7. Kết cấu của luận văn
1.4.3. Giai đoạn từ 1980 đến 2004
Thực hiện đường lối cách mạng XHCN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Nhà nước ta ban hành Hiến pháp năm 1980, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của hệ thống cơ quan VKSND trong bộ máy Nhà nước. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1980, Luật Tổ chức VKSND được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá VII, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 4 tháng 7 năm 1981 đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong TTDS. Theo đó, VKSND có những nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu như: KSVTTPL trong việc xét xử các vụ án, nhằm bảo đảm việc xét xử của các TAND đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời (Điều 12); khởi tố hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và đơn vị vũ trang nhân dân cùng cấp khởi tố những vụ án dân sự quan trọng có liên quan đến lợi ích của nhà nước, của tập thể và quyền lợi chính đáng của công dân (khoản 6 Điều 13); tham gia tố tụng tại phiên toà của TAND cùng cấp (khoản 2 Điều 13); yêu cầu TAND cùng cấp chuyển hồ sơ những vụ án cần thiết cho công tác kiểm sát xét xử (khoản 3 Điều 13); kháng nghị theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định dân sự của Tòa án (khoản 4, 5 Điều 13); Viện trưởng
VKSND tối cao và Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có quyền tham dự các cuộc họp của Hội đồng Thẩm phán và Uỷ ban Thẩm phán TAND cùng cấp bàn về việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác xét xử (Điều 14); kiểm sát việc thi hành các bản án, quyết định dân sự của Tòa án (Điều 15).
Như vậy, so với Luật Tổ chức VKSND năm 1960, thì Luật Tổ chức VKSND năm 1981 có hai nội dung mới, đó là: Thứ nhất, quyền yêu cầu TAND chuyển hồ sơ vụ án để phục vụ cho hoạt động kiểm sát quy định tại khoản 3 Điều 13. Chính quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho VKSND trong việc tham gia tố tụng và kiểm sát hoạt động xét xử các vụ án dân sự của Tòa án. Thứ hai, về quyền khởi tố, ngoài việc quy định VKSND có quyền trực tiếp khởi tố, còn bổ sung quy định VKSND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức khởi tố những vụ án dân sự quan trọng có liên quan đến lợi ích của nhà nước, của tập thể và quyền lợi chính đáng của công dân (khoản 6 Điều 13).
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đã đề ra chủ trương, đường lối đổi mới toàn diện đất nước và là cơ sở ra đời các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó có hệ thống các văn bản pháp luật về TTDS.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức VKSND được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 22 tháng 12 năm 1988 đã bổ sung một điều (Điều 13a) quy định về kiểm sát xét xử dân sự. Cũng trong giai đoạn này, với việc ban hành Luật Tổ chức VKSND năm 1992 (được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ nhất, thông qua ngày 7 tháng 10 năm 1992), một đạo luật cụ thể hóa Hiến pháp năm 1992 (được Quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 15 tháng 4 năm 1992) - Hiến pháp của giai đoạn đổi mới và cũng là Hiến pháp đầu tiên quy định VKSND có hai chức năng là thực hành quyền công tố và KSVTTPL, thì hoạt động KSVTTPL trong TTDS được quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn và đầy đủ hơn tại Điều 17. Đặc biệt, một loạt các pháp lệnh được xây dựng đều quy định có tính nguyên tắc về KSVTTPL trong tố tụng dân sự tại chương I (những quy định chung), như: PLTTGQCVADS năm 1989
(Điều 9), PLTTGQCVAKT năm 1994 (Điều 11), PLTTGQCTCLĐ năm 1996 (Điều 10). Trên cơ sở quy định có tính nguyên tắc đó, quyền hạn của VKSND trong TTDS được cụ thể hóa tại nhiều điều luật cụ thể của 03 pháp lệnh.
Căn cứ vào các đạo luật và 03 pháp lệnh trên đây, thì trong TTDS, VKSND có các nhiệm vụ, quyền hạn: (1) kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án, yêu cầu TAND hoặc tự mình điều tra, xác minh những vấn đề cần làm sáng tỏ nhằm giải quyết đúng đắn vụ án;(2) khởi tố những vụ án dân sự, lao động theo quy định của pháp luật; (3) tham gia phiên toà xét xử những vụ án mà VKSND đã khởi tố hoặc kháng nghị; đối với những vụ án khác, VKSND có thể tham gia tố tụng vào bất cứ giai đoạn nào, nếu thấy cần thiết; (4) yêu cầu TAND cùng cấp áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật; (5) kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của TAND theo quy định của pháp luật TTDS.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) và Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng về việc tổ chức nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992, ngày 25/12/2001, Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10 thông qua Nghị quyết số 51/2001/NQ sửa đổi, bổ sung 23 điều của Hiến pháp năm 1992, trong đó có Điều 137 quy định giao cho VKSND thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động
tư pháp. Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp và Hiến
pháp 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001), Luật Tổ chức VKSND được Quốc hội Khóa X, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 02 tháng 4 năm 2002 có những sửa đổi, bổ sung, thay đổi lớn về chức năng, nhiệm vụ của VKSND; cơ sở hoạt động KSVTTPL trong TTDS là chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Trong TTDS, ngoài việc tiếp tục ghi nhận, kế thừa các quy định về thẩm quyền của VKSND trước đó, Luật Tổ chức VKSND đã bổ sung một số quy định mới về phạm vi hoạt động kiểm sát và thẩm quyền của VKSND, như: (1) quy định mới về việc VKSND thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự bằng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật tại khoản 4 Điều 3; trên cơ
sở đó đã bổ sung mới chương IV quy định về công tác kiểm sát này; (2) bổ sung thẩm quyền kiểm sát việc thụ lý vụ án của Tòa án (khoản 1 Điều 21); (3) mở rộng quyền tham gia các phiên tòa và phát biểu quan điểm của VKSND về việc giải quyết vụ án (khoản 3 Điều 21), theo đó, KSV phải tham gia 100% các phiên tòa xét xử các vụ án dân sự và đây là quy định đầu tiên VKSND phải tham gia đầy đủ các phiên tòa dân sự; (4) bổ sung quy định KSVTTPL trong TTDS của những người tham gia tố tụng, kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án (khoản 5, 6 Điều 21); (5) khởi tố về hình sự nếu qua kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật thấy có dấu hiệu tội phạm.
Tóm lại, Giai đoạn này, Nhà nước ta ban hành nhiều đạo luật có nội dung quy định về chức năng, nhiệm vụ của VKSND nói chung và hoạt động KSVTTPL trong TTDS nói riêng. Đây là giai đoạn hoạt động KSVTTPL trong TTDS được tiếp tục khẳng định với những quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của VKSND trong TTDS và ghi nhận như là một trong những nguyên tắc cơ bản của của TTDS.