các tổ chức này ngày càng có vai trò to lớn trong việc phối hợp hoạt động hợp tác của các quốc gia thành viên. Khi tham gia tổ chức quốc tế, các quốc gia thành viên tự nguyện trao cho tổ chức quốc tế một số thẩm quyền thuộc chủ quyền của mình. Khi tự nguyện tham gia tổ chức quốc tế, quốc gia phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ thành viên, chịu sự chi phối nhất định của tổ chức quốc tế. Các hoạt động đó có thể được hiểu là quốc gia đã triển khai thực hiện chủ quyền của mình. Đồng thời, trong suốt thời gian tham gia tổ chức quốc tế, quốc gia luôn có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của chính tổ chức quốc tếđó. Việc quốc gia tham gia vào đời sống quốc tế và việc ngày càng nhiều những vấn đềđược quốc tế hoá phản ánh không chỉ nhu cầu mà còn là lợi ích của sự hợp tác quốc tế. Chủ quyền không làm cho quốc gia tách biệt hoàn toàn với cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, các quốc gia tồn tại trong mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau. Bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia là cơ sở để trật tự thế giới phát triển theo xu hướng ổn định, hội nhập và tiến bộ.

Thứ hai, nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác.

Trong luật quốc tế hiện đại, các quốc gia là những thực thể có chủ quyền, bình đẳng với nhau về chủ quyền, hành động với tư cách là chủ thể độc lập, không chịu sự can thiệp của các chủ thể khác. Nhưng xu thế tất yếu của tiến trình phát triển quan hệ quốc tế là sự hội nhập, sự hợp tác trên cơ sở các bên cùng có lợi lại đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của các quốc gia. Sự hợp tác quốc tế giữa các quốc gia trong tất cả các lĩnh vực không phụ thuộc vào chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và nhằm duy trì hòa bình, an ninh quốc tế đã được pháp luật hóa. Theo Hiến chương, các quốc gia có nghĩa vụ “tiến hành hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo trên phạm vi quốc tế” cũng như “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế bằng cách tiến hành các biện pháp tập thể có hiệu quả” [22].

Nội dung nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau được quy định rõ trong hai điều 55 và 56 của Hiến chương. Đặc biệt, Điều 55 quy định hai nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc là nghĩa vụ hợp tác với nhau để thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hiến chương và nghĩa vụ hợp tác với tổ chức Liên hợp quốc để đạt được những mục đích kể trên. Đương nhiên, các hình thức và mức độ hợp tác tùy thuộc vào chính bản thân các quốc gia, tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện vật chất và khả năng sẵn sàng thích ứng của hệ thống pháp luật trong nước thực thi những nghĩa vụ quốc tế mà quốc gia phải gánh vác.

Nghĩa vụ hợp tác còn thể hiện ở việc các quốc gia phải hành động phù hợp với các nguyên tắc của Liên hợp quốc. Điều này có nghĩa là các quốc gia phải thể hiện nỗ lực giải quyết các vấn đề quốc tế thông qua sự hợp tác, phối hợp với nhau. Ngay cả các quốc gia không phải là thành viên Liên hợp quốc cũng phải tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương vì điều này cần thiết cho công cuộc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Thứ ba, nguyên tắc tận tậm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda).

Nguyên tắc thiện chí thực hiện cam kết quốc tế xuất hiện rất sớm, từ khi xuất hiện nhà nước và tồn tại dưới hình thức tập quán quốc tế (Pacta Sunt Servanda). Ngày nay, nguyên tắc này được ghi nhận trong rất nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương.

Trong lời mở đầu của Hiến chương Liên hợp quốc đã khảng định sự quyết tâm của các nước thành viên “tạo điều kiện để đảm bảo công lý và sự tôn trọng các nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế và các nguồn khác của luật quốc tế”. Theo khoản 2 Điều 2 của Hiến chương thì “tất cả các thành viên Liên hợp quốc thiện chí thực hiện các nghĩa vụ do Hiến chương đặt ra” [22].

Công ước Viên 1969 về Luật điều ước quốc tế đã khảng định tính phổ cập của nguyên tắc thiện chí thực hiện cam kết quốc tế. Theo công ước này

thì “mỗi điều ước quốc tế hiện hành đều ràng buộc các bên tham gia và đều được các bên thực hiện một cách thiện chí” [22].

Tuyên bố về các nguyên tắc của luật quốc tế năm 1970 đã mở rộng hơn nữa phạm vi áp dụng của nguyên tắc này. Theo đó, mỗi quốc gia phải thiện chí thực hiện các nghĩa vụ quốc tế do Hiến chương đặt ra, các nghĩa vụ phát sinh từ các quy phạm và nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật quốc tế. Khi nghĩa vụ theo điều ước quốc tế trái với nghĩa vụ của thành viên Liên hợp quốc theo Hiến chương thì nghĩa vụ theo Hiến chương có giá trịưu tiên.

Nguyên tắc thiện chí thực hiện cam kết quốc tế chỉ được áp dụng đối với các điều ước quốc tế có hiệu lực, tức là đối với những điều ước được ký kết một cách tự nguyện trên cơ sở bình đẳng.

Bất kỳ một điều ước bất bình đẳng nào cũng xâm phạm chủ quyền quốc gia và Hiến chương Liên hợp quốc, bởi vì Liên hợp quốc được thành lập trên cơ sở bình đẳng về chủ quyền của tất cả các nước thành viên. Tất cả các nước này đã cam kết gánh vác nghĩa vụ “phát triển quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và dân tộc tự quyết”.

Một phần của tài liệu Việc bảo đảm an toàn bay trong lĩnh vực hành không dân dụng theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam (Trang 64)