Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1959

Một phần của tài liệu Nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (Trang 41)

7. Kết cấu của luận văn

1.4.1.Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1959

Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời (02/9/1945), hệ thống tổ chức Tòa án, Công tố các cấp được thành lập song song với việc thành lập hệ thống hành pháp nhằm bảo vệ một cách hiệu quả chính quyền cách mạng. Ngày 13/9/1945 Chính phủ lâm thời do Chủ

tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã ban hành Sắc lệnh số 33 bãi bỏ quan chức hai ngạch hành chính và tư pháp của chính quyền thực dân phong kiến đồng thời thiết lập ngay hệ thống Tòa án quân sự và Tòa án binh để đấu tranh một cách kịp thời và có hiệu quả với các hành vi phạm tội, bảo đảm cho việc củng cố chính quyền cách mạng và bảo vệ lợi ích của nhân dân. Ngay sau đó, hệ thống Tòa án thường (dân sự) cũng được thiết lập theo Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946. Hệ thống cơ quan Công tố cũng được thiết lập theo Sắc lệnh này và Sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946, Sắc lệnh số 131/SL ngày 20/7/1946.v.v. quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan Công tố. Tiếp đó, ngày 09/11/1946, Quốc hội thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trong đó Chương VI (từ Điều 63 đến Điều 69) quy định các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động các cơ quan tư pháp. Điều 63 Hiến pháp năm 1946 quy định các cơ quan tư pháp gồm: Toà án tối cao, các Toà án phúc thẩm, các Toà án đệ nhị cấp và các Toà án sơ cấp. Nhưng vì điều kiện chiến tranh nên Hiến pháp không được ban bố thi hành, Quốc hội giao cho Chính phủ cùng với Ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào các nguyên tắc của Hiến pháp ban hành các văn bản pháp luật. Vì vậy, Toà án và cơ quan Công tố được tổ chức theo các Sắc lệnh của Chính phủ. Cơ quan Công tố lúc đó nằm trong hệ thống Tòa án do Bộ Tư pháp quản lý. Hệ thống Toà án được tổ chức ở ba cấp: Toà án sơ cấp (ở các quận, huyện, châu), Toà án đệ nhị cấp (ở các tỉnh, thành phố) và Toà thượng thẩm được tổ chức ở Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ (Điều 7, Điều 12 và Điều 35 Sắc lệnh số 13). Ở Toà án sơ cấp không có tổ chức Công tố, “Thẩm phán xét xử một mình” làm cả việc Công tố (Điều 10 Sắc lệnh số 13). Ở Toà án đệ nhị cấp, có hai loại Thẩm phán là Thẩm phán xử án và Thẩm phán buộc tội - Công tố viên (gọi là Biện lý hoặc Phó Biện lý của các Toà án đệ nhị cấp). Ở Toà thượng thẩm có Công tố viện do Chưởng lý đứng đầu, ngoài ra còn có Phó Chưởng lý và Thẩm lý Toà Thượng thẩm (Điều 51 Sắc lệnh số 13/SL).

Trong việc giải quyết các vụ án dân sự và thương sự (kinh tế), theo quy định của Sắc lệnh 51/SL ngày 17/4/1946, Công tố viện được giao một số thẩm quyền nhất định, cụ thể là:

- Công tố viện có nghĩa vụ bảo vệ, can thiệp, khởi kiện vụ án dân sự trong một số trường hợp do pháp luật quy định. Theo quy định tại Điều 30 Sắc lệnh số 51, thì Biện lý có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của các vị thành niên, của người bị cấm quyền và của pháp nhân hành chính. Biện lý có quyền đứng ra làm chánh tố hay là nguyên đơn chính trong các vụ kiện về dân sự theo thẩm quyền.

- Biện lý có quyền tham gia các phiên toà hộ (dân sự) và tại phiên tòa xét xử có quyền phát biểu yêu cầu Toà án thi hành mọi phương sách cần thiết để chứng tỏ sự thật.

Quy định này cho thấy, mặc dù việc hộ (hay việc dân sự), thương sự (kinh tế) do các bên định đoạt và Tòa án có vai trò trung tâm và chủ yếu trong việc giải quyết thông qua xét xử các tranh chấp, nhưng pháp luật lúc đó cũng đã quy định Công tố viện cũng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của một số đối tượng bị hạn chế khả năng tự bảo vệ quyền lợi, đại diện cho pháp nhân và đảm bảo cho hoạt động xét xử của Tòa án được thực hiện đúng đắn.

