Mối quan hệ với nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của

Một phần của tài liệu Nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (Trang 37)

7. Kết cấu của luận văn

1.3.3.Mối quan hệ với nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của

đương sự

Trong các quan hệ pháp luật nội dung (quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động) các chủ thể có quyền tự do, tự nguyện, bình đẳng thỏa thuận xác lập hoặc chấm dứt quan hệ (xác lập hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ). Trường hợp có vi phạm hoặc tranh chấp, họ có quyền tự quyết định và định đoạt quyền, lợi ích hợp pháp của mình và lựa chọn cách thức, biện pháp giải quyết tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, Điều 5 BLTTDS năm 2004 đã ghi nhận quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là một nguyên tắc cơ bản, đặc trưng nhất của tố TTDS và được biểu hiện dưới những nội dung chủ yếu sau đây:

- Việc khởi kiện hay không khởi kiện để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự là do các bên đương sự tự quyết định, Toà án không tự đưa các tranh chấp, yêu cầu dân sự ra giải quyết; Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, chính các bên đương sự là người quyết định các hành vi tố tụng tiếp theo, như chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình bằng việc nguyên đơn có thể rút đơn khởi kiện hoặc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện; bị đơn có thể đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn, chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, thừa nhận hoặc phản đối những tình tiết, sự kiện mà bên nguyên đơn đưa ra; các bên đương sự có quyền thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội; tự mình quyết định việc kháng cáo hay không kháng cáo phúc thẩm… Như vậy, việc tham gia TTDS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là do đương sự tự quyết định mà không ai có quyền can thiệp.

- Tòa án chỉ giải quyết vụ việc dân sự trong phạm vi yêu cầu của đương sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (như trường hợp giao dịch dân sự vô

hiệu tuyệt đối do vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì Toà án có quyền tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu mà không phụ thuộc vào yêu cầu của các bên đương sự).

Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy rằng, mỗi khi các bên đương sự quyết định đưa tranh chấp dân sự ra Tòa án để giải quyết theo thủ tục TTDS thì có nghĩa rằng các bên đương sự đã không tự giải quyết được tranh chấp và khi đó việc giải quyết tranh chấp dân sự cần phải có sự can thiệp từ phía cơ quan Nhà nước (Tòa án, VKSND). Mặt khác, quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự phải được thực hiện trong trật tự pháp luật, đó là sự tự nguyện, không trái pháp luật, đạo đức đạo xã hội và nó được bảo đảm thực hiện từ hai phía là cơ quan nhà nước và chính khả năng của đương sự. VKSND tham gia vào quá trình TTDS giải quyết vụ việc dân sự với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng, nhân danh nhà nước KSVTTPL đối với các chủ thể trong quá trình tố tụng giải quyết vụ việc dân sự nhằm bảo đảm hoạt động TTDS được thực hiện theo đúng các nguyên tắc và quy định cụ thể của pháp luật, bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, đứng về lẽ phải chứ không phải đứng về lợi ích của một bên đương sự nào, đặc biệt là bảo vệ những người yếu thế. Trong quá trình kiểm sát, VKSND có trách nhiệm áp dụng các biện pháp do BLTTDS quy định để loại bỏ yếu tố vi phạm pháp luật của các chủ thể tham gia vào qua trình TTDS giải quyết vụ việc dân sự, trong đó có việc cản trở, hạn chế đương sự thực hiện quyền quyết định và tự định đoạt. Ngay cả khi quyền quyết định và tự định đoạt của các đương sự thực hiện trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, xâm phạm đến lợi ích xã hội hoặc của người khác thì hoạt động kiểm sát cũng can thiệp để loại bỏ.

Như vậy, trong mối quan hệ với nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, thì nguyên tắc KSVTTPL trong TTDS là cơ chế bảo đảm thực hiện nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự và bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa quyền quyết định và tự định đoạt của các đương sự với vai trò tích cực và kiểm soát, can thiệp từ phía Nhà nước.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (Trang 37)