Thực hiện quyền yêu cầu

Một phần của tài liệu Nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (Trang 96)

7. Kết cấu của luận văn

2.3.1.Thực hiện quyền yêu cầu

Quá trình KSVTTPL trong TTDS, VKS có quyền yêu cầu đối với Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thẩm quyền này được quy định ở nhiều điều luật của BLTTDS.

* Yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị

Căn cứ khoản 4 Điều 85 BLTTDS (đã được sửa đổi, bổ sung) và Điều 4 Thông tư liên tịch số 04 thì Viện kiểm sát có quyền yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Đây là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ duy nhất mà VKS được tiến hành để phục vụ cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị. Đồng thời khoản 2 Điều 94 BLTTDS cũng quy định: VKS có thể trực tiếp hoặc bằng văn bản yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ cung cấp cho mình chứng cứ và cá nhân, cơ quan, tổ chức được yêu cầu phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của VKS trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của VKS thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là quy định mới được bổ sung của Điều 94 BLTTDS nhằm bảo đảm cho VKS thực hiện tốt nguyên tắc KSVTTPL trong TTDS. Trước đây, theo quy định tại khoản 3 Điều 85 BLTTDS năm 2004, thì VKS có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trên cơ sở khiếu nại của đương sự, nhưng nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS đã bỏ quy định này.

Ngoài ra, BLTTDS còn quy định cho VKS thực hiện quyền yêu cầu tại phiên tòa, như: Yêu cầu Hội đồng xét xử công bố tài liệu vụ án; yêu cầu Hội đồng xét xử cho nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình (Điều 227, 228, 272 BLTTDS).

* Yêu cầu Toà án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để tham gia phiên toà, phiên họp hoặc để xem xét, quyết định việc kháng nghị

Toà án phải chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho VKS cùng cấp trong các trường hợp VKS phải tham gia phiên toà, phiên họp theo quy định của BLTTDS, trừ các trường hợp VKS cùng cấp với Toà án cấp phúc thẩm đã kháng nghị phúc thẩm, VKS cùng cấp với Toà án có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; VKS yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để xem xét kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Việc

chuyển hồ sơ vụ việc dân sự để tham gia phiên toà và xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 04.

* Yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án

Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có quyền yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nếu phát hiện căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và cần có thời gian kiểm tra, xem xét để quyết định có kháng nghị hay không kháng nghị đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 286 và Điều 310 BLTTDS. Trong trường hợp đã kháng nghị thì những chủ thể có thẩm quyền nói trên có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà.

* Quyền yêu cầu trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TTDS

Theo quy định tại Điều 404 BLTTDS, thì VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TTDS theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện KSVTTPL trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TTDS, VKS thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị đối với Tòa án cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật. Thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị của VKS trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TTDS thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư liên tịch số 04.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (Trang 96)