Sau Hội nghị cải cách tư pháp lần thứ nhất (tổ chức vào tháng 3/1950), Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950 về cải cách tư pháp. Theo đó, về thủ tục TTDS đã có một số thay đổi, cho phép Công tố viện được tham dự nhiều hơn vào việc giải quyết vụ án dân sự. Trong Tờ trình ngày 10/5/1950 về việc ban hành Sắc lệnh số 85-SL về cải cách tư pháp có nêu rõ: “Trái với quan niệm xưa cho rằng việc hộ thường chỉ có lợi hoặc có hại riêng cho tư nhân nên xã hội không cần can thiệp đến, thì nay Công tố viện có quyền kháng cáo các án hộ nếu xét ra cần thiết” [37, tr. 55].

Điều 15 Sắc lệnh số 85/SL năm 1950 quy định: “Công tố viện có quyền kháng cáo về việc hộ cũng như về việc hình”, đánh dấu sự mở rộng thẩm quyền kiểm sát của các cơ quan Công tố ở nước ta đối với hoạt động xét xử của Tòa án.

Sau ngày hoà bình lập lại, miền Bắc được giải phóng, trước sự chuyển biến nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương, trong đó có các cơ quan tư pháp, đặc biệt là các cơ quan Công tố. Tại Thông tư số 141/HCTP ngày

5/12/1957 của Bộ Tư pháp về tổ chức và phân công trong nội bộ Toà án, quy định Công tố uỷ viên có nhiệm vụ:

“…c/ Theo dõi việc xét xử và hoà giải của TAND có hợp pháp không (kháng nghị đối với bản án hoặc quyết nghị của Toà án xét có đúng pháp luật, đối với biên bản hoà giải thành, vi phạm đến quyền lợi hoặc trật tự chung, Công tố uỷ viên có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền sửa đổi lại)…

e/ Có quyền khởi tố hoặc tham gia tố tụng những vụ án dân sự quan trọng liên quan đến lợi ích của nhà nước và nhân dân (như những vụ án liên quan đến nhà máy, hợp tác xã, trường học, phương tiện vận tải…hoặc những vụ án có liên quan đến quyền lợi của người vị thành niên, người mất trí) …”.

Tại kỳ họp thứ 8, từ ngày 16/4/1958 đến ngày 29/4/1958 (được coi là cuộc cải cách tư pháp lần thứ 2), Quốc hội khoá I quyết định thành lập Toà án tối cao và hệ thống Toà án, thành lập hệ thống cơ quan Công tố, cả hai hệ thống này tách khỏi Bộ Tư pháp, trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 256/TTg ngày 01/7/1959 quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Viện công tố. Theo đó, hệ thống các cơ quan Công tố được thành lập từ Trung ương đến cấp huyện, trở thành hệ thống các cơ quan Nhà nước độc lập, không còn trực thuộc Bộ Tư pháp, không còn chịu sự chỉ đạo cụ thể và trực tiếp của Uỷ ban hành chính cùng cấp ở địa phương. Viện Công tố có các nhiệm vụ, quyền hạn: (1) Điều tra và truy tố trước Toà án những kẻ phạm pháp về hình sự; (2) giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác điều tra của Cơ quan điều tra; (3) giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc xét xử của các Toà án; (4) giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc thi hành các bản án về hình sự, dân sự và trong hoạt động của các cơ quan giam, giữ và cải tạo; (5) khởi tố và tham gia tố tụng trong những vụ án dân sự quan trọng có liên quan đến lợi ích của nhà nước và của nhân dân. Với việc quy định giám sát hoạt động xét xử của Tòa án trong việc giải quyết các vụ án dân sự đã mở rộng phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của Viện công tố trong TTDS so với trước đó.

từ lúc mới được hình thành và nhất là sau này vào cuối những năm 1950, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Công tố trong TTDS được quy định tương đối rộng. Tuy nằm trong cơ cấu Toà án, chịu sự quản lý của Bộ Tư pháp và sau đó là tách ra khỏi Toà án và Bộ Tư pháp để trở thành một hệ thống độc lập, thì chức năng, thẩm quyền của cơ quan Công tố không chỉ giới hạn ở lĩnh vực hình sự mà còn được pháp luật xác định trong lĩnh vực TTDS theo hướng ngày càng phát triển và mở rộng phạm vi hoạt động.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (Trang 41)